VIBCA họp các DN về việc Đài Loan TQ khởi xướng kiện chống bán phá giá

1/25/2021 11:47:35 AM

Cuối tháng 10/2020, Hiệp hội GSXD Việt Nam nhận được thông báo từ Bộ Công Thương Việt Nam về việc Bộ Tài chính Đài Loan thông báo chính thức tiến hành khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm gạch ốp lát của Ấn Độ (34 công ty), Việt Nam (10 công ty), Malaysia (4 công ty) và Indonesia (9 công ty).

Nhận thức được tầm quan trọng của vụ việc lần này, ngay trong chiều 9/11/2020, Hiệp hội đã tổ chức cuộc họp với sự tham dự của đại diện Vụ thị trường châu Á – châu Phi, Cục phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương, Trung tâm WTO – VCCI, Hiệp hội GSXD Việt Nam, hơn 10 doanh nghiệp có doanh số xuất khẩu lớn sang thị trường Đài Loan (Taicera, Viglacera, Mikado, Prime Group, Tasa, Hoàn Mỹ, Hoàng Gia, Á Mỹ, Thạch Bàn, Trúc Thôn, …) và Công ty tư vấn Luật WTL để cùng bàn luận, phối hợp đối phó sự việc này.

Hiệp hội và Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương đã chia sẻ với các doanh nghiệp tình hình vụ việc, cụ thể trình tự vụ khởi xướng như sau: Ngày 17/01/2020, Hiệp hội Gốm sứ Đài Loan cùng 3 công ty VLXD Đài Loan đệ đơn khởi xướng kiện chống bán phá giá đối với gạch ốp lát của Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Malaysia lên Bộ Tài chính Đài Loan. Ngày 28/10/2020 sự viện chuyển sang Bộ Kinh tế - Ủy ban thương mại Quốc tế Đài Loan giải quyết, cơ quan này đã phát thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng gạch ốp lát của 4 nước nêu trên vào thị trường Đài Loan và yêu cầu trong thời gian ban đầu (20 ngày kể từ ngày phát thông báo), các công ty sản xuất trong diện các quốc gia thuộc phạm vi điều tra sẽ gửi thông tin trình diện sơ bộ về cơ quan của Đài Loan và sẽ phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan của Đài Loan trong quá trình điều tra để đảm bảo quyền lợi tối ưu nhất cho doanh nghiệp của mình trong trường hợp Đài Loan kết thúc điều tra và áp thuế chống bán phá giá thành công đối với gạch men nhập khẩu.

Tiếp đó, bà Nguyễn Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO – VCCI có bài thuyết trình nêu rõ quy trình thực hiện các bước điều tra, giúp doanh nghiệp có sự nhận thức đúng về bán phá giá, đối tượng, điều kiện cần và đủ để có thể áp thuế chống bán phá giá lên mặt hàng nhập khẩu, từ đó đưa ra khuyến nghị đối với các doanh nghiệp khi đối phó với vụ khởi kiện điều tra này một cách hiệu quả nhất.

Ông Chu Thắng Trung – Phó cục trưởng Cục phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương cũng phân tích về việc doanh nghiệp sản xuất gạch ốp lát lớn của Việt Nam nên cân nhắc và tham gia điều tra và cũng lưu ý các doanh nghiệp rằng đối với lĩnh vực gạch men thì đây là vụ kiện đầu tiên nhưng với xu hướng hội nhập và mở rộng thương mại quốc tế như những năm vừa qua thì chắc chắn trong tương lai sẽ còn nhiều vụ kiện tương tự, do đó các doanh nghiệp cần trang bị kiến thức cũng như tâm thế chuẩn bị kỹ lưỡng để sẵn sàng đối phó với các vụ kiện thương mại tương tự.

Ông Chu Thắng Trung – Phó cục trưởng Cục phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương

Đối với vụ kiện của Đài Loan lần này, ngay sau khi nhận được thông báo từ phía Đài Loan, Cục Phòng vệ thương mại đã có buổi làm việc với cơ quan đồng cấp phía Đài Loan để đàm phán về mối quan hệ thương mại song phương giữa hai nước đồng thời phân tích về mặt hàng gạch ốp lát – thực tế tại Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp Đài Loan đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam và xuất trở lại Đài Loan – trong trường hợp Đài Loan điều tra áp thuế cũng sẽ gây thiệt hại lớn cho chính các doanh nghiệp này, …. Do đó, trước mắt Bộ Công Thương sẽ có văn bản đề nghị phía Đài Loan không điều tra áp thuế chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp của Việt Nam.  

Đại diện các doanh nghiệp tham dự họp cũng đưa ra một số câu hỏi thắc mắc và được đại diện Trung tâm WTO, đại diện Cục Phòng vệ thương mại giải thích cụ thể, trong đó chủ yếu xoay quanh việc phối hợp điều tra với cơ quan Đài Loan thông qua bảng điều tra sơ bộ và bảng điều tra chi tiết, việc tham vấn luật sư chuyên về các vụ điều tra chống bán phá giá, …

Như vậy, đối với sự việc lần này, theo thông tin từ Bộ Công Thương và các đối tác của doanh nghiệp tại Đài Loan, phía Đài Loan đã có sự chuẩn bị kỹ càng từ lâu cho vụ khởi kiện, bên cạnh đó Việt Nam có một điểm bất lợi là Đài Loan coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường (mặc dù đã hết từ năm 2018) nhưng nếu Đài Loan áp dụng điểm này vào vụ khởi kiện thì sẽ là một bất lợi lớn cho Việt Nam khi áp giá, tính phá giá, …

Như vậy, theo tư vấn từ Trung tâm WTO và Bộ Công Thương, với nhiều sự việc, vụ kiện điều tra chống bán phá giá của Việt Nam từ trước tới nay, việc cung cấp thông tin công ty và số liệu trả lời bảng câu hỏi là cực kỳ quan trọng vì trước tiên phía Đài Loan sẽ dựa vào đó để đánh giá, phân tích và đưa ra kết luận nên doanh nghiệp cần được hỗ trợ tư vấn chuyên sâu về pháp luật liên quan ngay từ đầu và có sự đồng lòng của toàn thể doanh nghiệp trong ngành mới có thể đối phó hiệu quả vụ điều tra lần này.

Hiệp hội GSXD Việt Nam và Cục Phòng vệ thương mại sẽ sát cánh hỗ trợ doanh nghiệp trong toàn bộ quá trình điều tra của Đài Loan.

Theo thông tin mới nhận được từ Bộ Công Thương: Sau thời gian đàm phán song phương giữa Bộ Công Thương và kiến nghị của Hiệp hội GSXD Việt Nam đối với Đài Loan về vụ kiện này, ngày 24/12/2020, Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc nhận được thông báo của Ủy ban Thương mại quốc tế (ITC) thuộc cơ quan quản lý kinh tế Đài Loan thông báo kết luận sơ bộ về thiệt hại, trong đó ITC cho rằng “ngành sản xuất nội địa Đài Loan đang phải gánh chịu thiệt hại đáng kể”, tuy nhiên cơ quan này kiến nghị Bộ Tài chính Đài Loan (MOF) không áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời.

Sau khi ban hành kết luận này, ITC sẽ chuyển kết luận điều tra để MOF tổng hợp. Nếu MOF kết luận rằng không có hành vi bán phá giá, vụ việc sẽ chấm dứt. Ngược lại, nếu MOF kết luận rằng tồn tại hành vi bán phá giá, hai cơ quan sẽ tiếp tục phối hợp, tiến hành giai đoạn điều tra tiếp theo, để ban hành các kết luận cuối cùng.

Do vụ việc đang bước vào giai đoạn quan trọng, Bộ Công Thương và Hiệp hội khuyến nghị các doanh nghiệp:

- Tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan có th ẩm quyền của Đài Loan (bao gồm cả việc trả lời đầy đủ và đúng hạn bản câu hỏi điều tra và các bản câu hỏi bổ sung – nếu có);

- Giữ mối liên hệ chặt chẽ với các đối tác nhập khẩu tại Đài Loan để kịp thời cập nhật các kết luận điều tra trong vụ việc;

- Thường xuyên trao đổi, cập nhật thông tin với Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương và Hiệp hội (trong nhóm Group đã lập trước) để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Các bài viết khác