VIBCA tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2022 và đề phương hướng hoạt động năm 2023

6/6/2023 3:31:27 PM

Ngày 24/02/2023 tại Công ty cổ phần Viglacera Thăng Long (Vĩnh Phúc), Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2022 và đề ra phương hướng hoạt động năm 2023 với sự tham gia của đa số các thành viên chủ chốt của Hiệp hội: Tập đoàn Prime Group, Công ty Catalan, TTC, CMC, Mikado, Toko, Vitto Hoàn Mỹ, Tasa, Á Mỹ, Thắng Cường, Viglacera Thăng Long, Viglacera Hà Nội, Xuân Hòa, Việt Anh, Big CNC, Viglacera Thanh Trì, Viglacera Việt Trì, Gạch Granite Nam Định, Trường Phát, Frit Huế, Rockteam, Thạch Bàn, Hoàng Tiến, CTH Thanh Hà, CNG Việt Nam (Pvgas), Công ty Kinh doanh gạch ốp lát Viglacera, Phân hội GS Miền Nam, ....

Hội nghị đã nghe Hiệp hội báo cáo về tình hình ngành gốm sứ xây dựng Việt Nam năm 2022 và những thách thức trong năm 2023 (Xem chi tiết trong bài Tình hình ngành gốm sứ xây dựng Việt Nam năm 2022 và những thách thức năm 2023 – Mục Kinh tế - Văn hóa – Xã hội.

Sau khi nghe báo cáo, đại diện các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội đều phát biểu ý kiến và chia sẻ những khó khăn, đề đạt một số đề xuất, giải pháp nhằm tìm cách tháo gỡ khó khăn chung của toàn ngành cũng như chia sẻ những khó khăn riêng của từng đơn vị. Các doanh nghiệp đều đánh giá cao hoạt động của Hiệp hội trong việc kết nối giữa các doanh nghiệp trong ngành, kết nối với các bộ ngành chính phủ về chính sách, đề xuất, kiến nghị với Nhà nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn dịch Covid – 19 đầy khó khăn, như giá khí đốt, giá than, hỗ trợ trong hoạt động xuất khẩu, ứng phó với các vụ kiện chống bán phá giá của Đài Loan, cảnh báo của Malaysia, Indonesia, Philippines về gạch ốp lát xuất khẩu của Việt Nam, ...

Một vấn đề chung đa phần đại diện các doanh nghiệp nêu ra tại Hội nghị là làn sóng gạch ốp lát Ấn Độ nhập khẩu ồ ạt vào thị trường Việt Nam hiện nay với giá rất rẻ, chất lượng không đảm bảo, đe dọa nghiêm trọng tới sản xuất trong nước. Các công ty sản xuất gạch ốp lát Ấn Độ đã trực tiếp sang tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu tại Việt Nam từ vài năm trở lại đây, và hiện nay việc tìm nguồn hàng, nhập hàng Ấn Độ về Việt Nam dễ dàng, tiện lợi hơn bao giờ hết, thời gian nhập về cũng rất nhanh, chỉ từ 20 – 30 ngày và chi phí vận chuyển contener cũng rất thấp. Các doanh nghiệp đều kiến nghị nên có các biện pháp hạn chế hàng giá rẻ của Ấn Độ vào Việt Nam, như kiến nghị của ông Nguyễn Anh Tuấn (Vitto Hoàn Mỹ), Lê Trọng Thắng (Thắng Cường), Phương Anh (Á Mỹ) thì hiện nay trong nước đang bắt đầu sản xuất gạch khổ lớn, nên đề nghị Hiệp hội cần có kiến nghị khẩn cấp tới Chính phủ để bảo vệ sản xuất trong nước.

Ông Cao Viết Xứng – TGĐ Công ty Catalan phát biểu

Bên cạnh đó, công ty Á Mỹ nhấn mạnh cần kiến nghị Chính phủ để có lộ trình thuế với Ấn Độ; ông Nguyễn Kim Túc công ty Granite Nam Định cũng nêu giải pháp lập hàng rào kỹ thuật đối với hàng Ấn Độ, các doanh nghiệp trong nước sẽ chung tay cùng Hiệp hội chiến đấu với hàng nhập khẩu Ấn Độ với nhiều biện pháp như công bố chất lượng hàng nhập khẩu Ấn Độ, làm truyền thông về hàng nhập khẩu giá rẻ không đảm bảo chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ...

Thực tế là trong những năm vừa qua, với tình trạng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam, Hiệp hội GSXD Việt Nam đã có nhiều kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương về việc lập hàng rào kỹ thuật, tăng cường hàng rào thuế quan, đề nghị cấp chứng chỉ/chứng nhận đối với hàng nhập khẩu như các nước Asean đang áp dụng (Sirim của Malaysia, TIS của Thái Lan, hay thuế tự vệ của Indonesia, ... nhưng đều chưa đạt được kết quả mong muốn. Với tình hình như hiện nay, trong thời gian tới Hiệp hội sẽ phối kết hợp với Bộ Công Thương, Trung tâm WTO – VCCI để tham vấn và có hành động cụ thể, hiệu quả đối phó với vấn đề này.

Phát biểu đóng góp ý kiến, ông Cao Viết Xứng – Tổng giám đốc Công ty CP Catalan nêu quan điểm về sự chênh lệch giữa công suất – sản xuất gạch ốp lát của Việt Nam hiện nay dẫn đến lãng phí đầu tư cho các công ty sản xuất. Ông kiến nghị cần có lãi suất hỗ trợ sản xuất, giảm giá (than, khí đốt) giảm thuế cho ngành và kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế đặc thù cho ngành sản xuất gốm sứ xây dựng.

Ông Đào Trung Thực – Công ty TTC

Ông Phạm Ngọc Thành – Công ty Tasa; Ông Nguyễn Anh Tuấn – Vitto Hoàn Mỹ

Cùng chung quan điểm, ông Đào Trung Thực – Chủ tịch HĐQT Công ty CP TTC cũng cho rằng với tình hình khai thác công suất 60 – 70% như hiện nay thì các doanh nghiệp đều chịu lỗ. Bên cạnh đó, một vấn đề khó khăn không chỉ riêng công ty TTC mà hầu hết các công ty sản xuất gạch ốp lát hiện đang đối mặt là nguyên liệu đầu vào khan hiếm, giá tăng cao gây khó khăn cho sản xuất. Ông kiến nghị cần có quy hoạch nguyên liệu cho ngành gốm sứ. Đây cũng là ý kiến chung của ông Cao Viết Xứng (Catalan), ông Lê Xuân Lương (Việt Anh), ông Nguyễn Thanh Tuấn (Prime Group), ông Dương Bá Khánh (Frit Huế), ....

Về xuất khẩu, trong bối cảnh sản xuất trong nước không khai thác hết công suất đầu tư, các doanh nghiệp hội viên đều mong muốn Hiệp hội hỗ trợ hơn nữa trong việc thúc đẩy xuất khẩu, kết nối thị trường thế giới. Ông Phạm Ngọc Thành công ty Tasa cho biết hiện nay công ty xuất khẩu được trên 10% sản lượng sản xuất nên rất cần sự hỗ trợ kết nối để tăng lượng hàng xuất khẩu, góp phần giải quyết tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất tốt hơn. Đây cũng là đề xuất của công ty CTH Thanh Hà, Gốm Mỹ, Thạch Bàn, Á Mỹ.

Ông Nguyễn Trọng Kiên – Tổng giám đốc Thạch Bàn chia sẻ hiện nay nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn, nhiều khi có đơn hàng xuất khẩu nhưng doanh nghiệp gặp khó khăn khi sản xuất, không được tiếp cận nguồn vốn. Ông đề nghị Hiệp hội kiến nghị đề xuất Chính phủ có cơ chế hỗ trợ về đơn hàng xuất khẩu, chính sách thuế, hộ trợ doanh nghiệp được vay vốn để đảm bảo sản xuất, ...

Trước những vấn đề và kiến nghị của các doanh nghiệp hội viên, Hiệp hội đã ghi nhận và trong thời gian tới sẽ nghiên cứu, tham vấn các cơ quan hữu quan để tìm hướng tháo gỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên thiết thực hơn nữa trong việc xúc tiến xuất khẩu, hạn chế hàng nhập khẩu bảo vệ sản xuất trong nước, kiến nghị với Chính phủ các chính sách, đề xuất nhằm đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp sản xuất gốm sứ xây dựng.

Bà Phương Anh – Công ty Á Mỹ

Ông Lê Xuân Lương – Công ty Việt Anh

Các bài viết khác