VIBCA tham dự Hội nghị công nghiệp gốm sứ Đông Nam Á (CICA) lần thứ 27 tại Indonesia

12/27/2022 10:02:40 AM

Sáng ngày 09/12/2022, tại Sofitel Nusa đảo Bali, Indonesia, Hiệp hội GSXD Việt Nam VIBCA đã tham dự Hội nghị công nghiệp gốm sứ Đông Nam Á (CICA) lần thứ 27. Tham dự Hội nghị có sự hiện diện của đại diện Hiệp hội 5 nước thành viên CICA là Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Malaysia, nước chủ nhà Indonesia và khách mời là bà Wiwik Pudjiastuti – Vụ trưởng phụ trách công nghiệp Hóa, Dược và Dệt May – Bộ Công Thương Indonesia cùng một số công ty thành viên hiệp hội công nghiệp gốm sứ Indonesia.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Atuk Chirdkiatisak – Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp gốm sứ Thái Lan, nước đang nắm chức chủ tịch CICA – nhiệt liệt chào mừng các nước thành viên CICA đã có mặt tham dự hội nghị, cảm ơn nước chủ nhà Indonesia về sự đón tiếp và chuẩn bị chu đáo. Ông Atuk Chirdkiatisak bày tỏ sự mong muốn các nước thành viên CICA sẽ có những chia sẻ thẳng thắn, trao đổi tình hình sản xuất, tiêu thụ, xuất nhập khẩu, những vướng mắc mà ngành công nghiệp mỗi nước đang đối mặt, đồng thời hy vọng các nước thành viên CICA có tiếng nói chung trong các vấn đề mang tính toàn khu vực, toàn cầu như làn sóng nhập khẩu từ Trung Quốc, từ Ấn Độ, chi phí nguyên nhiên liệu và các chi phí khác tăng đột biến trong thời gian vừa qua, những khó khăn trong thời gian Covid và hậu Covid, các vấn đề về bảo vệ môi trường trong sản xuất gốm sứ, …

Tiếp theo, bà Wiwik Pudjiastuti – Vụ trưởng phụ trách công nghiệp Hóa, Dược và Dệt May – Bộ Công Thương Indonesia phát biểu, bà đánh giá cao vai trò của Hiệp hội công nghiệp gốm sứ các nước Asean đối với nền kinh tế mỗi nước nói riêng và sự đóng góp vào phát triển kinh tế toàn khu vực. Bà Wiwik Pudjiastuti tin tưởng các thành viên hội nghị CICA sẽ có buổi hội nghị thành công và có những hoạt động thiết thực, tích cực sau thời gian đình trệ vì Covid-19, hướng tới các tiêu chuẩn ISO – hệ thống quản lý chất lượng quốc tế trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, cập nhật những tiêu chuẩn mới nhất nhằm đảm bảo hệ thống sản xuất ổn định, sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới những thị trường xuất khẩu lớn trên thế giới. Bà Wiwik Pudjiastuti hy vọng Hội nghị Hiệp hội công nghiệp gốm sứ Asean – CICA lần thứ 27 này sẽ hướng các nước thành viên tuân thủ các tiêu chuẩn ISO và nền công nghiệp sản xuất xanh để cùng nhau sản xuất sạch và bền vững.

Đoàn chủ tịch Hiệp hội CICA cùng bà Wiwik Pudjiastuti – Vụ trưởng phụ trách công nghiệp Hóa, Dược và Dệt May – Bộ Công Thương Indonesia

Như thường lệ, Hội nghị CICA bắt đầu với việc thông qua biên bản hội nghị lần thứ 26 tổ chức năm 2019 tại Manila, Philippines. Các thành viên đều nhất trí với các nội dung đã ghi trong biên bản.

Các nước thành viên lần lượt báo cáo về tình hình kinh tế và sự phát triển của ngành công nghiệp gốm sứ mỗi nước trong ba năm 2019, 2020 và 2021.

Mở đầu là báo cáo của Hiệp hội Asaki Indonesia. Tiếp theo là các phần báo cáo của Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Điểm chung của các nước chính là sự ảnh hưởng của hàng nhập khẩu Trung Quốc và Ấn Độ, chi phí nhiên liệu (khí đốt tự nhiên, LPG, điện), chi phí nhân công, mức lương tối thiểu tăng cao, … Những vấn đề này đều gây sức ép cho sản xuất, chi phí đầu vào ngày càng tăng trong khi giá bán sản phẩm không cao, cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu ngày càng khốc liệt, nhiều doanh nghiệp sản xuất gặp khó. Hiện nay mặt hàng gốm sứ của Trung Quốc – đặc biệt là gạch ốp lát – đang bị nhiều nước trên thế giới áp thuế chống bán phá giá với mức áp khá cao, do đó các công ty sản xuất của Trung Quốc đã, đang và sẽ tìm cách chuyển sản xuất sang các nước khác, trong đó gần và dễ dàng hơn cả là các nước Asean để lợi dụng C/O xuất hàng sang các thị trường xuất khẩu trên thế giới. Do đó, các nước thành viên CICA ít nhiều chịu ảnh hưởng từ xu hướng này.

Bên cạnh đó là hàng nhập khẩu ồ ạt từ Ấn Độ với giá bán rất rẻ so với hàng nội địa của các nước CICA. Vấn đề đặt ra là sẽ phải có giải pháp để kiểm soát và hạn chế lượng nhập khẩu này.

Trong phần thảo luận về các vấn đề phát sinh hiện nay, các nước đều cùng đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao, đặc biệt là chi phí nhiên liệu. Indonesia có lợi thế về nguồn nguyên, nhiên liệu, tuy nhiên trong thời gian vừa qua cũng đã tăng hơn so với trước đây, tuy nhiên so với các nước khác thì vẫn có lợi thế hơn về giá, đây là một yếu tố nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm nước này.

Các nước đều thấy được làn sóng nhập khẩu gạch ốp lát của Trung Quốc và Ấn Độ, lo ngại về các rào cản thuế quan trong thời gian tới giảm theo lộ trình sẽ càng tạo thuận lợi cho hàng nhập khẩu từ Ấn Đô tràn vào, ảnh hưởng lớn tới sản xuất trong nước. Indonesia đã thành công trong việc thiết lập và đưa vào hiệu lực thuế tự vệ đối với các sản phẩm gốm sứ xây dựng của nước này, là công cụ hữu hiệu giúp nước này kiểm soát tốt lượng hàng nhập khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất của Indonesia giữ vững thị trường và có thêm tính cạnh tranh so với hàng nhập khẩu. Philippines cũng từng bước xây dựng và thiết lập thuế tự vệ, dự kiến hiệu lực trong năm nay.

Về vấn đề chống bán phá giá đối với hàng Trung Quốc và Ấn Độ, các nước đều nhất trí rằng đây là một việc rất khó khăn và phức tạp, không chỉ về thời gian và chi phí mà còn có nhiều yếu tố tác động, nên sẽ rất khó để khởi xướng và điều tra. Do đó, các nước đề xuất thành lập một nhóm làm việc trực tuyến (mở nhóm Whatsapp với sự tham dự của đại diện các thành viên CICA) để trao đổi thông tin về tình hình ngành, tăng cường hợp tác hơn nữa trong các vấn đề cụ thể, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về thuế tự vệ, các thông tin liên quan đến chống bán phá giá của mỗi nước, … nhằm hỗ trợ tích cực hơn cho sự phát triển của ngành công nghiệp gốm sứ mỗi nước.

Bên cạnh đó, các nước cũng chia sẻ về vấn đề đào tạo nhân sự cho ngành gốm sứ ở mỗi nước, các chứng chỉ, giấy phép đối với mặt hàng gốm sứ, vấn đề nhiên liệu, năng lượng như than, khí gas tự nhiên, LPG, …

Nội dung tiếp theo, Hội nghị bàn về thời gian và địa điểm họp lần tới tại Việt Nam. Hội nghị thống nhất sẽ họp vào tháng 11/2023 tại Hà Nội – thời điểm diễn ra đồng thời Hội chợ triển lãm Asean Ceramics 2023 do Hiệp hội GSXD Việt Nam sẽ phối hợp với tập đoàn Messe Munchen, Công ty tổ chức Triển lãm Á Châu (AES), đồng tổ chức. Các nước thành viên CICA cũng sẽ tới tham quan hội chợ triển lãm, ủng hộ hoạt động của VIBCA.

Song song với Hội nghị CICA lần thứ 27, năm 2022 Hiệp hội công nghiệp gốm sứ Indonesia cũng là nước chủ nhà đăng cai tổ chức Diễn đàn gạch ốp lát thế giới (World Ceramic Tile Forum) và Hội nghị Tiêu chuẩn ISO TC189 từ ngày 10 – 14/12/2023 với nhiều hoạt động đi kèm. Các thành viên CICA cũng đã có buổi tiệc tối giao lưu cùng với đại diện các nước, các tập đoàn sản xuất gốm sứ lớn trên thế giới cùng góp mặt tham dự sự kiện lần này.

Hội nghị kết thúc với phần tổng kết chương trình của Hiệp hội gốm sứ Indonesia Asaki và lời cảm ơn từ các thành viên CICA về sự đón tiếp tổ chức chu đáo của nước chủ nhà.

Toàn cảnh hội nghị CICA lần thứ 27 tại Bali, Indonesia

Các bài viết khác