Hiệp hội và các doanh nghiệp họp bàn về thị trường Mỹ

3/27/2024 5:21:15 PM

Sáng ngày 24/02/2024, Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam phối hợp cùng Công ty tư vấn Luật GHC mời ông Jon Freed – Luật sư Mỹ, đối tác pháp lý của GHC tại thị trường Mỹ - có buổi làm việc chia sẻ về tình hình thị trường nhập khẩu gạch ốp lát của Mỹ với các doanh nghiệp sản xuất gạch ốp lát của Việt Nam. Tham dự cuộc họp có đại diện đông đảo các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội đặc biệt quan tâm tới thị trường Mỹ: Công ty Vitto, Tasa, Á Mỹ, Mikado, Prime, NPG, RedstarCera, CTH Phú Thọ, Thắng Cường, Hoàng Gia, Viglacera Tiên Sơn, Viglacera Thăng Long, Trung Đô, Granite Nam Định, Công ty kinh doanh gạch ốp lát Viglacera, Viễn Thiên Vitis, Thạch Bàn, …

Tại cuộc họp, ông Lê Sỹ Giảng GHC cùng ông Jon Freed chia sẻ về tình hình nhập khẩu gạch ốp lát vào thị trường Mỹ hiện nay. Kể từ năm 2019, sau khi Mỹ khởi xướng vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với gạch nhập khẩu từ Trung Quốc và thành công áp mức thuế tổng cộng hai mục lên tới 600% thì gần như không một viên gạch Trung Quốc nào có thể nhập vào thị trường Mỹ. Thị phần chia cho các nước Ấn Độ, Mexico, Tây Ban Nha, Ý, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam. Xem chi tiết về thị phần, lượng nhập khẩu, giá trị nhập khẩu, giá bán trung bình của các nước vào thị trường Mỹ trong bảng thống kê dưới đây.

Thống kê lượng nhập khẩu vào Mỹ (11/2022 – 10/2023)

Quốc gia

Tăng/Giảm

Lượng NK

(m2)

Giá trị NK

 (US$)

Giá bán trung bình 12 tháng (US$/m2)

Thị phần NK/

tổng NK vào Mỹ

Ấn Độ

+38%

34.968.813

178.370.203

5,10

18,90%

Mexico

-4%

32.582.026

272.811.731

8,37

17,61%

Tây Ban Nha

-23%

32.192.218

479.185.026

14,89

17,40%

Ý

-22%

28.418.868

599.853.226

21,11

15,36%

Brazil

-20%

17.460.015

119.240.920

6,83

9,44%

Thổ Nhĩ Kỳ

-37%

16.632.264

147.586.371

8,87

8,99%

Việt Nam

+69%

5.914.903

38.553.304

6,52

3,20%

Có thể thấy trong năm sự gia tăng đáng kể lượng nhập khẩu của Ấn Độ (+38%) và đặc biệt là của Việt Nam (+69). Và theo thông tin ông Jon Freed cho biết thì khả năng cao trong thời gian tới Liên minh Thương mại Công bằng đối với Gạch men (đơn vị đã khởi xướng vụ kiện với gạch nhập khẩu Trung Quốc) sẽ nộp đơn kiện chống bán phá giá, dự kiến các quốc gia bị điều tra: Ấn Độ, Mexico, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam. Mặc dù Việt Nam thị phần chỉ chiếm 3,2% nhưng lại có mức tăng trưởng cao nhất và điều đáng nói là giá bán đang thấp thứ 2 với mức 6,52$/m2 so với mức 5,10$/m2 của Ấn Độ. Chính vì thế nên dù Việt Nam không phải là đích ngắm chính để Mỹ khởi xướng vụ kiện chống bán phá giá, nhưng với sự tăng trưởng xuất khẩu và mức giá bán thấp như vậy, rất có khả năng Việt Nam sẽ bị kẹp trong vụ kiện cùng với các nước Ấn Độ, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ.

Với nhận định đó, ông Jon Freed đã có phần giới thiệu quy trình điều tra chống bán phá giá tại Mỹ và các mốc thời gian cần lưu ý tiếp theo trong trường hợp Mỹ khởi xướng điều tra, đồng thời đề xuất đối với các doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị cho quá trình kháng kiện.

Sau khi nghe trình bày, đại diện các doanh nghiệp đã có một số thắc mắc cụ thể về thời gian, khả năng của vụ khởi kiện cũng như một số thắc mắc về quy trình hợp tác với các cơ quan hữu quan của Mỹ cũng như của Việt Nam trong trường hợp xảy ra vụ khởi kiện, … tất cả đều được ông Jon Freed và ông Giảng GHC giải đáp làm rõ.

Một khía cạnh khác được phân tích tại cuộc họp là hiện nay mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Việt Nam đang rất tốt đẹp thì liệu Việt Nam có bị đưa vào danh sách các nước trong vụ khởi xướng điều tra chống bán phá giá không? Ngoài ra, với tình hình chặn hoàn toàn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, một số công ty nhập khẩu, thậm chí cả công ty sản xuất của Mỹ cũng đang có xu hướng tìm kiếm nguồn hàng từ Việt Nam để nhập vào Mỹ. Trong bối cảnh đó nếu khởi kiện sẽ gây xung đột lợi ích với chính bản thân các công ty của Mỹ, ….

Như vậy, bắt đầu từ vụ khởi kiện của Đài Loan năm 2020 và hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang cùng họp bàn tìm giải pháp với luồng nhập khẩu ồ ạt từ Ấn Độ và năm 2024 với khả năng từ thị trường Mỹ, chúng ta dần dần từng bước nhận thức hơn nữa về cạnh tranh thương mại quốc tế và nâng cao kinh nghiệm trên trường quốc tế khi xu hướng hội nhập và phát triển ngày càng vươn xa, đảm bảo chủ động trong các sự vụ để có sự chuẩn bị tốt nhất cho doanh nghiệp nhằm có được lợi thế cạnh tranh cao nhất.

Các bài viết khác