Hoạt động hiệp hội
VIBCA thăm và làm việc với các DN Nam Định, Thái Bình và khu vực miền Trung
Vừa qua, Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam đã có chuyến thăm và làm việc với các doanh nghiệp hội viên sản xuất gạch ốp lát, sứ vệ sinh, frit và gạch ngói đất nung ở Nam Định, Thái Bình và khu vực miền Trung: Công ty Granite Nam Định, Công ty Sứ Hảo Cảnh, Viglacera Thái Bình, Mikado Thái Bình, Công ty sứ Dolacera, Công ty gốm sứ Long Hầu, các Showroom, Eurotile Center của Viglacera khu vực miền Trung, Cosevco Quảng Bình, Vitto Phú Lộc, Mikado Huế, Frit Phú Sơn, Frit Huế, Cosevco Đà Nẵng, …
Trong các buổi làm việc, đoàn Hiệp hội và Ban lãnh đạo các công ty đã cùng chia sẻ những thông tin về tình hình ngành gốm sứ xây dựng trong thời gian vừa qua, những khó khăn doanh nghiệp đang đối mặt nói chung và những khó khăn riêng của các doanh nghiệp khu vực Nam Định, Thái Bình, các tỉnh miền Trung, đồng thời cùng bàn luận đưa ra các giải pháp đối phó, nhận định xu hướng thị trường trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp đều ghi nhận và đánh giá cao những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của Hiệp hội trong thời gian vừa qua, đặc biệt là hai năm dịch bệnh Covid – 19 khó khăn, đưa ra các kiến nghị với Chính phủ về giá than, giá khí gas, các chính sách có liên quan đến sự phát triển của ngành, những định hướng của Hiệp hội đối với sự phát triển lâu dài của ngành gốm sứ xây dựng Việt Nam.
Giống như các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ xây dựng trên toàn thế giới, vấn đề chung hiện nay của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và khu vực Nam Định, Thái Bình và miền Trung nói riêng là chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao, đặc biệt là chi phí năng lượng, nhiên liệu, nguyên liệu sản xuất, chi phí vận tải, … Theo các doanh nghiệp chia sẻ, giá than mua vào tại thời điểm làm việc với đoàn Hiệp hội dao động trên 7 triệu VNĐ/tấn tùy theo giá mỗi công ty, mặc dù đã giảm hơn so với đỉnh điểm những tháng giữa năm nhưng vẫn cao hơn rất nhiều so với những năm trước. Giá khí gas cũng tương tự như vậy. Bên cạnh việc tăng giá chóng mặt, thì việc khan hàng, thiếu nguồn cung nhiên liệu cũng là bài toán nan giải cho các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ xây dựng, khi mà chi phí nhiên liệu (than, khí) chiếm khoảng trên dưới 40% chi phí sản xuất.
Ngoài giá năng lượng tăng cao, các doanh nghiệp cũng gặp khó về nguồn cung nguyên liệu, đặc biệt là nguyên liệu sét, nguyên liệu đất, giá vừa tăng, nguồn cung cấp vừa khan hiếm do các tỉnh siết chặt quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch sản xuất dài hạn của các doanh nghiệp khi giải quyết bài toán dự trữ nguồn nguyên liệu ngày càng nan giải.
Đơn vị làm việc đầu tiên trong chuyến công tác khảo sát doanh nghiệp lần này tại tỉnh Nam Định, Thái Bình là Công ty CP Granite Nam Định, Công ty Viglacera Thái Bình. Ông Đinh Quang Huy chia sẻ với Ban lãnh đạo các công ty về tình hình sản xuất, tiêu thụ, xuất nhập khẩu của ngành gạch ốp lát Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Trong thời gian Covid-19, sản xuất gạch ốp lát của Việt Nam giảm đáng kể, chỉ duy trì khoảng trên dưới 60% công suất thiết kế, đạt trên 400 triệu m2/năm, tiêu thụ nội địa cũng giảm tương tự, xuất khẩu gạch ốp lát vẫn duy trì đạt gần 200 triệu USD/năm. Về công nghệ, Việt Nam đã cập nhật những công nghệ tiên tiến trên thế giới trong các công đoạn sản xuất, giúp giảm thiểu năng lượng tiêu thụ, tăng năng suất và hiệu quả vận hành. Thị trường đang có xu hướng chuyển sang sản xuất các dòng sản phẩm kích thước lớn và đã có một số doanh nghiệp đầu tư và ra sản phẩm thành công là Công ty Trung Đô, tiếp đến là các công ty lớn trong ngành như Viglacera, Vitto, Á Mỹ, Hoàng Gia, ….
Tại Công ty Granite Nam Định
Tại Công ty Viglacera Thái Bình
Ông Nguyễn Kim Túc - Tổng giám đốc Công ty Granite Nam Định chia sẻ Granite Nam Định cũng hướng tới sản xuất dòng sản phẩm kích thước lớn đáp ứng nhu cầu của thị trường. Công ty hiện vẫn duy trì sản xuất đều, sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại, không thải nước và chất thải như bùn nước ra môi trường xử lý bùn thải triệt để, giảm thiểu thải khí, bụi, khói, … Đó là nhờ dây chuyền sản xuất tiên tiến của Siti B&T, Granite Nam Định được công nhận là đơn vị đầu tư công nghệ, thiết bị an toàn, tiết kiệm năng lượng nhất châu Á, giải thưởng này do Hiệp hội các nhà sản xuất máy và thiết bị gốm sứ Ý Acimac trao tặng.
Trong buổi làm việc, ông Nguyễn Kim Túc cũng đề xuất về việc Hiệp hội cần có kiến nghị với các bộ ngành để cấp bằng đánh giá về môi trường cho các doanh nghiệp, chứng nhận sản xuất xanh sạch nhằm thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp hướng tới đầu tư và sản xuất công nghiệp không chất thải.
Đến thăm và làm việc với các công ty sản xuất sứ tại khu vực Tiền Hải, Thái Bình là Công ty SXKD Sứ Hảo Cảnh, Công ty sứ Dolacera, Công ty gốm sứ Long Hầu và Công ty sứ cao cấp Mikado, ông Huy thông tin về tình hình phát triển của ngành sứ vệ sinh và sứ gia dụng hiện nay, cùng lắng nghe những chia sẻ của các công ty về tình hình sản xuất kinh doanh trong vài năm trở lại đây. Theo ông Tô Xuân Cảnh - Tổng giám đốc Hảo Cảnh, Hiện nay công ty có 8 nhà máy sản xuất sứ vệ sinh, sứ dân dụng với năng lực sản xuất lớn nhất ở khu vực Tiền Hải Thái Bình. Sản phẩm của công ty có chất lượng vượt trội, công ty đã xuất khẩu tới hơn 100 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Đặc biệt là sản phẩm sứ xương của công ty được khách hàng trên thế giới đánh giá cao về chất lượng, độ bền và giá bán.
Tại Công ty Sứ Hảo Cảnh
Chia sẻ về những khó khăn của các công ty khu vực Tiền Hải Thái Bình, ông Dũng (Giám đốc Dolacera) và ông Sơn, ông Cảnh cho biết công ty đều đang phải đối mặt với giá chi phí nhiên liệu khí đốt tăng cao ảnh hưởng lớn đến sản xuất và tiêu thụ, đánh giá cao về vai trò của Hiệp hội trong việc tạo tiếng nói chung kiến nghị với chính phủ để hỗ trợ bình ổn giá năng lượng cho sản xuất. Ông Dũng - Tổng giam đốc Dolacera cũng chia sẻ những khó khăn của thị trường khi mà hiện nay có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang tận khu vực Thái Bình mở công ty, nhập hàng sau đó xuất đi, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất khu vực Thái Bình nói riêng và cả nước nói chung. Cần có biện pháp để hạn chế tình trạng này, bảo vệ sản xuất trong nước. Ông Sơn – Tổng giám đốc công ty gốm sứ Long Hầu cũng chia sẻ với đoàn Hiệp hội về kế hoạch đầu tư dây chuyền tạo hình bằng phương pháp hút khuôn thạch cao trên băng chuyền, giảm tải áp lực công việc cho công nhân, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu suất vận hành. Hiện Long Hầu đang sản xuất cả sứ vệ sinh và sứ dân dụng, là một trong những công ty hoạt động bài bản, chất lượng đứng đầu khu vực Thái Bình. Năm 2022 công ty sản xuất và tiêu thụ hết hàng, xuất khẩu tốt sang các thị trường Mỹ, Philippines, … với giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo. Trong thời gian tới Long Hầu sẽ đầu tư công nghệ sứ cao cấp hướng tới thị trường xuất khẩu.
Tại Công ty sứ cao cấp Mikado Thái Bình
Tại Công ty Gốm sứ Long Hầu
Cũng tại khu vực Thái Bình, đoàn Hiệp hội đã đến thăm và làm việc với Nhà máy tấm trần thạch cao Mikado, với công suất ban đầu 15 triệu m2/năm. Hiện nay, Mikado có tổng cộng 16 công ty và nhà máy sản xuất đa dạng các dòng sản phẩm, từ gạch ốp lát, sứ vệ sinh, men, frit, thủy tinh lỏng, sàn nhựa, đá quartz, tấm trần thạch cao, khung xương cho tấm trần, …đáp ứng yêu cầu cho các công trình xây dựng với chủng loại sản phẩm phong phú, chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh. Trong những năm gần đây, Mikado với việc mua lại các nhà máy và mở rộng dòng sản phẩm, lĩnh vực hoạt động, đã trở thành một thương hiệu mạnh trên thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.
Tại Nhà máy tấm trần thạch cao Mikado Thái Bình
Tiếp theo, đoàn Hiệp hội đã tới thăm hệ thống Showroom Viglacera, Euro Tile Center của Tổng công ty Viglacera ở Nghệ An và Đà Nẵng. Tại đây, đoàn Hiệp hội đã cùng chia sẻ những thông tin về thị trường, xuất nhập khẩu gạch ốp lát trong thời gian vừa qua và năm tới, cùng chiêm ngưỡng những kiệt tác gạch men trong các bộ sưu tập mới nhất của thương hiệu EuroTile với những sản phẩm tinh xảo, sang trọng đa phong cách dành cho những khách hàng có gu thẩm mỹ và cảm nhận nghệ thuật tinh tế. Với công nghệ hiện đại, tiên tiến của Ý và nguyên vật liệu cao cấp được nhập khẩu từ châu Âu, các sản phẩm của Eurotile được giới chuyên gia đánh giá cao và được người tiêu dùng ưa chuộng. Cùng với thiết kế phù hợp với nhiều không gian sống khác nhau, các bộ sưu tập Eurotile đã tiên phong trong việc định hình phong cách, mang tính nghệ thuật vị nhân sinh, đem lại giá trị tinh thần lớn lao cho người sử dụng, điều đó được coi là “đỉnh cao của nghệ thuật thiết kế”. Bên cạnh đó, Euro Tile Center còn là điểm gặp gỡ, giao lưu định kỳ của giới kiến trúc sư, thiết kế xây dựng, những người tạo ra định hướng phong cách và lựa chọn sản phẩm cho các công trình xây dựng.
Tại Showroom Viglacera
Tại nhà máy gạch Đồng Hới thuộc Công ty Cosevco Quảng Bình, đoàn Hiệp hội đã đi thăm dây chuyền sản xuất gạch tuynel công suất 45 triệu viên/năm, sản lượng thực tế đạt 30 triệu viên/năm. Trong 2 năm trở lại đây, lĩnh vực gạch xây đất sét nung gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ kém, cạnh tranh với các mặt hàng vật liệu xây khác như gạch không nung, bê tông khí, kính, …Tuy nhiên ở Quảng Bình nhu cầu xây dựng lại sôi động, tiêu thụ gạch đỏ tốt, giá bán tốt, giá bán cao hơn so với các khu vực khác. Nhà máy sản xuất chủ yếu gạch đặc, sử dụng máy đùn ép áp lực cao cho độ ẩm dưới 17%. Quy trình vận hành bán tự động, tập trung công nhân ở khâu bốc xếp. Nhà máy hoạt động sản xuất và kinh doanh tốt, xây dựng và vận hành trong thời điểm dịch bệnh Covid nhiều bất cập nhưng vẫn thành công ra sản phẩm, giúp tháo gỡ khó khăn cho mảng gạch ốp lát của công ty.
Tại Nhà máy gạch Đồng Hới – Cosevco Quảng Bình
Tại khu vực Huế và Đà Nẵng, đoàn Hiệp hội đã làm việc với Công ty TNHH Vitto Phú Lộc, Nhà máy gạch men Mikado Huế và Công ty Cosevco Đà Nẵng. Trao đổi với đoàn Hiệp hội, ông Đạt – giám đốc Vitto Phú Lộc chia sẻ hiện nay tập đoàn sáp nhập thành Vitto Hoàn Mỹ với tổng công suất đạt 52 triệu m2/năm, trở thành một trong những nhà sản xuất gạch ốp lát lớn nhất Việt Nam. Bên cạnh đó, Vitto còn có mảng sản xuất Frit với sản lượng đạt 60.000 tấn/năm, phục vụ cho các công ty của tập đoàn và kinh doanh trên thị trường. Công ty có kế hoạch đầu tư sản xuất gạch tấm lớn và các sản phẩm kích thước lớn để đáp ứng nhu cầu của thị trường, theo xu hướng gạch tấm lớn trên thế giới hiện nay. Với thông điệp Kết nối – Kiến tạo – Thành công bền vững và logo 3P Tái tạo trái đất, Phát triển con người, Chia sẻ thịnh vượng, Vitto Hoàn Mỹ đang hướng tới sự phát triển bền vững cả trong sản xuất, con người cũng như sự phát triển chung cho toàn cộng đồng, toàn xã hội.
Tại Công ty Vitto Phú Lộc
Tại Mikado Huế, ông Hùng – Giám đốc nhà máy tiếp đoàn Hiệp hội, chia sẻ những khó khăn trong sản xuất của Mikado tại đây, như chi phí nguyên liệu tăng, đồng thời cước vận chuyển từ Bắc vào, than từ Quảng Ninh, những nguyên liệu khác như trường thạch, cao lanh đều từ Lào Cai, Phú Thọ nên chi phí đầu vào tăng cao. Công ty đang cố gắng tìm cách thay đổi, chuyển sử dụng nguyên liệu ở miền Trung nhưng khó vì chất lượng không đảm bảo. Được mua lại từ công ty Hucera và hoạt động trở lại bắt đầu từ tháng 11/2021, hiện nay Mikado Huế có công suất đạt 5 triệu m2, sản xuất thực tế khoảng 4 triệu m2 các loại gạch porcelain, bán sứ, mài mặt kích thước 600x600, 300x600, … tiêu thụ khoảng 80% sản lượng. Thị trường miền Trung những tháng cuối năm chậm, tiêu thụ hàng porcelain khó vì khách hàng đa phần vẫn chuộng dùng hàng giá rẻ.
Tại Công ty Mikado Huế
Tại Công ty Cosevco Đà Nẵng, ông Bình – Chủ tịch HĐQT chia sẻ mua lại nhà máy từ năm 2017 và tiếp quản sản xuất, hiện nay công suất đạt 4,5 triệu m2, chủ yếu dòng gạch ốp các kích thước nhỏ. Thời gian đầu công ty gặp nhiều khó khăn do thị trường và cả sản xuất nội tại, tuy nhiên hiện nay đội ngũ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên công ty đã tìm được hướng đi, dòng sản phẩm phù hợp điều kiện nhà máy nên hoạt động sản xuất đã có lợi nhuận, dây chuyền chạy hết công suất. Công ty lựa chọn sản xuất những dòng sản phẩm đặc biệt như gạch ốp tường, ốp chân tường mỏng, khắc sâu, tạo hình khe rãnh sâu, sử dụng phương pháp ép ngược, ép không lật cho ra những sản phẩm lạ, độc đáo, hiếm thấy trên thị trường.
Về mảng Frit, đoàn Hiệp hội đã thăm và làm việc với Công ty Công nghệ Frit Phú Sơn và Công ty CP Frit Huế. Trao đổi với đoàn Hiệp hội, ông Sơn – Tổng giám đốc Frit Phú Sơn cho biết hiện nay công ty có 3 lò với công suất 30.000 tấn/năm đều hoạt động tốt ngay cả trong thời điểm dịch bệnh. Tuy nhiên, những tháng trở lại đây các công ty sản xuất gạch ốp lát gặp khó khăn nên giảm hẳn sản lượng, ảnh hưởng tới doanh số bán hàng của các công ty Frit. Phú Sơn xuất khẩu tốt, tăng ở các thị trường Malaysia, Indonesia, Bangladesh, … Định hướng của công ty sẽ đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu những dòng sản phẩm cao cấp có giá thành phù hợp, những sản phẩm phụ trợ, dung môi cho ngành nhằm hạn chế nhập khẩu, phụ thuộc vào hàng nước ngoài.
Tại Công ty Frit Huế
Tại Công ty Frit Huế, đoàn Hiệp hội đã cùng trao đổi thông tin phát triển chung của ngành gốm sứ Việt Nam và tình hình hoạt động kinh doanh của Frit Huế. Ông Khánh – Tổng giám đốc công ty cho biết hiện nay công suất đạt 130.000 tấn/năm, có thời điểm sản xuất lên tới 150.000 tấn/năm, chủ yếu chạy dòng sản phẩm có giá bán phù hợp có tính cạnh tranh trên thị trường, giữ vững thị phần và củng cố, mở rộng sản xuất của công ty. Frit Huế đã có nhiều hoạt động thúc đẩy sản xuất, bắt đầu xuất khẩu từ năm 2017, chủ yếu sang các thị trường Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Bangladesh, …. Ông Khánh cũng đề xuất về việc kiểm định xỉ thải, khí thải và chất thải của các công ty sản xuất gốm sứ và frit vì ngành này sử dụng nhiều than, do đó có liên quan nhiều đến các cơ quan quản lý về môi trường, nhiều khi gặp khó khăn về thời gian, chi phí cho việc kiểm tra kiểm định. Đề xuất này cũng đồng quan điểm với chủ trương của Hiệp hội trong thời gian tới sẽ kiến nghị Bộ Xây dựng về việc cấp giấy chứng nhận đánh giá môi trường, tạo điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp ở địa phương trong vấn đề về môi trường với các cơ quan nhà nước.
- Tập đoàn VTHM tự hào lọt Top 10 DN vào vòng chung kết sáng kiến ESG Việt Nam 2024
- Các công ty lọt Top 10 DN đổi mới sáng tạo và kinh doanh hiệu quả năm 2024 ngành VLXD
- Hiệp hội và các doanh nghiệp tham dự triển lãm Uniceramics Expo Phật Sơn 2024
- Hiệp hội GSXD Việt Nam tổ chức Hội nghị CICA lần thứ 28 Hiệp hội công nghiệp gốm sứ Asean
- Hiệp hội thăm và làm việc với Công ty cổ phần Takao Granite
- Giao lưu doanh nghiệp gốm sứ Trung Quốc và Việt Nam
- Asean Ceramics 2023 Hội chợ triển lãm gốm sứ hàng đầu Đông Nam Á
- VIBCA tham dự triển lãm Ceramics China 2023 và Lễ Kỷ niệm 20 năm thành lập Công ty cung cấp thiết bị Modena Trung Quốc
- 8 Hội và Hiệp hội VLXD bàn tìm kiếm giải pháp tháo gỡ nghẽn tiêu thụ vật liệu xây dựng
- Hiệp hội thăm và làm việc tại triển lãm Uniceramics Expo Phật Sơn
- Hiệp hội tham dự Hội chợ quốc tế Uniceramics Expo Trung Quốc
- Hiệp hội tổ chức thành công hội thảo CN và thiết bị SX gốm sứ Henglitai
- Đoàn Hiệp hội tham dự Hội chợ triển lãm và khảo sát thị trường gốm sứ Ấn Độ
- VIBCA tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2022 và đề phương hướng hoạt động năm 2023
- VIBCA tham dự Hội nghị công nghiệp gốm sứ Đông Nam Á (CICA) lần thứ 27 tại Indonesia
- VIBCA thăm và làm việc với các DN khu vực Hải Dương, Quảng Ninh
- VIBCA thăm và làm việc với các DN khu vực Vĩnh Phúc Phú Thọ Bắc Ninh
- Hiệp hội tổ chức hội nghị doanh nghiệp tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn
- Viglacera mua lại Bạch Mã, đổi tên thành Nhà máy Viglacera Mỹ Đức 2
- Catalan đánh dấu 15 năm hình thành và phát triển với BST Centurion 100
tin nổi bật
- Tập đoàn VTHM tự hào lần thứ 2 liên tiếp đón nhận Thương hiệu quốc gia cho sản phẩm gạch men Vitto
- Họp báo Triển lãm Triển lãm ASEAN Ceramics and Stone 2024
- Hiệp hội cùng các doanh nghiệp hội viên tham quan và làm việc tại Tecna và Cersaie 2024 Ý
- Viglacera kỷ niệm 50 năm thành lập
- Viglacera lọt Top 10 Thương hiệu xanh 2024
- SCG công bố kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024
- Tưng bừng khai trương Showroom Apodio tại Thanh Hóa
- Mỹ nộp đơn khởi kiện chống trợ cấp và chống bán phá giá đối với gạch ốp lát Ấn Độ