Philippines thực thi quy chuẩn kỹ thuật mới yêu cầu chứng nhận bắt buộc đối với gạch men

6/14/2021 10:31:06 AM

Ngày 12/04/2021, Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam nhận được công văn số 188/XNK-CN của Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương về việc Philippines thực thi Chỉ thị ban hành quy chuẩn kỹ thuật mới chứng nhận bắt buộc đối với gạch men.

Sau khi xem xét Chị thị 20 - 09 của Philippines, Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam đã có công văn kiến nghị với Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương và các cơ quan ban ngành có liên quan, cụ thể như sau:

1. Việc thực thi chỉ thị ban hành quy chuẩn kỹ thuật mới chứng nhận bắt buộc đối với gạch men được Philippines áp dụng đối với hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài nên có tính công bằng, không mang tính bảo hộ sản xuất trong nước, do đó các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Phillippines buộc phải tuân theo.

2. Trong Quy trình xin cấp phép chứng nhận chất lượng Philippines PS Quality Certification) có nêu rõ:

Quy tắc 8: Kiểm tra sản phẩm

8.1. Việc thử nghiệm sản phẩm phải được thực hiện bởi phòng thử nghiệm BPS (Cục Tiêu chuẩn Philippines) hoặc các phòng thứ nghiệm được BPS công nhận.

Như vậy, các công ty của Việt Nam nộp đơn xin cấp phép PS sẽ phải gửi mẫu đến các đơn vị có chức năng thử nghiệm của BPS hoặc hoặc các phòng thứ nghiệm được BPS công nhận.

Hiện nay tại Việt Nam đã có những tổ chức, đơn vị thí nghiệm/thử nghiệm được công nhận trên thế giới, trong đó đứng đầu là Viện Vật liệu xây dựng – Bộ Xây dựng, với trụ sở chính tại Hà Nội và Chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh. Hiệp hội kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng có văn bản đề nghị phía Philippines chỉ định đơn vị thử nghiệm tại Việt Nam được BPS công nhận là Viện Vật liệu xây dựng – như vậy các doanh nghiệp xuất khẩu gạch ốp lát của Việt Nam sẽ không cần phải gửi mẫu sang Philippines thử nghiệm, giảm chi phí và thời gian đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.

3. Nhiều năm qua, các nước trong Asean là Thái Lan, Malaysia và Indonesia đều yêu cầu giấy chứng nhận sản phẩm bắt buộc đối với gạch ốp lát nhập khẩu. Và giờ đây Philippines lại ban hành quy chuẩn kỹ thuật mới chứng nhận bắt buộc đối với gạch men. Trong khi đó hàng của các nước khác vào thị trường Việt Nam lại không có bất kỳ yêu cầu chứng nhận sản phẩm bắt buộc. Hiệp hội gốm sứ xây dựng Việt Nam đã rất nhiều lần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng về việc thiết lập chứng nhận cho sản phẩm gạch ốp lát được nhập khẩu vào Việt Nam.

Vì vậy, Hiệp hội GSXD Việt Nam tiếp tục kiến nghị:

Tạo sự công bằng pháp lý bằng việc thiết lập chứng nhận về sản phẩm gạch ốp lát được nhập khẩu vào Việt Nam, có chứng nhận đăng kí cho sản phẩm, nhà máy sản xuất cụ thể hoặc cho nhà nhập khẩu. Có 3 bộ tiêu chí để cấp chứng nhận bao gồm:

- Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm;

- Tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng và kiểm soát minh bạch thuế

- Tiêu chuẩn về giá bán minh bạch không vi phạm bán phá giá so với giá của nước xuất khẩu.

Thời hạn cấp được quy định cụ thể trình tự các bước và thời hạn trong vòng 3 - 6 tháng.

Chi phí cấp chứng nhận do nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu đại diện của nhà sản xuất nộp trước.

Mỗi chứng nhận có giá trị trong 3 năm, sau đó phải cấp lại. Trong thời gian hiệu lực của chứng nhận thì sau 1 năm phải có đánh giá kiểm tra đảm bảo quy trình sản xuất và tiêu chuẩn sản phẩm, giá bán áp dụng vẫn tuân thủ đúng yêu cầu của chứng nhận.

Bộ tiêu chuẩn sẽ do Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan và thể chế thành pháp luật Việt Nam.

Thủ tục để cấp chứng nhận này nhằm kiểm soát như một hàng rào kĩ thuật như sau:

- Bước 1: Gửi đơn kèm mẫu sản phẩm

Nếu đơn chưa hợp lệ hoặc mẫu sản phẩm không hợp lệ => từ chối đơn.

Nếu đơn và mẫu sản phẩm hợp lệ => Chấp nhận đơn và nộp phí kiểm định lần 1 sản phẩm.

Nếu sản phẩm không đạt yêu cầu => Từ chối đơn.

- Bước 2: Nếu sản phẩm đạt yêu cầu thì người nộp đơn được thông báo nộp hồ sơ xây dựng giá bán và hồ sơ chứng nhận quản lý chất lượng của nước xuất khẩu, đồng thời nộp phí thẩm định (bao gồm tiền dịch vụ kiểm định chất lượng, dịch vụ đánh giá hệ thống quản lý chất lượng, dịch vụ thẩm định giá bán cùng toàn bộ chi phí ăn, ở, đi lại, bảo hiểm cho việc đánh giá và kiểm định mẫu).

Tổ thẩm định liên ngành kiểm tra đầu nguồn nhập khẩu do Hiệp hội GSXD Việt Nam phụ trách gồm các đại diện: Hiệp hội GSXD Việt Nam, Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, VCCI sẽ sẽ định kỳ dến các cơ sở sản xuất ở nước ngoài theo đề nghị của chủ hàng nhập khẩu Việt Nam, hoặc chủ hàng xuất khẩu nước ngoài để kiểm tra các chỉ tiêu đã định tại hiện trường và cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam nếu đạt được các chỉ tiêu kiểm tra.

Nếu không đạt, thì đoàn đánh giá sẽ đưa ra những điểm không đạt và khuyến cáo khắc phục hẹn sau 3 tháng tiến hành đánh giá lại.

Nếu đạt chuyển bước 3:

- Bước 3: Sản phẩm đáp ứng được 3 tiêu chí trên sẽ được chấp thuận và thông báo trên website/tạp chí của Hiệp hội.

- Bước 4: Cấp giấy chứng nhận:

Sản phẩm được thông báo không có kiến nghị về chất lượng, giá bán, hệ thống quản lý của nhà thầu xây dựng hoặc nhà sản xuất Việt Nam thì sẽ được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn, đủ điều kiện nhập vào Việt Nam.

Chứng nhận sẽ gửi cho cơ quan Hải Quan, cấp cho Nhà sản xuất, Nhà nhập khẩu và đăng trên tạp chí chuyên ngành/website của Hiệp hội.

- Bước 5: Đánh giá định kì

Việc đánh giá giám sát tiến hành như đánh giá chứng nhận: Nếu không đạt thì nhà sản xuất tiếp tục được xuất với lượng hạn chế và phải khắc phục sau 3 tháng những điểm chưa đạt. Sau thời hạn trên, đoàn đánh giá tiến hành đánh giá lại nếu không đạt thì thu hồi giấy chứng nhận, nếu đạt thì tiếp tục được nhập khẩu vào Việt Nam.

- Bước 6: Kết thúc thời hạn hoặc khi tiêu chuẩn không đạt các tiêu chí đưa ra thì sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận, sản phẩm dừng nhập khẩu vào Việt Nam.

Bên cạnh đó Hải Quan và Hiệp hội GSXD Việt Nam sẽ lưu danh sách đen những sản phẩm, những nhà sản xuất, nhà nhập khẩu vi phạm để cấm có thời hạn việc nhập khẩu vào Việt Nam.

Việc kiểm tra như vậy sẽ quản lý được chất lượng sản phẩm, tạo sự công bằng trong hoạt động xuất nhập khẩu và đặc biệt là sàng lọc tạo dựng được các nhà nhập khẩu chuyên nghiệp Việt Nam để thiết thực bảo vệ ngành sản xuất gốm sứ xây dựng Việt Nam.

Các bài viết khác