Tình hình ngành gốm sứ xây dựng Việt Nam năm 2022 và những thách thức năm 2023

6/7/2023 10:43:58 AM

Tình hình ngành gốm sứ xây dựng năm 2022

Năm 2022 toàn thể hội viên cũng như toàn ngành GSXD Việt Nam đã trải qua một năm đầy khó khăn vì đây là năm thứ ba cả nước chịu áp lực, khó khăn về dịch bệnh. Ở khu vực cũng như trên thế giới, Covid - 19 cùng với chiến tranh Nga – Ucraina đã làm tê liệt các hoạt động sản xuất, giao lưu hàng hóa dẫn đến suy thoái kinh tế ngày càng trầm trọng.

Ở trong nước diễn biến kinh tế phức tạp. Các vụ án về Covid - 19, vụ án về giải cứu người dân hồi hương, vụ án về trái phiếu, về chứng khoán, về tham nhũng, đặc biệt về đất đai liên quan đến thị trường bất động sản, v.v… đã tạo nên quá nhiều khó khăn cho đất nước. Thị trường bất động sản suy thoái đã trực tiếp ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành xây dựng, đến sản xuất và kinh doanh của ngành GSXD.

Để ứng phó với diễn biến của thị trường nhằm đảm bảo ổn định cân đối lớn của kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã có nghị quyết số 11 ngày 30/01/2022 yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại ưu tiên tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và thắt chặt tín dụng vào đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT, Trái phiếu doanh nghiệp…

Công văn 1976/NHNN của ngân hàng nhà nước gửi các tổ chức tín dụng và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt một số vấn đề để đảm bảo an toàn hoạt động.

Những chỉ đạo bởi tinh thần các văn bản trên của Chính phủ, của ngân hàng đã xuyên suốt trong năm 2022 cùng với các yếu tố liên quan khác đã làm cho thị trường bất động sản bị nghẽn mạch dòng vốn dẫn đến trầm lắng. Bất động sản khựng lại thì hàng loạt hoạt động kinh tế đi theo bị đình trệ là tất yếu, trong đó có ngành GSXD. Theo thống kê của Bộ Xây dựng nguồn cung về nhà ở thương mại quý I được cấp mới với 39 dự án chỉ bằng 49% so với cùng kỳ năm 2021. Tương tự, số lượng dự án được cấp phép chỉ bằng 41% cũng so với cùng kỳ 2021. Tình hình trên đã diễn ra trong cả năm 2022, đặc biệt thị trường bất động sản càng về cuối năm càng xấu hơn, đã có tới trên 40% các công ty bất động sản hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hẳn.

Luật đất đai đang được xem xét sửa đổi cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến thị trường bất động sản vì đã có tới 70% khiếu kiện trong xã hội là liên quan đến đất đai.

Dấu hiệu lạm phát đã xuất hiện, lãi xuất tăng cao, giá cả đầu vào cho sản xuất đều tăng từ 30% trở lên. Những yếu tố trên đã dẫn đến ngành sản xuất GSXD bị sụt giảm, thị trường trầm lắng, nhất là thị trường nội địa.

Những giải pháp về sản xuất và thị trường

Về sản xuất

Căn cứ vào tình hình thực tế rất khó khăn của năm 2022 đã nêu trên đây, ngày 31/03/2022 Hiệp hội đã mở hội nghị bàn về các biện pháp để cùng các doanh nghiệp bàn bạc tìm biện pháp khắc phục. Bên cạnh việc nâng cao quản trị giảm chi phí thì phải luôn luôn theo dõi diễn biến của thị trường để điều chỉnh sản lượng sản xuất của tất cả các loại sản phẩm với chiều hướng chung là giảm sản xuất. Năm 2022, toàn ngành đã huy động khoảng 65 – 70% công suất, cụ thể:

Gạch ốp lát đạt khoảng 450 – 460 triệu m2, trong đó khoảng 30 - 35% là gạch granite kích thước từ 500x500 trở lên. Khoảng 30% là gạch ốp tường. Mẫu mã sản phẩm đa dạng, hiệu ứng bề mặt phong phú, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao.

Các loại gạch lát sân vườn đạt khoảng 40 triệu m2, gạch cotto đạt khoảng 30 - 35 triệu m2.

Ngói nung ceramic 10,5 – 11 triệu m2, gạch cotto ceramic7,5 – 8 triệu m2.

Ngói nung đất sét 17 - 20 triệu m2.

Sứ vệ sinh 14 - 14,5 triệu sản phẩm, trong đó 20 – 25% là bệt liền khối.

Men màu đạt khoảng 85 – 90% công suất, tương ứng trên 350.000 tấn sản phẩm.

Gạch đất sét nung ước đạt 15 tỷ viên quy tiêu chuẩn.

Như vậy về sản lượng sản xuất chỉ tăng lên khoảng 3 – 5% so với năm 2021. Càng về cuối năm thị trường nội địa càng trầm lắng bởi sự đóng băng bất động sản nên hầu hết các đơn vị đều giảm sản lượng.

Thị trường tiêu thụ.

Thị trường nội địa.

Năm 2021 tồn kho cuối kỳ khoảng 70 – 75 triệu m2 sản phẩm các loại. Năm 2022 đã cơ bản tiêu thụ tồn kho cũ, nhưng đón nhận tồn kho mới khoảng 45 – 50 triệu m2, thị trường nội địa đã tiêu thụ tới 75 - 80% lượng sản phẩm cung cấp ra trong kỳ (đã bao gồm cả hàng nhập khẩu). Trong điều kiện lưu thông xuất khẩu gặp khó khăn, việc đẩy mạnh tiêu thụ nội địa luôn được chú trọng nên năm 2022 về cơ bản các doanh nghiệp đã cân đối cung cầu ở các thị trường trong và ngoài nước.

Thị trường xuất khẩu

- Gạch ốp lát: Năm 2021 đạt 199.472.446 USD thì năm 2022 đã đạt 221.102.370 USD, tăng 21 triệu USD.

- Sứ vệ sinh: Năm 2021 đạt 174.679.226 USD thì năm 2022 đã đạt 201.968.973 USD, tăng 28 triệu USD.

- Nguyên liệu các loại: Năm 2021 đạt 111.735.133 USD thì năm 2022 đạt 122.623.785 USD, tăng 11 triệu USD.

- Sứ gia dụng: Năm 2021 đạt 10.740.238 USD thì năm 2022 đạt 11.707.057 USD, tăng 1 triệu USD.

- Men: Năm 2021 đạt 42.286.692 USD thì năm 2022 đạt 47.347.386 USD, tăng 5 triệu USD.

Như vậy xuất khẩu toàn ngành năm 2022 đã đạt 557.402.185 USD trong khi năm 2021 chỉ đạt 496.127.058 USD, tăng lên được 61 triệu USD.

Thị trường nhập khẩu

Mối liên hệ quốc tế với nguyên liệu đầu vào cũng như xuất nhập khẩu sản phẩm là tất yếu. Những số liệu nhập khẩu sau đây đã chứng tỏ ngành GSXD đảm bảo giá trị xuất khẩu luôn luôn lớn hơn giá trị nhập khẩu, cụ thể:

Giá trị xuất khẩu năm 2022 đã đạt 557.402.185 USD trong khi giá trị nhập chỉ đạt 498.736.258 USD, nghĩa là vượt khoảng 55 triệu USD. Ngành GSXD đảm bảo liên tục xuất siêu hàng năm. Việc nhập khẩu nguyên liệu men và sản phẩm đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm trong nước, tạo nên sự cạnh tranh để thúc đẩy phát triển.   

Những hoạt động chủ yếu của Hiệp hội năm 2022

Trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh gây ra, sản xuất và thị trường gốm sứ xây dựng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, Hiệp hội luôn theo dõi, gắn bó với diễn biến tình hình để đồng hành cùng với doanh nghiệp.

- Tổ chức hội nghị và ra các văn bản kêu gọi giảm sản lượng sản xuất để phù hợp với cung cầu trong điều kiện dịch bệnh và thị trường bất động sản suy giảm;

- Kiến nghị với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính về giá đầu vào với than, khí đồng hành, khí hóa lỏng tăng cao ảnh hưởng đến sản xuất gốm sứ xây dựng;

- Tổ chức hai hội nghị tháng 3 và tháng 5/2022 về việc điều chỉnh giá bán sản phẩm để bù đắp chi phí: Các hội nghị đã bàn bạc nhất trí nên đã góp phần thúc đẩy toàn thị trường tăng giá 10% và đợt sau đó là 5%. Đối với sản phẩm xuất khẩu theo đề nghị của Hiệp hội, các đơn vị cũng nâng giá lên tối thiểu là 5%, bước đầu hạn chế sự cạnh tranh giảm giá làm thiệt hại đến thị trường xuất khẩu. Có thể nói việc hưởng ứng tăng giá của các doanh nghiệp trong năm 2022 là thành công lớn, góp phần giảm bớt khó khăn chung của ngành.

- Đóng góp ý kiến với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường về các tiêu chuẩn liên quan đến ngành gốm sứ xây dựng;

- Hội nghị về các quy định của Đài Loan, Indonesia, Philippines về việc áp thuế chống bán phá giá. Hiệp hội đã phối hợp với Bộ Công Thương, VCCI cung cấp thông tin, các trình tự tiến hành các bước giải trình để các công ty cùng phối hợp với các cơ quan luật nhằm bảo vệ quan điểm của các doanh nghiệp Việt Nam. Kết quả đã đạt được ở một số đơn vị;

- Phối hợp các cơ quan truyền thông của Bộ Công Thương, báo đài để ghi hình bảo vệ hàng hóa xuất khẩu gốm sứ xây dựng của Việt Nam;

- Tổ chức văn phòng Hiệp hội đi thăm các cơ sở sản xuất ở Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh và các cơ sở ở miền Trung như Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng;

- Tổ chức thành lập các đoàn đi dự triển lãm Thái Lan, Ấn Độ, dự họp Hội nghị Hiệp hội Gốm sứ Đông Nam Á CICA và Hội nghị giao lưu với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh miền Nam;

- Duy trì thông tin Tạp chí Gốm sứ xây dựng, cầu nối về mọi hoạt động sản xuất kinh doanh và khoa học công nghệ giữa các doanh nghiệp;

- Tuy nhiên đến nay đã 3 năm chưa tổ chức được các hội thảo về các chủ đề khoa học công nghệ, thiết bị. Về thị trường đồng thời cũng phải hoãn một năm việc tổ chức triển lãm về thiết bị và nguyên liệu vì Covid – 19.

Những việc đã làm được trong năm 2022 nói lên sự cố gắng của Hiệp hội trong việc giao lưu, liên kết cũng như chú trọng bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp, đồng thời cũng nói lên sự hợp tác của các doanh nghiệp trong hoạt động chung của Hiệp hội.

Những khó khăn và thuận lợi năm 2023

- Năm 2023 có thuận lợi là Covid - 19 đã giảm, tuy nhiên do các nước mở cửa nên khả năng dịch bệnh xâm nhập vẫn có thể xảy ra.

- Chiến tranh Ucraina – Nga đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế thế giới như lạm phát, giá xăng đều tăng và nhiều hệ lụy khác.

- Bất động sản trong nước vẫn đình trệ, từ nay đến cuối năm 2023 vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.

- Ngân hàng vẫn thắt chặt kiểm soát tín dụng, trừ gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội.

- Thị trường chứng khoán đang suy giảm, các dòng vốn khác trong xã hội đều bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, Chính phủ đã chủ động đối phó với tình hình nên ngày 17/2/2023 đã tổ chức cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho bất động sản. Bất động sản liên quan đến nhiều ngành nghề khác nên việc tháo gỡ khó khăn không thể dễ dàng, nên năm 2023 vẫn là một năm khó khăn với ngành GSXD.

Sản xuất và thị trường gốm sứ xây dựng 2023

Sản xuất

Năm 2023 thị trường bất động sản vẫn đình trệ, thị trường sẽ có dấu hiệu hồi phục nhẹ vào cuối năm, nên Hiệp hội gốm sứ xây dựng Việt Nam kiến nghị mức huy động sản xuất tăng so với năm 2022 khoảng 5%, cụ thể:

- Gạch ốp lát: 460 – 480 triệu m2, trong đó gạch lát sân vườn 25 – 28 triệu m2.

- Ngói nung ceramic: 12 – 15 triệu m2.

- Gạch cotto ceramic: 10 – 12 triệu m2.

- Sứ vệ sinh: 15 – 15,5 triệu sản phẩm, trong đó 20 – 25% là bệt liền.

- Gạch đất sét nung: 15 tỷ viên.

- Men màu: 350.000 – 360.000 tấn/sản phẩm

(Những đơn vị sản xuất có hiệu quả, có thị trường tốt vẫn có thể sản xuất tối đa).

Thị trường tiêu thụ

- Nội địa: Tăng 7 – 10% tất cả các loại.

- Xuất khẩu: Tăng khoảng 10%, tính ra giá trị các loại như sau:

- Gạch ốp lát khoảng 240.000.000 USD

- Sứ vệ sinh khoảng 220.000.000 USD

- Nguyên liệu các loại khoảng 140.000.000 USD

- Men màu khoảng 55.000.000 USD

- Những thị trường cần quan tâm và đẩy mạnh khai thác

Đối với gạch ốp lát: những thị trường sau đây hàng năm đã nhập khẩu từ 15 triệu USD trở lên cần được chú trọng hơn trong năm 2023: Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippine, Thái Lan, Mỹ…

Đối với sứ vệ sinh: những thị trường sau thường nhập khẩu từ 20 triệu USD trở lên như cần được chú trọng: Trung Quốc, Nhật Bản, Philippine, Đài Loan, Mỹ…

Đối với men: những thị trường sau thường nhập khẩu từ 4 triệu USD trở lên cũng cần được chú trọng như Bangladesh, Indonesia, Thái Lan, Các tiểu Vương quốc Ả rập xê út (UAE) v.v..

Những hoạt động chủ yếu của Hiệp hội năm 2023

- Thăm một số cơ sở ở miền Bắc và các cơ sở ở miền Nam.

- Mở các hội thảo:  Trung Quốc tối thiểu 2 hội thảo; Châu Âu tối thiểu 1 hội thảo.

- Hội chợ:

+ Hội chợ với Công ty Triển lãm Á Châu (AES) về nguyên liệu thiết bị tại Hà Nội tháng 11/2023.

+ Tổ chức đoàn doanh nghiệp thăm hội chợ quốc tế.

+ Hội chợ về sản phẩm gốm sứ xây dựng tại miền Nam tháng 11-12/2023.

+ Hội nghị GSXD Đông Nam Á (CICA) tổ chức tại Việt Nam tháng 11/2023.

- Các vấn đề liên quan tới các bộ ngành, các kiến nghị liên quan đến các doanh nghiệp.

-  Bảo vệ doanh nghiệp trong các sự kiện về xuất khẩu nhập khẩu nếu có tranh chấp.

- Giao dịch với các báo đài liên quan đến doanh nghiệp.

- Giao lưu với tạp chí gốm sứ xây dựng Trung Quốc, tạp chí Italia, với Aosibo và xuất khẩu Hải quan.

- Nâng cao chất lượng tạp chí gốm sứ xây dựng.

Trên đây là một số công việc chủ yếu dự kiến cho năm 2023, những công việc phát sinh cần được bổ sung và giải quyết kịp thời phù hợp với yêu cầu cụ thể.

Năm 2023 là năm tiếp tục khó khăn của thị trường Bất động sản, do đó GSXD tiếp tục gặp khó khăn cả về sản xuất và thị trường nội địa. Với thị trường xuất khẩu chắc chắn vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng của chiến tranh giữa Nga và Ucraina. Đề nghị các doanh nghiệp xem xét tình hình cụ thể để huy động nguồn lực phù hợp cho sản xuất bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm và quản trị hoạt động doanh nghiệp hiệu quả để vượt qua khó khăn.