8 Hội và Hiệp hội VLXD bàn tìm kiếm giải pháp tháo gỡ nghẽn tiêu thụ vật liệu xây dựng

8/21/2023 4:04:12 PM

Ngày 10/6, 8 Hội và Hiệp hội trong ngành Vật liệu xây dựng phối hợp với Viện Vật liệu xây dựng và Công ty Cổ phần Eurowindow cùng tổ chức Tọa đàm “Thị trường Vật liệu xây dựng – Những điểm nghẽn và giải pháp” nhằm đánh giá về tình hình sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu và trao đổi, phân tích “đa chiều” về những điểm nghẽn và các giải pháp khơi thông thị trường tiêu thụ các sản phẩm Vật liệu xây dựng.

Ngành Vật liệu xây dựng đang “chết mòn”

8 Hội và Hiệp hội đứng ra tổ chức Tọa đàm bao gồm Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam; Hiệp hội Xi măng Việt Nam; Hội Bê tông Việt Nam; Hiệp hội Thép Việt Nam; Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam; Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam; Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam và Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Tống Văn Nga - Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam cho biết: “Đây là dịp rất tốt để chúng ta cùng nhau phân tích rõ các nguyên nhân gây nên những điểm nghẽn mà thị trường vật liệu xây dựng đang gặp phải, đồng thời cũng là dịp để thảo luận về những giải pháp riêng cho từng loại sản phẩm và giải pháp chung cho toàn ngành Vật liệu xây dựng, một ngành đã và đang có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Nhân dịp này, chúng ta sẽ cùng nhau đưa ra những kiến nghị xác đáng trình lên Chính phủ và Quốc hội, từ đó sớm có biện pháp giải quyết những khó khăn của ngành Vật liệu xây dựng, đặc biệt là những giải pháp về cơ chế, chính sách, kỹ thuật và tổ chức thực hiện”.

Trong phần tham luận, các Hội và Hiệp hội đã nêu ra những khó khăn riêng của từng ngành. Hiện nay, hầu hết các sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu như xi măng, bê tông, thép, kính xây dựng, gốm sứ… đều bị sụt giảm sản lượng sản xuất và tiêu thụ.

Cụ thể, sản lượng sản xuất và tiêu thụ của các doanh nghiệp xi măng trong 5 tháng đầu năm 2023 giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2022. Với ngành Thép, sản xuất thép thô trong 4 tháng đầu năm giảm 22% so với cùng kỳ, tiêu thụ giảm 18% và xuất khẩu giảm 78%. Cùng thời gian này, sản lượng sản xuất thép xây dựng cũng giảm 26,4%; tiêu thụ giảm 26% và xuất khẩu giảm 41,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Với ngành gốm sứ xây dựng, từ năm 2021 đến nay lượng sản xuất chỉ đạt khoảng 50 – 60% công suất đầu tư. Thị trường trong nước bị tê liệt, đặc biệt là đầu năm 2023. Lượng tồn kho nội địa tới 18 – 20% sản lượng, các doanh nghiệp liên tục phải giảm sản xuất. Tuy xuất khẩu vẫn duy trì xuất siêu nhưng cũng chỉ đạt khoảng 500 triệu USD vẫn thấp so với tiềm năng của ngành.

Với ngành Kính xây dựng, trong giai đoạn 2020-202, ước tính khoảng 80% các đơn vị gia công, lắp đặt kính tạm dừng sản xuất, kinh doanh; doanh thu toàn ngành giảm 50 - 70% so với cùng kỳ các năm trước. Sản lượng sản xuất của các doanh nghiệp gốm sứ hiện nay cũng chỉ duy trì 50 - 60% so với công suất thiết kế, nhưng vẫn tồn kho 18 - 20% sản phẩm không tiêu thụ được.

Trong khi đó, vật liệu xây dựng kết cấu nền, móng đường giao thông lại đang ở tình trạng “không có để phát triển”. PGS.TS Hoàng Hà - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam cho biết, số lượng mỏ có thể khai thác, sử dụng làm vật liệu đất đắp nền đường ở Việt Nam hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 1/6 nhu cầu và với tốc độ khai thác hiện nay thì nguồn tài nguyên này sẽ sớm cạn kiệt, đồng thời gây ra những tác động xấu tới môi trường như gây xói mòn, sạt lở bờ sông, thay đổi dòng chảy tự nhiên…

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu là những điểm nghẽn lớn đang tồn tại trong ngành vật liệu xây dựng như giá cả năng lượng, giá các loại nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, chi phí logistics, thuế xuất khẩu cũng tăng, trong nhu cầu tiêu thụ của thị trường giảm. Thị trường bất động sản đóng băng, số lượng cac dự án mới được triển khai rất ít, ảnh rất lớn tới đầu ra của ngành Vật liệu xây dựng. Các dự án xây dựng bằng vốn đầu tư công có tiến độ giải ngân chậm và triển khai chậm hơn kế hoạch. Việc tiếp cận nguồn vốn sản xuất trong năm 2022 còn nhiều khó khăn do lãi suất ngân hàng cao. Đặc biệt, Hiệp hội bê tông Việt Nam cho rằng, tình trạng nợ đọng kéo dài đang “bào mòn” nguồn lực của các doanh nghiệp.

Thúc đẩy giải ngân đầu tư công, “phá băng” bất động sản

Trong khuôn khổ Tọa đàm “Thị trường Vật liệu xây dựng – Những điểm nghẽn và giải pháp”, các Hội và Hiệp hội đã đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ các điểm nghẽn cho ngành Vật liệu xây dựng như kiến nghị Chính phủ tiếp tục có các chính sách, hỗ trợ giải tỏa các vướng mắc về mặt pháp lý triển khai dự án, khơi thông nguồn vốn, tạo điều kiện và có cơ chế luật pháp rõ ràng cho các hình thức huy động vốn; xây dựng cơ chế, luật pháp rõ ràng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà thầu trước tình trạng bị chiếm dụng vốn của các chủ đầu tư; tiếp tục thúc đẩy việc giải ngân, triển khai các dự án đầu tư công để tạo động lực phát triển ngành Xây dựng và thị trường vật liệu xây dựng; giảm các loại thuế đối với doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; hạ lãi suất cho vay; nghiên cứu áp dụng những công nghệ mới đem lại hiệu quả sản xuất cao, thân thiện với môi trường.

Đặc biệt, tất cả các Hội và Hiệp hội đều kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng và các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành bất động sản, từ đó khai thông đầu ra cho ngành Vật liệu xây dựng.

Ngoài ra, các chuyên gia tham gia Tọa đàm cũng đề xuất giải pháp thi công xây dựng các cầu cạn cho phát triển bền vững hạ tầng giao thông tại Việt Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hay sử dụng cát biển thay thế cho cát sông tự nhiên làm vật liệu đắp nền đường, vừa giải quyết được tình trạng thiếu đất đắp nền, vừa đảm bảo không xảy ra tình trạng sụt lún, nước biển dâng tại các khu vực trũng thấp.

Ở phần thảo luận, ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng Bộ Xây dựng đề nghị các doanh nghiệp nghiên cứu chiết giảm sản lượng sản xuất vật liệu xây dựng tương ứng với nhu cầu tiêu thụ của thị trường; chiết giảm chi phí đầu tư, tăng cường nội lực trong từng doanh nghiệp.

Theo ông Phạm Văn Bắc, các doanh nghiệp nên nhìn nhận lại vấn đề của chính mình để giải quyết chứ không nên chỉ đổ lỗi cho các yếu tố khách quan. Thực tế là các doanh nghiệp Việt Nam có thực lực vẫn sống tốt ở thị trường trong nước mà không cần phải xuất khẩu sản phẩm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng cho rằng, việc xây dựng cầu cạn sẽ giúp giải quyết điểm nghẽn của 3 ngành xi mặng, thép và bê tông, đồng thời kiến nghị Chính phủ cần có những cơ chế, chính sách để nâng cao vai trò của các doanh nghiệp xây dựng trong thời gian tới.

Đóng góp ý kiến ở Tọa đàm, ông Lê Quang Hùng – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam cho rằng cần đẩy mạnh phát triển xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là nhu cầu cấp bách hiện nay, từ đó thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững và tháo gỡ khó khăn cho ngành vật liệu.

Ông Tống Văn Nga – Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng khẳng định, ngành Vật liệu xây dựng không nên khôi phục quy hoạch ngành sản phẩm mà các doanh nghiệp cần phải tiếp tục nghiên cứu thị trường để thúc đẩy ngành phát triển hơn nữa.

Phát biểu chỉ đạo ở Tọa đàm, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển khẳng định, ngành Vật liệu xây dựng là ngành công nghiệp nền tảng có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Chính vì thế, việc tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho ngành công nghiệp vật liệu xây dựng là rất cần thiết, đặc biệt là các giải pháp thúc đẩy đầu tư công và tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản. Ông Nguyễn Đức Hiển đề nghị Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam sẽ tổng hợp các kiến nghị ở Tọa đàm vào một văn bản để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tháo gỡ khó khăn cho ngành vật liệu xây dựng trong thời gian tới.

Các bài viết khác