Hiệp hội tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2023 và đề phương hướng hoạt động năm 2024

7/15/2024 4:19:50 PM

Chiều ngày 14/05/2024 tại Hà Nội, Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2023 và đề ra phương hướng hoạt động năm 2024 với sự tham gia của đa số các thành viên chủ chốt của Hiệp hội: Tập đoàn Prime Group, TCty Viglacera, Catalan, Gạch men Hoàng Gia, Đồng Tâm Group, Vitto Hoàn Mỹ, Tasa, Á Mỹ, Thắng Cường, Viglacera Thăng Long, Viglacera Hà Nội, Takao Việt Nam, Thạch Bàn Group, NPG, RedstarCera, Viglacera Việt Trì, Trung Đô, Viglacera Tiên Sơn, Viglacera Hạ Long, Sứ Long Hầu, Sứ Ceravi, Frit Huế, Rockteam, Thạch Bàn, Gốm Mỹ, Big CNG, Minh Giang, Công ty Kinh doanh gạch ốp lát Viglacera, Phân hội GS Miền Nam, ....

Hội nghị đã nghe Hiệp hội báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của ngành gốm sứ xây dựng Việt Nam cũng như tổng quan tình hình ngành gốm sứ toàn thế giới và một số nước sản xuất lớn trong năm 2023, những khó khăn và thách thức chung của toàn ngành, những hoạt động nổi bật của Hiệp hội và đưa ra phương hướng hoạt động phát triển trong năm 2024. Tất cả các thành viên hội nghị đều nhận thấy năm 2024 ngành gốm sứ xây dựng tiếp tục gặp khó khăn.

Sau khi nghe báo cáo, đại diện các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội đều phát biểu ý kiến và chia sẻ những trở ngại đang gặp phải, đề đạt một số giải pháp nhằm tìm cách tháo gỡ khó khăn chung của toàn ngành cũng như chia sẻ những khó khăn riêng của từng đơn vị. Các doanh nghiệp đều đánh giá cao hoạt động của Hiệp hội trong việc kết nối giữa các doanh nghiệp trong ngành, kết nối với các bộ ngành chính phủ về chính sách, đề xuất, kiến nghị với Nhà nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn, như kiến nghị giảm thuế VAT, giảm lãi suất ngân hàng, khuyến cáo dừng đầu tư mới trong bối cảnh công suất gạch ốp lát đang dư thừa, chưa khai thác hiệu quả, hỗ trợ trong hoạt động xuất khẩu, ứng phó với các cảnh báo, khiếu kiện của Malaysia, Indonesia về gạch ốp lát xuất khẩu của Việt Nam, ...

Một vấn đề chung đa phần đại diện các doanh nghiệp nêu ra tại Hội nghị là hiện nay thị trường tiêu thụ đang rất khó khăn, nhiều nhà máy chỉ hoạt động khoảng 50 – 60% công suất và tính chung công suất sản xuất gạch ốp lát của toàn ngành đạt gần 800 triệu m2 mà mới chỉ khai thác được trên 400 triệu m2. Trước tình hình đó, vẫn có những dự án đầu tư mới với quy mô lớn, điều này sẽ càng gây nhiều áp lực cho các công ty sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ. Nhiều công ty nêu ý kiến cần có sự khuyến nghị, can thiệp từ các cơ quan nhà nước, Hiệp hội cũng như các phương tiện truyền thông hoặc khuyến cáo ngân hàng với các khoản vay đầu tư mới trong ngành gốm sứ, … để giải quyết vấn đề này.

Vấn đề quan tâm tiếp theo là xuất khẩu. Theo ý kiến của công ty RedstarCera, công ty Thắng Cường, công ty Kinh doanh gạch ốp lát Viglacera, công ty Vitto Hoàn Mỹ, Sứ Long Hầu, Sứ Ceravi thì hiện nay thông tin về thị trường xuất khẩu khá hạn chế, các doanh nghiệp khó tiếp cận thông tin khách hàng cũng như các thị trường tiềm năng nên chưa khai thác được thế mạnh xuất khẩu, đề nghị Hiệp hội hỗ trợ kết nối, thông tin về các đầu mối (thị trường Mỹ, Úc, …) để có thể cùng kết nối các doanh nghiệp toàn ngành trong việc mở rộng thị trường, bên cạnh đó các doanh nghiệp cùng có tiếng nói chung về mức giá xuất khẩu và hợp tác gia công hỗ trợ lẫn nhau nhằm khai thác tối đa lợi thế của từng doanh nghiệp.

Một vấn đề nóng được toàn thể doanh nghiệp mong chờ là tiến trình vụ khởi kiện chống bán phá giá đối với gạch ốp lát nhập khẩu từ Ấn Độ. Trải qua một quá trình khá dài họp bàn nhằm thống nhất phương án, chi phí và cách thức thực hiện đảm bảo tính phù hợp cũng hiệu quả đặt ra, ngày 16/04/2024 chúng ta đã gửi hồ sơ yêu cầu điều tra lên Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương. Ngày 02/05/2024 Cục đã ra công văn trả lời, yêu cầu bổ sung hồ sơ, trong đó có một số nội dung đáng chú ý sau:

  • Yêu cầu 9 công ty đứng đơn bổ sung dữ liệu cập nhật đến hết quý I/2024
  • Thay đổi phạm vi sản phẩm đề nghị điều tra: Theo tinh thần làm việc với Cục, việc nộp hồ sơ điều tra diện sản phẩm rộng như hiện nay (điều tra toàn bộ chủng loại và kích thước gạch ốp lát) khó đáp ứng được điều kiện của quy định pháp luật quốc tế, khó thuyết phục cơ quan chức năng điều tra và áp dụng thuế - nguyên tắc chỉ áp thuế đối với những sản phẩm đã và đang nhập khẩu vào Việt Nam – do đó chúng ta sẽ thay đổi phạm vi sản phẩm đề nghị điều tra theo mã HS 6907.21 (sản phẩm porcelain và sản phẩm kích thước lớn). Như vậy sẽ đáp ứng các yêu cầu của Cục, đồng thời thu gọn phạm vi, đồng nghĩa với việc sẽ đẩy nhanh tiến trình xử lý dữ liệu và điều tra của cơ quan chức năng.

Hội nghị đã thảo luận về việc miễn nhiệm chức Phó chủ tịch của ông Lê Nam Hải thuộc Phân hội Gốm sứ xây dựng Miền Nam. Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ trên, ông Hải đã có những hoạt động thúc đẩy nhập khẩu gạch ốp lát Ấn Độ vào Việt Nam, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất gạch ốp lát trong nước. Do đó, toàn thể hội nghị đều nhất trí miễn nhiệm chức Phó chủ tịch Hiệp hội của ông Hải, và quyết định này sẽ có hiệu lực ngay sau Hội nghị.

Một số doanh nghiệp cũng chia sẻ các vấn đề khó khăn của đơn vị mình đang đối mặt như năng lượng khí đốt (Thái Bình), tình trạng thiếu điện (Vĩnh Phúc), cạnh tranh mặt hàng sứ vệ sinh với hàng Trung Quốc, tình hình khan hiếm lao động, đề xuất giữ giá bán để đảm bảo bình ổn giá trên thị trường cũng như đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp, …

Trước những vấn đề và kiến nghị của các doanh nghiệp hội viên, Hiệp hội đã ghi nhận và trong thời gian tới sẽ nghiên cứu, tham vấn các cơ quan hữu quan để tìm hướng tháo gỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên thiết thực hơn nữa trong việc xúc tiến xuất khẩu, hạn chế hàng nhập khẩu bảo vệ sản xuất trong nước, kiến nghị với Chính phủ các chính sách, đề xuất nhằm đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp sản xuất gốm sứ xây dựng.

Các bài viết khác