Xuất khẩu gạch ốp lát Ấn Độ tăng mạnh

6/7/2023 9:26:59 AM

Ấn Độ là quốc gia có ngành gạch ốp lát phát triển với tốc độ chóng mặt. Năm 2014 sản lượng gạch ốp lát xuất khẩu từ Ấn Độ lần đầu tiên vượt mốc 100 triệu m2, tăng 85% so với cùng kỳ năm trước và không ngừng tăng trưởng ở mức hai con số trong những năm tiếp theo. Năm 2021, xuất khẩu gạch ốp lát của Ấn Độ đã tăng lên 483 triệu m2, trong khi xuất khẩu gạch ốp lát của Trung Quốc 601 triệu m2. Theo số liệu thống kê, xuất khẩu gạch ốp lát Ấn Độ tăng lên hàng năm, trong năm 2018 xuất khẩu đạt 274 triệu m2 và tăng lên 483 triệu m2 vào năm 2021 (+76,28%).

Trong đó, tốc độ tăng trưởng hàng năm là 31% vào năm 2015, 39% vào năm 2016, 23%  năm 2017, năm 2018 là 20%, 31% năm 2019 và 24% năm 2020, vượt qua Tây Ban Nha và trở thành nước xuất khẩu gạch ốp lát lớn thứ hai trên thế giới.

Năm 2021, xuất khẩu Ấn Độ chiếm khoảng 16% tổng sản lượng gạch xuất khẩu của thế giới, nhưng lại tụt xuống đứng vị trí thứ ba trên thế giới. Xuất khẩu chủ yếu sang châu Á, tiếp theo là châu Phi chiếm 16% (+29%). Đồng thời, nhập khẩu từ Bắc Mỹ, Châu Âu và Nam Mỹ cũng tăng đáng kể.

Năm 2022, lượng gạch ốp lát xuất khẩu của Ấn Độ tiếp tục có xu hướng tăng mạnh. Theo Ông Ashok Kajaria, chủ tịch của Kajaria Ceramics và Abhishek Somany, CEO của Somany Ceramics cho biết xuất khẩu gạch ốp lát của Ấn Độ tăng 35% đến 45% trên cơ sở năm 2021 và 2022 đạt 2,2 tỷ euro.

Trong 5 năm qua, xuất khẩu gạch ốp lát của Ấn Độ liên tục duy trì xư hướng tăng trưởng, trong khi Trung Quốc nhà sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu gạch ốp lát lớn nhất thế giới có xu hướng giảm xuất khẩu từ 857 triệu m2 năm 2018 xuống còn 579 triệu m2 năm 2022. Khoảng cách số lượng xuất khẩu gạch ốp lát giữa Ấn Độ và Trung Quốc ngày càng thu hẹp, giá xuất khẩu bình quân chưa bằng một nửa so với Trung Quốc.

Do Ấn Độ có chi phí sản xuất thấp nhất trong số tất cả các nước xuất khẩu và giá xuất khẩu cũng thấp. Năm 2018, giá xuất khẩu gạch ốp lát bình quân của Ấn Độ là 3,1euro/m2 cho đến năm 2021 là 3,07 euro/m2. Qua các năm cho thấy giá xuất khẩu của Ấn Độ tương đối ổn định trong những năm gần đây. Nhưng giá xuất khẩu của Trung Quốc thì ngược lại, tăng qua từng năm từ 5,35USD/m2 vào năm 2019 lên 8,46 USD/m2.

Lấy năm 2021 làm ví dụ, giá xuất khẩu gạch ốp lát Trung Quốc là 6,80USD/m2, trong khi Ấn Độ 3,07euro/m2,  cho thấy giá xuất khẩu Trung Quốc cao hơn 52% so với Ấn Độ.

Thông tin từ các nhà sản xuất gạch ốp lát Ấn Độ, khu công nghiệp sản xuất gốm sứ Morbi Ấn Độ chủ yếu sản xuất các sản phẩm gạch ốp tường, gạch lát nền, gạch mài bóng, gạch kích thước lớn, xuất khẩu sang 150 quốc gia bao gồm Tây Ban Nha, Ý, Mexico, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, những năm gần đây, gạch ốp lát Ấn Độ liên tục bị điều tra chống bán phá giá và áp thuế chống bán phá giá ở các nước xuất khẩu đến, khiến việc xuất khẩu gặp khó khăn và trong tương lai sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức.

Ngày 30/4/2020, Ban thư ký kỹ thuật chống thiệt hại thương mại quốc tế của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh đã ban hành “công báo” và đưa ra quyết định chống bán phá giá cuối cùng đối với sản phẩm gạch ốp lát nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ với mức thuế là 23,5% - 76%, các biện pháp sẽ được thực hiện từ ngày 6/6/2020. Hội đồng hợp tác vùng Vịnh là tổ chức chính trị và kinh tế quan trọng nhất ở vùng Vịnh, gọi tắt là Hội đồng hợp tác vùng Vịnh hay GCC. Các quốc gia thành viên bao gồm các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Oman, Bahrain, Qatar, Kuwait và Ả rập Xê út.

Tiếp đến là các nước EU bắt đầu điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm gạch ốp lát có xuất xứ từ Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, cơ quan thương mại của EU đã đệ trình bằng chứng chứng minh doanh số bán các sản phẩm của mình bị ảnh hưởng bất lợi như nào bởi gạch Ấn Độ có mặt tại các nước châu Âu trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch Covid 19 năm 2020.

Ngày 10/2/2023, Ủy ban châu Âu đã công bố các quy định thực thi nhằm áp đặt một số mức thuế chống bán phá giá đối với gạch ốp lát từ Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong vòng năm năm kể từ thời điểm này, gạch xuất khẩu của Ấn Độ sang EU sẽ phải chịu mức thuế 6,7% đến 8,7%, với tỷ lệ phần trăm cuối cùng quyết định bởi các tập đoàn thông qua phân tích và phát hiện hành vi cạnh tranh (bán phá giá) không công bằng.