Hiệp hội và các doanh nghiệp họp với Thủ tướng tìm giải pháp cho ngành VLXD

6/17/2024 11:14:58 AM

Ngày 15/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng (VLXD).

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu chính trụ sở Chính phủ và 32 điểm cầu địa phương có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, 32 tỉnh, thành phố, đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp, ngân hàng.

Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam cùng các doanh nghiệp chủ chốt trong ngành tham dự sự kiện quan trọng này: Tổng Công ty Viglacera, Tổng công ty FICO, Tập đoàn Vitto, Tasa, Mikado, Á Mỹ, Catalan, Prime Group, Hoàng Gia – Royal, CMC, Gốm Đất Việt, TTC, Sứ Hảo Cảnh, Sứ Viglacera Việt Trì, Sứ Ceravi, Toto, Inax, …

Trong Báo cáo trình Thủ tướng về tình hình sản xuất, kinh doanh lĩnh vực gốm sứ xây dựng tại Hội nghị, ông Đinh Quang Huy – Chủ tịch Hiệp hội phát biểu: "Tổng công suất thiết kế gạch ốp lát hiện là 839 triệu m2, sứ vệ sinh 26 triệu sản phẩm. Với công suất này, đứng đầu ASEAN và đứng thứ 4 thế giới".

Trước Covid-19, doanh thu toàn ngành hàng năm đạt 4 tỷ USD/năm, nhưng từ 2022 đến nay, sản lượng sản xuất thực tế sa sút, chỉ đạt 55-60% công suất.

Tổng giá trị xuất khẩu năm 2023 đạt 511,5 triệu USD, trong đó gạch ốp lát đạt 231,4 triệu USD, sứ vệ sinh 164 triệu USD, còn lại là xuất khẩu nguyên liệu và men frit. Quý I/2024, xuất khẩu đạt 110,5 triệu USD.

6 tháng đầu năm 2024, sản lượng tiêu thụ gạch ốp lát đạt 188 triệu m2 gạch và 5,5 triệu sản phẩm sứ vệ sinh.

Công suất thiết kế của ngành lớn nhưng nhiều năm liên tiếp chỉ sản xuất 55-60% công suất thiết kế, ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam nói, đây là bước thụt lùi đáng kể của ngành, đồng thời chỉ ra loạt nguyên nhân chính khiến sản phẩm gốm sứ xây dựng khó khăn, tiêu thụ giảm, doanh thu thấp...

Nguồn nguyên liệu (đất sét, cao lanh... khan hiếm dần, trong đó các nhà máy hầu như không có mỏ nên đều phải mua gom, các doanh nghiệp gặp khó khi đi thu mua nguyên liệu tại các vùng Hải Dương, Bắc Giang...

Giá gạch ốp lát và sứ vệ sinh không tăng nhưng giá nguyên nhiên liệu tăng cao, than cục tăng từ 3,75 triệu VNĐ/tấn lên 7 triệu đồng/tấn, và hiện còn 6 triệu đồng/tấn, than cám từ 2 triệu tăng lên 4 triệu đồng/tấn, khí mỏ 8,8 USD/1 triệu MMBtu đã tăng lên 14,7 USD/1 triệu MMBtu (1 MMBtu = 28,26m3).

Thị trường bất động sản từ sau đại dịch đến nay ngưng trệ vì nhiều lý do, trong đó có nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý nên các dự án phải nằm chờ dài ngày. 

"Bất động sản ngưng trệ, hoạt động rời rạc thì nhiều ngành nghề cũng bị ngừng, lao động không có việc làm, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, và đây cũng là nguyên nhân chính", ông Huy nhấn mạnh.

Để "cứu" ngành gốm sứ xây dựng khỏi cơn bĩ cực, Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một loạt nội dung lớn, cụ thể như sau:  

- Quy hoạch các vùng nguyên liệu, xét cấp các mỏ gắn với các nhà sản xuất chế biến sâu nâng cao chất lượng nguyên liệu.

- Trong lĩnh vực gạch ốp lát, chỉ cho phép đầu tư để thay thế các dây chuyền sản xuất đã lạc hậu, không cấp phép cho đầu tư mới.

- Chính phủ tạo dựng ngân quỹ quảng bá thương hiệu sản phẩm gốm sứ xây dựng Việt Nam, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp ngành gốm sứ tham gia những hội chợ, triển lãm quốc tế.

- Lập hàng rào kỹ thuật đối với gạch nhập khẩu: Đề nghị Chính phủ chấp thuận quy trình cấp chứng chỉ đối với hàng nhập khẩu, cho phép kiểm tra đầu nguồn các sản phẩm gạch ốp lát nhập khẩu vào Việt Nam giống như quy trình cấp chứng chỉ của các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia, ....  đang thực hiện đối với sản phẩm gạch ốp lát của Việt Nam, trong đó có quy định cử đoàn đến kiểm tra tại nhà máy sản xuất để đảm bảo chất lượng hàng hóa trước khi được nhập khẩu vào thị trường. Việc kiểm tra đầu nguồn này gắn với hồ sơ hải quan và đạt yêu cầu thì hàng mới được thông quan.

Đoàn kiểm tra đầu nguồn của Việt Nam bao gồm Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, Viện Vật liệu xây dựng – BXD và đại diện Bộ Công Thương.

- Trong vài năm qua, gạch ốp lát Ấn Độ nhập khẩu vào thị trường Việt Nam chiếm tới 50% tổng lượng nhập khẩu, vượt quá mức 3% theo quy định của WTO là được phép soát xét. Không những thế, gạch ốp lát Ấn Độ còn bán phá giá gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước. Hiệp hội và các doanh nghiệp đang tiến hành khởi kiện điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng gạch ốp lát nhập khẩu từ Ấn Độ, đây cũng là biện pháp thiết thực để bảo vệ thị trường trong nước và ngành sản xuất gạch ốp lát của Việt Nam. Vậy Hiệp hội kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương ủng hộ vụ kiện này.

 

Các bài viết khác