VIBCA thăm và làm việc với các DN khu vực Hải Dương, Quảng Ninh

9/29/2022 11:35:45 AM

Vừa qua, Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam đã có chuyến thăm và làm việc với các doanh nghiệp hội viên sản xuất gạch ốp lát và gạch ngói đất nung ở khu vực Hải Dương và Quảng Ninh: Công ty Cổ phần RedstarCera, Công ty Gốm Đất Việt, Tập đoàn Hoàng Hà, Công ty Gốm mầu Hoàng Hà, Công ty Cổ phần Viglacera Hạ Long và Công ty Cổ phần Viglacera Đông Triều.

Tại Công ty CP RedstarCera

Trong các buổi làm việc, đoàn Hiệp hội và Ban lãnh đạo các công ty đã cùng chia sẻ những thông tin về tình hình ngành gốm sứ xây dựng trong thời gian vừa qua, những khó khăn doanh nghiệp đang đối mặt nói chung và những khó khăn riêng của các doanh nghiệp khu vực Quảng Ninh, Hải Dương, đồng thời cùng bàn luận đưa ra các giải pháp đối phó, nhận định xu hướng thị trường trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp đều ghi nhận và đánh giá cao những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của Hiệp hội trong thời gian vừa qua, đặc biệt là hai năm dịch bệnh Covid – 19 khó khăn, đưa ra các kiến nghị với Chính phủ về giá than, giá khí gas, các chính sách có liên quan đến sự phát triển của ngành, những định hướng của Hiệp hội đối với sự phát triển lâu dài của ngành gốm sứ xây dựng Việt Nam.

Giống như các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ xây dựng trên toàn thế giới, vấn đề chung hiện nay của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và khu vực Quảng Ninh, Hải Dương nói riêng là chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao, đặc biệt là chi phí năng lượng, nhiên liệu, nguyên liệu sản xuất, chi phí vận tải, … Theo các doanh nghiệp chia sẻ, hiện nay giá than mua vào dao động trên dưới 8 triệu VNĐ/tấn tùy theo giá mỗi công ty, đã tăng rất nhiều so với giá 3,5 - 4 triệu VNĐ/tấn hồi đầu năm 2022. Giá khí gas cũng tương tự như vậy. Bên cạnh việc tăng giá chóng mặt, thậm chí trong một tháng giá than còn điều chỉnh tăng mấy lần thì việc khan hàng, thiếu nguồn cung nhiên liệu cũng là bài toán nan giải cho các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ xây dựng, khi mà chi phí nhiên liệu (than, khí) chiếm khoảng trên dưới 40% chi phí sản xuất.

Ngoài giá năng lượng tăng cao, các doanh nghiệp cũng gặp khó về nguồn cung nguyên liệu, đặc biệt là nguyên liệu sét, nguyên liệu đất, giá vừa tăng, nguồn cung cấp vừa khan hiếm do các tỉnh siết chặt quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch sản xuất dài hạn của các doanh nghiệp khi giải quyết bài toán dự trữ nguồn nguyên liệu ngày càng nan giải.

Các doanh nghiệp đều chấp hành Nghị quyết Hội nghị ngày 13/05/2022, trong đó nêu rõ kiểm soát sản lượng sản xuất để đảm bảo cân bằng nguồn cung cầu trên thị trường; Vấn đề tăng giá bán để ứng phó với bối cảnh giá đầu vào tăng chóng mặt nhằm đảm bảo mức lợi nhuận của công ty. Hầu hết các công ty đều đã có những động thái tăng giá bán sau Hội nghị tháng 5 vừa qua, mặc dù việc này cũng có ảnh hưởng ít nhiều đến tài chính của mỗi doanh nghiệp.

Đến thăm và làm việc tại Công ty Cổ phần RedstarCera, đoàn công tác Hiệp hội đã cùng trao đổi những thông tin mới nhất trong ngành. Ông Đặng Văn Việt – Tổng giám đốc công ty báo cáo với Hiệp hội tình hình hoạt động của công ty trong thời gian vừa qua và kế hoạch phát triển trong những năm tới. Hiện nay công suất RedstarCera gần 10 triệu m2/năm, sản xuất thực tế đạt 8 triệu m2, tiêu thụ tốt, doanh thu đạt trên 700 tỷ/năm, thu nhập bình quân của cán bộ công nhân viên đạt trên 8 triệu/tháng. Công ty đang có kế hoạch đầu tư thêm dây chuyền sản xuất porcelain nhằm tăng năng suất, hướng tới những dòng sản phẩm cao cấp đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Ông Việt cũng chia sẻ những khó khăn chung của doanh nghiệp đang đối mặt, trong đó nổi cộm là giá nhiên liệu than tăng quá cao, bên cạnh đó giá nhiều loại nguyên liệu cũng như dịch vụ đầu vào đều tăng cao, buộc doanh nghiệp phải tìm cách nâng giá bán, ảnh hưởng đến doanh số bán hàng. Công ty đề nghị Hiệp hội tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, ủng hộ sản xuất trong nước, có những kiến nghị về chính sách để bảo vệ sản xuất trong nước, hạn chế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ có chất lượng không đảm bảo.

Ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội đánh giá cao sự phát triển ổn định của RedstarCera trong bối cảnh khó khăn vừa qua, luôn có những ý kiến, kiến nghị chung cho toàn ngành, những đóng góp của công ty rất đáng hoan nghênh và mong rằng RedstarCera sẽ luôn phát triển, luôn đồng hành cùng Hiệp hội trong những năm tiếp theo.

Thăm và làm việc với Công ty Gốm Đất Việt, ông Nguyễn Quang Mâu báo cáo tình hình hoạt động của công ty trong những năm qua. Hiện tại Gốm Đất Việt có 3 công ty trực thuộc là Công ty CP Gạch ngói Đất Việt, Công ty CP Gốm Đất Việt và Công ty CP Kinh doanh Xuất nhập khẩu với gần 1.000 lao động, lương bình quân gần 15 triệu/người/tháng với các phúc lợi chăm lo đời sống công nhân mà khó có doanh nghiệp nào trong ngành tốt hơn. Hiện công ty đang hướng tới phát triển những giải pháp khoa học công nghệ, bằng độc quyền/sáng chế khoa học, các kỷ lục Việt Nam và thế giới và đã được công nhận là Doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên của ngành gốm sứ xây dựng Việt Nam, sở hữu máy đùn ép liên hợp lớn nhất Đông Nam Á, ngói kỷ lục siêu mịn, .... Những giải pháp công nghệ này đã đem lại nhiều lợi ích to lớn trong sản xuất hàng ngày của Gốm Đất Việt.

Bên cạnh những khó khăn chung, ông Mâu cũng chia sẻ thêm về khó khăn nguồn nguyên liệu đất, ngay cả đối với các doanh nghiệp ở Quảng Ninh. Tuy nhiên, Gốm Đất Việt lại có lợi thế rất lớn khi sở hữu mỏ đất 31ha ngay sau công ty, là nguồn tài nguyên lâu dài đảm bảo cho sự phát triển ngày càng lớn mạnh và vững chắc cho Gốm Đất Việt trong tương lai xa.

Tại Công ty Gốm Đất Việt

Điểm đến tiếp theo là Tập đoàn Hoàng Hà – Công ty Gốm xây dựng Hoàng Quế sản xuất gạch xây bằng lò vòng công suất 140 triệu viên/năm với rất ít công nhân. Lợi thế của lò vòng là sử dụng than rất ít, giảm tới hơn 50% so với lò dài, không sử dụng xe goòng, tỷ lệ gạch loại A1 chiếm trên 93%, tỷ lệ phế phẩm mộc gần như bằng không, cực kỳ hiệu quả. Công ty có lợi thế lớn là sẵn mỏ nguyên liệu đất dồi dào, đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho sản xuất lâu dài.

Nhân chuyến thăm quan tại Quảng Ninh, đoàn Hiêp hội cũng ghé thăm khu du lịch sinh thái Quảng Ninh Gate - tổ hợp dịch vụ vui chơi giải trí tổng hợp được đầu tư bởi Công ty CP Tập đoàn Hoàng Hà. Chính thức ra mắt vào năm 2018, khu du lịch Quảng Ninh Gate ngay lập tức trở thành điểm đến tại Quảng Ninh được cộng đồng du lịch đánh giá cao. Nằm trong Dự án Trạm dừng nghỉ và khu du lịch Quảng Ninh Gate, địa điểm du lịch Quảng Ninh mới nổi này có diện tích rộng lớn trên 13ha.Trong đó gồm 3 loại hình du lịch hấp dẫn là du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm và du lịch làng quê. Mỗi khu đều mang tới nhiều tiện nghi và dịch vụ hiện đại như hệ thống khách sạn, nhà hàng và khu nghỉ dưỡng hạng sang. Cùng với đó là hàng loạt hoạt động vui chơi giải trí hấp dẫn: thủy cung, công viên nước, công viên cảm giác mạnh… Bên cạnh đó, nơi đây còn có không gian văn hóa như khu làng chài, khu trồng trọt, khu chợ quê và khu biểu diễn rối nước. Tất cả đều được tái hiện hết sức chân thực nhằm đem tới một không gian du lịch nghỉ dưỡng trọn vẹn cho du khách.

Tại Công ty CP Tập đoàn Hoàng Hà

Đến Công ty Gốm mầu Hoàng Hà, ông Phạm Thuần Lãm – giám đốc công ty cùng đại diện các phòng ban báo cáo tình hình hoạt động trong vài năm qua. Năm 2019, Công ty Mikado đã tiếp quản trên 60% sở hữu từ Tập đoàn Hoàng Hà, đến nay công suất Gốm mầu Hoàng Hà đạt 12 triệu m2/năm với hơn 300 công nhân, sản xuất ổn định, tiêu thụ tốt. Như vậy, tính đến thời điểm này, Mikado đã đạt công suất hơn 40 triệu m2 gạch ốp lát, mở rộng lĩnh vực sản xuất đa dạng cả sứ vệ sinh, quartz, frit, trần thạch cao, tấm ốp trần, …

Tại Công ty Gốm mầu Hoàng Hà

Tại Công ty Cổ phần Viglacera Hạ Long, đội ngũ lãnh đạo đã cùng chia sẻ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2022. Công ty cũng đang tìm nhiều giải pháp để giải quyết bài toán chi phí đầu vào bằng cách tăng giá bán. Từ đầu năm đến nay công ty đã thực hiện tăng gần 10% giá bán, tuy nhiên điều này cũng gặp nhiều khó khăn trong bán hàng, đặc biệt là cạnh tranh về giá giữa các công ty sản xuất rất gay gắt. Theo kế hoạch đề ra, doanh thu trong năm 2022 của công ty sẽ đạt 995 tỷ, nếu giá bán không tăng thì nguy cơ không đạt kế hoạch, thậm chí thua lỗ là điều khó tránh. Chính vì vậy hiện nay các phòng ban đều cố gắng tìm giải pháp như đưa ra các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo ra các sáng kiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng.

Về nguồn nguyên liệu đất cho sản xuất, Viglacera Hạ Long có lợi thế lớn là có nguồn dự trữ đất, mỏ trong vài năm, bên cạnh đó công ty còn tận thu đất từ các công trình của các tỉnh để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định.

Tại Nhà máy gạch Tiêu Giao

Điểm đến cuối cùng trong chuyến công tác là Công ty Cổ phần Viglacera Đông Triều - được sáp nhập thành công ty con thuộc quản lý của Viglacera Hạ Long. Ông Trần Thành – Giám đốc công ty dẫn đoàn Hiệp hội đi thăm nhà máy sản xuất. Đã có nhiều cải tiến trong các công đoạn sản xuất từ tạo hình, sấy, nung nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu lao động thủ công và tăng hiệu quả sử dụng nhiên liệu nguyên liệu. Hiện nay công ty có hai nhà máy đều sản xuất ngói nung, sản lượng 2 triệu m2 ngói/năm với 600 công nhân, lương bình quân đạt trên 8 triệu/tháng. Kế hoạch năm 2022 của công ty đề ra đạt 330 tỷ. Công ty có lợi thế lớn là sở hữu mỏ nguyên liệu sét 16ha tại Tràng An, Đông Triều, giúp đảm bảo nguồn cung nguyên liệu, tăng khả năng cạnh tranh về tài chính trong bối cảnh hiện nay rất nhiều công ty bị thiếu hụt đất trầm trọng.

Tại Công ty CP Viglacera Đông Triều

Các bài viết khác