Kiến nghị thiết lập chứng nhận chất lượng sản phẩm gạch ốp lát nhập khẩu vào VN

5/27/2020 4:11:31 PM

Ngày 23/05/2020 Hiệp hội có Công văn số 58/GSXD-2020 về việc kiến nghị Chính phủ cho phép thiết lập chứng nhận chất lượng sản phẩm gạch ốp lát nhập khẩu vào Việt Nam, cụ thể như sau: 

Trong 10 năm trở lại đây, ngành sản xuất gạch ốp lát Việt Nam đã phát triển rất mạnh, công suất lắp đặt tính đến thời điểm hiện nay đã đạt trên 750 triệu m2 và vẫn có một số công ty đầu tư mới, mở rộng sản xuất. Sản lượng thực tế đạt trên 550 triệu m2 với doanh số hàng năm quy đổi đạt trên 2 tỷ USD, là nước sản xuất gạch ốp lát lớn thứ 4 thế giới. Thị trường trong nước đang tiến tới bão hòa, các doanh nghiệp đều hướng tới các thị trường xuất khẩu trong khu vực Asean và thế giới.

Hiện nay, sản phẩm gạch ốp lát Việt Nam xuất sang các nước trong khối Asean như Thái Lan, Malaysia và Indonesia đều phải xin giấy phép con chứng nhận chất lượng (Certificate) của từng nước. Trong khi đó hàng của các nước vào thị trường Việt Nam lại không cần chứng nhận nào.

Ấn Độ là nước sản xuất và tiêu thụ gạch ốp lát lớn thứ hai thế giới. Làn sóng nhập khẩu gạch ốp lát từ Ấn Độ vào thị trường Việt Nam đặc biệt sôi động. Theo số liệu xuất nhập khẩu Hải quan, trong năm 2019 Ấn Độ là nước xuất khẩu gạch ốp lát vào Việt Nam đứng thứ 2 chỉ sau Trung Quốc. Các doanh nghiệp của Ấn Độ sang tận nơi, đến từng đại lý, cửa hàng để mời chào và tìm kiếm khách hàng trong khi chất lượng sản phẩm không đồng đều, thậm chí nhiều sản phẩm trung và thấp cấp rất khó kiểm soát, ảnh hưởng tới thị trường chung cũng như quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam.

Trung Quốc là nước sản xuất gốm sứ xây dựng lớn nhất thế giới: Hiện tại hàng năm Trung Quốc sản xuất trên 10 tỷ m2 gạch ốp lát, chiếm gần 80% sản lượng toàn thế giới. Cung của Trung Quốc đã vượt xa nhu cầu sử dụng nội địa.

Liền kề biên giới nên Trung Quốc đã tìm đủ mọi cách đẩy hàng sang Việt Nam. Lượng nhập khẩu duới dạng trốn thuế và gian lận thương mại không kiểm soát đuợc là rất lớn. Nhiều năm qua gạch ốp lát Trung Quốc đã chiếm tới 20 - 25% trên thị trường Việt Nam với giá rất rẻ. Nhiều nước trên thế giới đang áp thuế chống bán phá giá đối với hàng gốm sứ xây dựng Trung Quốc.

Giờ đây nếu không có chính sách quản lý của Chính phủ thì ngành GSXD Việt Nam sẽ vô cùng khó khăn trong việc kiểm soát hàng nhập khẩu, mở rộng xuất khẩu, thậm chí bị đe dọa về sự tồn tại và phát triển.

Vì vậy, Hiệp hội GSXD Việt Nam kính đề nghị Chính phủ:

Tạo sự công bằng pháp lý bằng việc thiết lập chứng nhận về chất lượng sản phẩm gạch ốp lát được nhập khẩu vào Việt Nam với 3 bộ tiêu chí gồm:

  • Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm;
  • Tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng;
  • Tiêu chuẩn về giá bán minh bạch không vi phạm bán phá giá so với giá của nước xuất khẩu.

Trình tự cấp chứng nhận được quy định cụ thể theo các bước thủ tục dưới đây (chi phí cấp chứng nhận do nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu đại diện của nhà sản xuất nộp trước). Mỗi chứng nhận có giá trị trong 4 năm và mỗi năm đều định kỳ đánh giá lại.

Bộ tiêu chuẩn sẽ do Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan và thể chế thành pháp luật Việt Nam.

Thủ tục cho nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu để cấp chứng nhận này như sau:

- Bước 1: Gửi đơn kèm mẫu sản phẩm           .

- Bước 2: Bên nộp đơn được thông báo nộp hồ sơ xin chứng nhận quản lý chất lượng của Việt Nam, đồng thời nộp phí thẩm định.

Tổ thẩm định liên ngành kiểm tra đầu nguồn nhập khẩu do Hiệp hội GSXD Việt Nam phụ trách gồm các đại diện: Hiệp hội GSXD Việt Nam, Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, VCCI sẽ định kỳ đến các cơ sở sản xuất ở nước ngoài theo đề nghị của chủ hàng nhập khẩu Việt Nam, hoặc chủ hàng xuất khẩu nước ngoài để kiểm tra các chỉ tiêu đã định tại hiện trường.

- Bước 3: Sản phẩm đáp ứng được 3 tiêu chí trên sẽ được chấp thuận và thông báo trên website/tạp chí của Hiệp hội.

- Bước 4: Cấp giấy chứng nhận:

Chứng nhận sẽ được cấp cho Nhà sản xuất, Nhà nhập khẩu và đăng trên tạp chí chuyên ngành/website của Hiệp hội và gửi cho cơ quan Hải Quan.

- Bước 5: Đánh giá định kì (sau 1 năm)

- Bước 6: Kết thúc thời hạn hoặc khi tiêu chuẩn không đạt các tiêu chí đưa ra thì sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận, sản phẩm dừng nhập khẩu vào Việt Nam.

Bên cạnh đó Hải Quan và HHGSXDVN sẽ lưu danh sách đen những sản phẩm, những nhà sản xuất, nhà nhập khẩu vi phạm để cấm có thời hạn việc nhập khẩu vào Việt Nam.

Việc kiểm tra như vậy sẽ quản lý được chất lượng sản phẩm, tạo sự công bằng trong hoạt động xuất nhập khẩu như các nước đang thực hiện với Việt Nam từ nhiều năm qua và đặc biệt là sàng lọc tạo dựng được các nhà nhập khẩu chuyên nghiệp Việt Nam để thiết thực bảo vệ ngành sản xuất gốm sứ xây dựng Việt Nam

Các bài viết khác