Tình hình sản xuất tiêu thụ xuất nhập khẩu gạch ốp lát thế giới năm 2023 và 2024

1/17/2025 4:43:58 PM

Ấn bản nghiên cứu thứ 12 mang tên “Sản xuất và tiêu thụ gạch ốp lát trên thế giới” do Trung tâm Nghiên cứu MECS /Hiệp hội các nhà sản xuất máy và thiết bị gốm sứ Ý (Acimac) thực hiện, gồm gần 300 trang biểu đồ, bảng biểu và bình luận, nghiên cứu cung cấp những phân tích chi tiết về các xu hướng diễn ra trong giai đoạn 10 năm đến năm 2023 về ngành gạch ốp lát, thị trường, tiêu thụ và xuất nhập khẩu ở các khu vực địa lý và trong 76 nước sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu và nhập khẩu lớn trên thế giới.

Nghiên cứu bao gồm các phân tích chuyên sâu về khối lượng xuất nhập khẩu của từng quốc gia theo các loại sản phẩm (gạch porcelain, gạch nung một lần và hai lần, các vật liệu khác).

Một lần nữa trong năm nay, nghiên cứu sẽ đi kèm với việc xuất bản tập sách có tựa đề “Phân tích dự báo thị trường gạch ốp lát giai đoạn 2024 - 2028”, trong đó đưa ra dự báo trong 5 năm tới cho thị trường gạch ốp lát toàn cầu.

1) Nhìn chung, trong năm 2023, ngành công nghiệp và thị trường gạch ốp lát toàn cầu tiếp tục suy thoái, sau những xu hướng tiêu cực đã thấy trong năm 2022.

Sự tiếp diễn của tình trạng suy thoái kinh tế chung được thể hiện với các chỉ số lạm phát và lãi suất cao đã dẫn đến nhu cầu gạch ốp lát toàn cầu tiếp tục hạ nhiệt. Điều này dẫn đến sự sụt giảm liên tục về sản lượng toàn cầu và khối lượng xuất nhập khẩu, mặc dù mức giảm không nghiêm trọng như năm 2022.

2) Sản lượng gạch ốp lát toàn cầu giảm -5,5% năm 2023, từ 16.862 triệu m2 năm 2022 giảm xuống còn 15.937 triệu m2. Mức giảm khoảng 900 triệu m2 này diễn ra trên tất cả các châu lục ngoại trừ châu Phi.

Sản lượng ở châu Á giảm -5% từ 12,2 xuống 11,6 tỷ m2, tương đương 73% sản lượng toàn cầu. Trung Quốc và Việt Nam lần lượt chịu tổn thất là 580 triệu m2 và 180 triệu m2 trong bối cảnh suy giảm này.

Sản lượng của châu Âu đạt 1.654 triệu m2 (chiếm 10,4% sản lượng thế giới). Khu vực chịu sụt giảm lớn nhất là Liên minh châu Âu (giảm -18% từ 1.267 triệu xuống 1.039 triệu m2), với Ý và Tây Ban Nha đều giảm sản lượng xuống dưới mức 400 triệu m2. Các nước châu Âu ngoài Liên minh EU vẫn giữ vững sản xuất (615 triệu m2; -4,2%), nhưng cũng bị ảnh hưởng tiêu cực do sụt giảm sản xuất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.

Sản lượng ở châu Mỹ cũng giảm, xuống còn 1.473 triệu m2. Bắc Mỹ giảm sản lượng từ 378 xuống 349 triệu m2 (-7,7%), trong khi sản lượng ở Trung và Nam Mỹ giảm xuống còn 1.124 triệu m2, giảm -10,3%.

Như đã đề cập ở trên, châu Phi đi ngược lại xu hướng toàn cầu khi sản lượng tiếp tục tăng trong năm 2023 lên 1.178 triệu m2 (+9,9%), nhờ vào sự gia tăng sản xuất ở Ai Cập (400 triệu m2), Algeria (185 triệu m2), Ghana (120 triệu m2) và Nigeria (125 triệu m2).

3) Năm 2023, tiêu thụ gạch ốp lát thế giới giảm từ 16.455 triệu xuống 15.627 triệu m2 (-5%). Tất cả các khu vực địa lý đều giảm, ngoại trừ châu Phi tăng +12,5% lên 1.421 triệu m2, trong khi các nước châu Âu ngoài EU vẫn giữ ổn định ở mức năm 2022 (636 triệu m2). Tại châu Á, tiêu thụ giảm từ 11,7 xuống 10,9 tỷ m2 (-6,5%), tương đương 70% tổng mức tiêu thụ của thế giới. Liên minh châu Âu một lần nữa chứng kiến ​​mức giảm lớn nhất từ ​​1.002 xuống 831 triệu m2 (-17,1%). Tại châu Mỹ, tiêu thụ giảm ở cả Trung và Nam Mỹ (1.217 triệu m2; -1,9%) và Bắc Mỹ (551 triệu m2; -5%).

4) Năm 2023, xuất khẩu toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm bắt đầu từ năm trước, mặc dù mức giảm đã bớt hơn, giảm -2,3% so với mức -7% năm 2022. Tổng kim ngạch xuất khẩu thế giới đạt 2.753 triệu m2, giảm 66 triệu m2 so với năm trước. Sự sụt giảm ảnh hưởng đến tất cả các khu vực địa lý, ngoại trừ châu Á, nơi xuất khẩu tăng +15% từ 1.354 triệu m2 lên 1.557 triệu m2, nhờ sự phục hồi của Trung Quốc (+6,2%) và sự gia tăng liên tục trong xuất khẩu của Ấn Độ (+39,6%).

Điều này trái ngược với sự suy giảm đến hai chữ số trong xuất khẩu của Liên minh châu Âu (từ 965 triệu xuống 772 triệu m2; -20%), các nước châu Âu ngoài EU (từ 174 triệu xuống 132 triệu m2; -24,4%) và từ Trung và Nam Mỹ (từ 167 triệu xuống 138 triệu m2; -17,4%). Bắc Mỹ chứng kiến ​​mức sụt giảm xuất khẩu nhẹ hơn (từ 48 triệu xuống 43 triệu m2; -9%), trong khi xuất khẩu từ các nước châu Phi vẫn ổn định ở mức 111 triệu m2.

5) Về xu hướng xuất khẩu của các châu lục hoặc khu vực địa lý vĩ ​​mô khác nhau, trong năm 2023 Liên minh châu Âu vẫn là khu vực có thị phần xuất khẩu cao nhất, chiếm 74,3% sản lượng. Tất cả các khu vực khác đều cách khá xa: các nước châu Âu không thuộc EU xuất khẩu chiếm 21,5% sản lượng, châu Á là 13,4%, Bắc và Nam Mỹ là 12,3% và châu Phi đạt 9,4%.

Xu hướng nhập khẩu/xuất khẩu một lần nữa khẳng định xu hướng sản xuất gạch ốp lát luôn gần thị trường tiêu thụ. Xuất khẩu thế giới đạt 17,3% sản lượng và 17,6% tiêu thụ toàn cầu, trong đó 61,3% lượng xuất khẩu được luân chuyển trong cùng khu vực địa lý với nơi sản xuất (79% xuất khẩu của Nam Mỹ vẫn ở Nam Mỹ; 82,7% xuất khẩu của Bắc Mỹ được bán trong khu vực NAFTA; 63,8% xuất khẩu của châu Á được luân chuyển đến các nước châu Á khác; 90% xuất khẩu của châu Phi vẫn ở châu Phi). Liên minh châu Âu là một ngoại lệ với 46,4% lượng hàng xuất khẩu được tiêu thụ ở các thị trường ngoài EU.

Xu hướng này càng được xác nhận bởi thực tế là đóng góp của mỗi châu lục vào sản xuất và tiêu dùng thế giới khá giống nhau. Năm 2023, châu Á chiếm 73% sản lượng toàn cầu và 70% lượng tiêu thụ, trong khi các con số tương ứng của châu Âu (EU + ngoài EU) là 10,4% và 9,4%, châu Mỹ là 9,3% và 11,3% và châu Phi là 7,4% và 9,1%.

Xem chi tiết về tình hình sản xuất, tiêu thụ xuất nhập khẩu của các nước trong tạp chí Gốm sứ xây dựng số 125 - Quý IV/2024