Hội nghị về lĩnh vực sản xuất kinh doanh gạch cotto, gạch ngói đất sét nung

1/22/2016 4:58:15 PM
Chiều ngày 20/3/2012 tại Nhà máy gạch cotto Giếng Đáy thuộc Công ty CP Viglacera Hạ Long Hiệp hội GSXD Việt Nam đã tổ chức hội nghị các công ty sản xuất kinh doanh gạch cotto, gạch ngói đất sét nung tiêu biểu liên vùng bao gồm khu vực Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang Hà Nội, Vĩnh Phúc, … với chủ để “Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng đất sét nung”. Tham dự hội nghị có lãnh đạo của 32 đơn vị sản xuất gạch cotto, gạch ngói đất sét nung tiêu biểu thuộc liên vùng...
 

Mở đầu hội nghị, Hiệp hội GSXD Việt Nam đã báo cáo tóm tắt tình hình sản xuất, tiêu thụ và giá cả trên thị trường của các sản phẩm gạch cotto, gạch ngói đất sét nung. Hiện nay tình hình sản xuất đang gặp rất nhiều khó khăn do thị trường tiền tệ bị thắt chặt, thị trường bất động sản đang sụt giảm nghiêm trọng. Điều này có ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng nói chung và vật liệu xây dựng đất sét nung nói riêng.

Bên cạnh đó, hiện nay công suất của các nhà máy sản xuất gạch ốp lát dòng cotto và gạch chẻ đã đạt tới trên 50 triệu m2/năm. Về ngói năng lực sản xuất ngói cả nước đã tăng đáng kể, năm 2011 sản lượng đã đạt trên 60 triệu m2 và hiện vẫn còn nhiều công ty đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất. Về gạch xây thì công suất hàng năm đạt 24 tỷ viên gạch xây quy tiêu chuẩn. Như vậy với tình hình khó khăn hiện nay, chúng ta đều thấy cung vượt cầu khoảng 25 – 30%.

Trước tình hình đó, một số công ty sản xuất vật liệu xây dựng đất sét nung đã có động thái hạ giá bán sản phẩm để giải quyết vấn đề tiêu thụ, chấp nhận thua lỗ nhằm thu hồi vốn nhanh. Điều này ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng tới thị trường chung, buộc các doanh nghiệp hoặc chấp nhận cùng thua lỗ để bán được hàng hoặc vẫn giữ giá nhưng sẽ chịu lượng hàng tồn kho lớn.

Trước thực trạng cung đang vượt cầu dẫn đến hiện tượng tranh bán đã xảy ra. Một số đơn vị đã hạ giá bán dưới cả chi phí gây nên nhiều khó khăn cho các đơn vị khác. Do đó Hiệp hội GSXD Việt Nam đã đưa ra các khuyến cáo và các biện pháp thực hiện lành mạnh hóa thị trường. Cụ thể:

Các khuyến cáo:

- Giảm năng lực sản xuất, điều này là sự lựa chọn tình huống vì sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chi phí sản xuất, quản lý lao động, chi phí tài chính....Nhưng mỗi đơn vị phải có cách của mình trong sự lựa chọn này để ít ảnh hưởng nhất tới hiệu quả của đơn vị mình.

- Hợp lý hóa sản xuất, cải tiến công nghệ trong điều kiện có thể. Dù là đơn vị sản xuất gạch ngói lâu năm kỳ cựu nhưng chắc chắn rằng mỗi đơn vị đều vẫn còn những bất hợp lý hoặc không đồng bộ trên dây chuyền sản xuất, cho nên trong điều kiện giảm áp lực sản xuất về lượng, các đơn vị có điều kiện cải tiến công nghệ, hợp lý hóa sản xuất để nâng cao hiệu quả nhằm bù đắp cho mọi chi phí đang tăng lên mà giá đầu ra của sản phẩm không đáp ứng chi phí.

- Trong điều kiện chi phí lao động ngày càng tăng, giữ quân số lao động càng khó nên phải tìm cách giảm thiểu lao động ở tất cả các khâu như vận chuyển (dùng xe cơ giới, xe điện), xếp dỡ (dùng xe nâng hoặc cải tiến sàn công tác) hoặc xây lò sấy (theo các mẫu lò sấy như thiết kế của Hạ Long, của Trung tâm KHCN Ceratec – Hiệp hội GSXD VN đã được xây dựng có hiệu quả ở Bá Hiến, Đông Anh, Từ Sơn hoặc mô hình lò sấy ở Đông Triều và các nơi khác). Hợp lý hóa việc sử dụng nhiên liệu (như dùng than, dùng dầu, hoặc dùng dầu khô...) cho phù hợp.

- Giảm gạch tiêu chuẩn cổ truyền, thay bằng gạch block lớn để giảm chi phí nhiên liệu, nguyên liệu và lao động cũng như có điều kiện để cơ giới hóa tự động hóa sản xuất.

- Giá bán hợp lý để có lãi, trước hết là không bị lỗ. Hưởng ứng chung về mức giá thị trường cho từng khu vực và từng loại sản phẩm với ứng xử “quân tử, có văn hóa” của những người đứng đầu doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, vừa đảm bảo lợi ích cho nhà sản xuất cả ở điều kiện hiện tại và lâu dài. Kiên quyết không bán giá thấp hơn chi phí sản xuất hay còn gọi là bán phá giá làm thiệt hại chung.

Quy định giá sàn một số sản phẩm chủ yếu theo khu vực. Khuyến khích việc tiêu thụ trên giá sàn để có lãi nhằm phát triển bền vững của từng đơn vị và toàn ngành

Giá sàn thu về gạch cotto 300x300, 400x400, 500x500:

- Giá tối thiểu của Cty Gốm xây dựng Hạ Long được coi là giá sàn, Cty Gốm Đất Việt bán thấp hơn không quá 12%%, Cty Ngôi sao Bắc Giang bán thấp hơn không quá 20% khi sản phẩm đưa ra thị trường vào cuối năm nay. Gạch chẻ đất sét nung của các công ty khác giá bán cũng không thấp hơn 40 – 50% so với gạch cotto Hạ Long.

- Giá ngói thu về: Giá ngói bán ra của Cty Gốm xây dựng Hạ Long cũng được coi là giá sàn. Giá ngói của Prime bán thấp hơn không quá 15%, Cty Gốm Đất Việt thấp hơn không quá 18%, của các đơn vị khác nếu đốt dầu thấp hơn không quá 25%, đốt than thì thấp hơn không quá 35 – 45%.

- Gạch xây quy tiêu chuẩn: Tính theo giá bình quân thu về của loại A1/A2 thu về không thấp hơn theo các khu vực: Quảng Ninh 800/650; tuyến cụm Đông Triều 850/670; Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc 900/720; Hà Nội 1.000/850.

Biện pháp thực hiện

- Cty Gốm xây dựng Hạ Long thông báo giá gạch cotto và giá ngói đến Hiệp hội GSXD Việt Nam để Hiệp hội thông báo cho các đơn vị nắm được và vận dụng theo tinh thần nêu trên

- Các đơn vị theo dõi nhau thực hiện giá gạch xây và ngói  theo quy định ở mục trên, đồng thời phản ánh kịp thời về HH việc vi phạm các quy định của hội nghị để HH nhắc nhở thông báo chung.

- Hàng tháng mỗi đơn vị tham dự hội nghị này có thông b áo về Hiệp hội việc thực hiện tinh thần các quy định của hội nghị. Hiệp hội sẽ thông báo đến các đơn vị để cùng theo dõi đôn đốc và nhắc nhở nhau vì sự hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành vật liệu xây dựng đất sét nung.

Hội nghị đã bàn bạc sôi nổi và nhất trí đồng loạt triển khai ở 32 doanh nghiệpn tham gia họp đồng thời thành lập các cụm khu vực để triển khai ở hàng chục doanh nghiệp khác theo khu vực.

Các bài viết khác