Điều tra 8 loại tài nguyên điện năng mới, năng lượng tái tạo ở Việt Nam

4/3/2025 12:58:46 PM

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) ban hành Thông tư số 03/2025/TT-BTNMT quy định chi tiết phạm vi điều tra cơ bản các loại tài nguyên điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới trên lãnh thổ Việt Nam gồm: tài nguyên điện mặt trời, điện gió, điện địa nhiệt; tài nguyên điện sóng biển, điện thủy triều; tài nguyên điện từ chất thải rắn sinh hoạt và đô thị, chất thải của quá trình sản xuất, kinh doanh; tài nguyên điện từ sinh khối; tài nguyên thủy điện, ... thu thập, tổng hợp thông tin, dữ liệu, khảo sát, đo đạc, phân tích, đánh giá về tài nguyên nhằm cung cấp thông tin, số liệu về hiện trạng, đặc điểm và đánh giá tiềm năng của tài nguyên phục vụ cho việc lập quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch tỉnh.

Việc điều tra ưu tiên thực hiện tại các vùng, miền, địa phương có tiềm năng, lợi thế về năng lượng tái tạo, năng lượng mới; nơi đang thiếu nguồn cung điện; nơi sẵn có hệ thống lưới điện nhằm phát huy lợi thế tự nhiên, hạ tầng lưới điện, chuyển dịch cơ cấu điện năng theo hướng các-bon thấp, đạt mục tiêu giảm phát thải và phát triển hệ thống điện bền vững.

Đồng thời, việc điều tra cơ bản về tài nguyên điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới nhằm khai thác hiệu quả các nguồn điện, bảo đảm độ tin cậy cung cấp điện; bảo đảm an ninh cung cấp điện, an ninh năng lượng quốc gia; khai thác tài nguyên thiên nhiên hợp lý, bền vững.

1. Với tài nguyên điện mặt trời, thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên điện mặt trời trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam; trong đó ưu tiên, tập trung tại các khu vực có cường độ bức xạ mặt trời trên 4,0 kWh/m2/ngày.Ưu tiên các khu vực có điều kiện thuận lợi có thể phát triển điện mặt trời.

2. Với tài nguyên điện gió, thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên điện gió trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam; trong đó ưu tiên, tập trung tại các khu vực có tiềm năng gió cao; tập trung ở các khu vực đồng bằng ven biển, vùng đồi núi, cao nguyên, vùng biển ngoài khơi. Tập trung ưu tiên các khu vực có điều kiện thuận lợi có thể phát triển điện gió.

3. Với tài nguyên điện địa nhiệt, ưu tiên, tập trung tại các khu vực có tiềm năng năng lượng địa nhiệt, là ranh giới các khối cấu trúc lớn, cấu trúc vòm nâng, đới đứt gãy sâu, vành đai núi lửa; Nơi có các biểu hiện địa nhiệt qua các mạch nước nóng các lỗ khoan dầu khí, khoan địa chất, khu vực có nhiệt độ lòng đất cao.

Bên cạnh đó là các khu vực có điều kiện thuận lợi có thể phát triển điện địa nhiệt như khu vực có không gian, đất, mặt bằng thuận lợi có thể xây dựng nhà máy điện; Khu vực có vị trí gần hạ tầng lưới điện phát triển, có khả năng kết nối với lưới điện sẵn có hoặc đã được quy hoạch.

4. Với tài nguyên điện sóng biển, ưu tiên tập trung các khu vực có sóng biển mạnh, ổn định và thường xuyên; đặc biệt là các khu vực vùng ven bờ miền Trung và Nam Bộ, các khu vực ven đảo và quần đảo có sóng biển lớn.

5. Đối với điều tra cơ bản tài nguyên điện thủy triều, ưu tiên tập trung các vùng ven biển có biên độ thủy triều lớn; đặc biệt là các vịnh, cửa sông và đầm phá.

6. Thu thập, tổng hợp thông tin, dữ liệu; khảo sát, phân tích, đánh giá tài nguyên điện từ chất thải rắn sinh hoạt và đô thị, chất thải của quá trình sản xuất, kinh doanh. Tổng hợp khối lượng chất thải rắn sinh hoạt và đô thị, chất thải của quá trình sản xuất, kinh doanh: khối lượng phát sinh hàng ngày, hàng năm; khối lượng được thu gom, phân loại, xử lý.

Đặc biệt, quá trình điều tra phải phân tích, đánh giá, dự báo tình hình phát sinh chất thải về khối lượng, thành phần theo năm và theo kỳ quy hoạch; phân tích, dự báo khối lượng, thành phần chất thải phát sinh có thể thu gom, xử lý thành điện năng.

7. Với tài nguyên điện từ sinh khối, ưu tiên, tập trung các khu vực sản xuất nông nghiệp trọng điểm; khu vực có sản lượng lớn phụ phẩm từ cây trồng; Khu vực có diện tích rừng trồng lớn; khu vực có tiềm năng tận dụng phụ phẩm từ khai thác gỗ và chế biến gỗ; Khu vực có quy mô chăn nuôi lớn; các trại chăn nuôi tập trung bò, lợn, gia cầm có khả năng sản xuất khí sinh học (biogas);

Ngoài ra, việc điều tra cũng ưu tiên các khu vực công nghiệp và đô thị, gồm các khu vực tập trung cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm và các đô thị lớn có lượng chất thải hữu cơ cao.

8. Đối với tài nguyên thủy điện, thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên thủy điện trên toàn bộ lãnh thổ đất liền của Việt Nam, theo đơn vị hành chính cấp tỉnh hoặc lưu vực sông. Ưu tiên, tập trung trên các sông, suối khu vực trung du, miền núi và có diện tích lưu vực từ 10km2 trở lên; các hồ chứa, đập dâng thủy lợi, thủy điện và các hồ chứa tự nhiên khác.

Theo ước tính, năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn sả`````n xuất điện chính và cung cấp khoảng một phần ba lượng điện trên thế giới. Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư phát triển ngành năng lượng tái tạo trong tương lai.

Các chuyên gia cho rằng hiện nay, quy mô thị trường cho các sản phẩm dịch vụ xanh, năng lượng mới ngày càng được mở rộng, là điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ các ngành năng lượng tái tạo. Do đó, Việt Nam cần đẩy mạnh khai thác hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh trong phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới nhằm hiện thực hóa mục tiêu giảm mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, góp phần phát triển nhanh, bền vững.

Các bài viết khác