Hoạt động hiệp hội
Hiệp hội tổ chức hội nghị doanh nghiệp tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn
Ngày 13/05/2022, Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam đã triệu tập Hội nghị các công ty sản xuất gốm sứ xây dựng họp bàn về tình hình sản xuất kinh doanh, những khó khăn của ngành và bàn giải pháp tháo gỡ.
Tham dự Hội nghị có sự góp mặt của đại diện lãnh đạo các công ty Gạch men Tasa, Thạch Bàn Group, Vitto Group, Prime Group, Vicenza, Catalan, RedstarCera, Viglacera Thăng Long, TTC, Granite Nam Định, Công ty KD gạch ốp lát Viglacera, Công ty Royal Việt Nam, Công ty NPG Hưng Yên, Mikado, Viglacera Tiên Sơn, CTH Thanh Hà, Gạch men Hoàng Gia, Toko Việt Nam – Nice Ceramic, Vĩnh Thắng, Á Mỹ, Thắng Cường, CMC, Việt Anh, Viglacera Hà Nội, Taicera, Việt Ý, Tổng công ty Viglacera, Group VLXD Miền Nam, Nhà máy Viglacera Thái Bình, Sứ Ceravi, Sứ Viglacera Thanh Trì, Men sứ Long Hầu, Sứ Viglacera Việt Trì, Công ty thương mại Viglacera, Công ty Gốm Đất Việt, Công ty Hoàng Tiến – Gốm Mỹ, … cùng một số công ty nguyên liệu, men màu.
Mở đầu Hội nghị, ông Đinh Quang Huy – Chủ tịch Hiệp hội phát biểu chào mừng đại diện các công ty có mặt tại buổi họp này. Tiếp theo, ông Nguyễn Minh Tuấn – phó chủ tịch Hiệp hội đọc báo cáo tình hình ngành gốm sứ xây dựng Việt Nam trong thời gian vừa qua, sản xuất, tiêu thụ, thị trường xuất nhập khẩu, tồn kho, vấn đề thiếu hụt lao động, những khó khăn vướng mắc doanh nghiệp đang đối mặt trong năm 2022 và thời gian tới (xem chi tiết trong bài “Khó khăn của ngành GSXD Việt Nam năm 2022” – trang 37).
Năm 2021 dịch bệnh kéo dài, cả nước phòng chống dịch, giãn cách xã hội, nhiều nơi ngừng sản xuất một phần hoặc toàn bộ, dẫn đến nhiều tháng sản xuất phải ngừng hoạt động, thị trường bị tê liệt. Dù sản lượng gốm sứ xây dựng nói chung chỉ đạt khoảng 50 - 55% so với công suất thiết kế nhưng lượng hàng tồn kho vẫn không hề nhỏ, gạch ốp lát tồn khoảng 70 - 80 triệu m2, các sản phẩm khác cũng tồn kho khoảng 15 – 20%. Đây là áp lực của thị trường gốm sứ xây dựng trong năm 2022, bởi không tiêu thụ được lượng tồn kho này sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của năm và sản phẩm càng để lâu thì càng tụt giá.
Năm 2022, dịch Covid - 19 đã được kiểm soát, nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng lên nhưng nguyên, nhiên, vật liệu như xăng dầu, than và giá cước vận chuyển cũng tăng. Từ đầu năm đến nay, giá xăng, dầu, than liên tục được điều chỉnh tăng, nguyên liệu đầu vào của gốm sứ xây dựng cũng tăng đột biến, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao, tạo áp lực cho lạm phát.
Ngành gốm sứ xây dựng còn lo lắng khi nguồn cung về thị trường nhà ở thương mại quý I năm nay được cấp mới 39 dự án, chỉ bằng 49% so với cùng kỳ năm 2021; số lượng các dự án được cấp phép chỉ bằng 41% so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, Nghị quyết 11 của Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại ưu tiên tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và kiểm soát chặt tín dụng vào đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT, trái phiếu doanh nghiệp... Ngành gốm sứ xây dựng gắn liền với thị trường bất động sản, do đó bị ảnh hưởng là tất yếu.
Ông Đinh Quang Huy – Chủ tịch Hiệp hội GSXD Việt Nam
Ông Đinh Quang Huy nhấn mạnh một lần nữa những khó khăn đang tồn tại và đưa ra giải pháp là cân đối sản xuất – tiêu thụ và tồn kho để giảm bớt tình trạng hiện nay cung đang vượt cầu nhiều và giải pháp thứ hai là tăng giá bán hàng để đối phó với tình trạng tăng chi phí đầu vào, đặc biệt là giá than và giá nguyên liệu, cùng các doanh nghiệp thảo luận và đưa ra giải pháp thống nhất.
Đa số đại diện các doanh nghiệp đều đánh giá cao hoạt động của Hiệp hội cũng như những định hướng đưa ra trong thời điểm khó khăn hiện nay.
Đại diện Prime Group – ông Narongsak – Giám đốc Thương mại XNK –đồng tình với báo cáo của Hiệp hội về tình hình khó khăn chung, đồng thời chia sẻ thông tin Prime đã có chương trình tăng giá, và tiếp theo sau buổi họp cũng sẽ họp bàn để đưa ra lộ trình tăng giá phù hợp.
Ông Kua Yin Fong – Giám đốc thị trường Công ty Taicera cũng cho biết trong tháng 3 công ty cũng thực hiện tăng giá một đợt. Sản phẩm của Taicera chủ yếu xuất về thị trường Đài Loan.
Bà Phạm Thị Tùng Điệp – Tổng giám đốc Công ty sứ Ceravi chia sẻ khó khăn doanh nghiệp đang đối mặt như giá nhiên liệu than tăng, vấn đề lao động thiếu do đặc thù ngành gốm sứ nặng nhọc khó thu hút, thiếu nguồn cung đất sét cũng như chi phí nguyên liệu tăng cao, … Công ty đã tăng giá lần 3 để cân bằng chi phí nhưng tiêu thụ kém, tồn kho tới 3 tháng sản xuất trong khi đó xuất khẩu gặp khó do giá bán thấp, bên cạnh đó còn có sự tranh bán giữa các nhà sản xuất trong nước dẫn đến bị ép giá xuất khẩu thấp hơn, … Cũng cần có biện pháp tháo gỡ cho các doanh nghiệp sứ vệ sinh.
Ông Narongsak – Tập đoàn Prime
Ông Kua Yin Fong – Công ty Taicera
Đại diện các công ty Vĩnh Thắng, Royal Việt Nam, Vitto Hoàn Mỹ, Việt Ý, Việt Anh, RedstarCera, Granite Nam Định cũng đều đồng tình về những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải, đó là giá than đã tăng gấp đôi so với thời kỳ đầu năm và dự báo sẽ tiếp tục tăng, thị trường gạch ốp lát cung vượt cầu buộc các nhà sản xuất phải cạnh tranh nhau về giá, nhiều doanh nghiệp không mạnh vốn lưu thông phải tìm cách giảm giá đẩy hàng để giải quyết bài toán tài chính và hàng tồn kho. Nếu cứ chọn giảm giá để tiêu thụ thì các doanh nghiệp ngày càng thua lỗ, vì vậy phải đồng loạt đẩy giá bán tăng lên. Các doanh nghiệp đều nhất trí phương án tăng giá và đề xuất biên độ dao động tăng giá từ 10 – 12% tùy theo chủng loại sản phẩm và có sự đồng loạt tăng để tạo mặt bằng giá mới trên thị trường.
Ông Quách Hữu Thuận – Phó tổng giám đốc Viglacera, Tổng giám đốc Viglacera Tiên Sơn cho rằng xu thế sắp tới giá chi phí đầu vào sẽ tiếp tục tăng hơn nữa trong khi giá bán trong nước không cao, giá xuất khẩu của Việt Nam quá thấp. Ông Thuận đề xuất đồng thuận tăng giá bán trong nước ở mức 10 – 15%, trong đó gạch ceramic tăng 15%, gạch granite tăng 10%, xuất khẩu tăng ít nhất 15% và lấy mốc tăng từ đầu năm để tính tổng các đợt tăng giá đạt mức đề xuất, vì hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp đã thực hiện một hoặc vài đợt tăng giá từ cuối năm 2021 đến nay, do đó các doanh nghiệp có thể chủ động điều chỉnh mức tăng phù hợp theo tinh thần chung của Hội nghị.
Ông Nguyễn Quang Mâu – Chủ tịch HĐQT công ty CP Gốm Đất Việt cũng chia sẻ những vấn đề khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh Covid – 19 và đánh giá cao những hoạt động của Hiệp hội trong việc hỗ trợ doanh nghiệp kiến nghị chính sách với Chính phủ và các cơ quan ban ngành cũng như những định hướng của Hiệp hội trong các giai đoạn phát triển ngành gốm sứ xây dựng. Ông Mâu đề nghị cần có văn bản đóng dấu Hiệp hội về việc các doanh nghiệp đồng thuận cam kết tăng giá, từ đó doanh nghiệp có cơ sở gửi đến các nhà phân phối nhằm tạo hiệu ứng tăng giá chung, đồng thời cũng giúp doanh nghiệp có được sự hợp tác từ các nhà phân phối. Ý kiến này cũng được bà Điệp sứ Ceravi đề xuất. Về mức tăng giá, ông Mâu kiến nghị tùy theo tình hình tài chính của công ty, có thể cân nhắc tăng từ 7 – 12%.
Ông Nguyễn Anh Vũ – Công ty Royal Việt Nam
Bà Phạm Thị Tùng Điệp – Công ty Ceravi
Sau khi lắng nghe các ý kiến thảo luận và đề xuất của các doanh nghiệp, Ông Đinh Quang Huy tổng hợp và chốt lại một số vấn đề sau:
- Về vấn đề tăng giá, Hội nghị thống nhất tăng như sau:
+ Gạch ceramic: tăng ít nhất 15% tính từ ngày 01/01/2022;
+ Gạch granite: tăng ít nhất 10% tính từ ngày 01/01/2022;
+ Sứ vệ sinh: tăng ít nhất 10% tính từ ngày 01/01/2022;
+ Các loại sản phẩm khác: tăng ít nhất 5% so với giá hiện tại.
+ Các loại sản phẩm xuất khẩu: tăng ít nhất 10% so với giá hiện tại.
Thời gian áp dụng: tính từ ngày 20/05/2022.
- Về xuất khẩu: Đẩy mạnh xuất khẩu năm 2022, xuất khẩu gạch ốp lát tăng tối thiểu 15%, đạt 230 triệu USD, sứ vệ sinh tăng 20%, đạt 250 triệu USD để xuất khẩu toàn ngành đạt trên 650 triệu USD. Cần có sự liên kết để hợp tác tránh tình trạng tranh bán làm giảm mặt bằng giá gây thiệt hại chung, ảnh hưởng tới thương hiệu và xuất xứ Việt Nam
- Về sản xuất: các doanh nghiệp cân nhắc để khai thác công suất thực tế không quá 65 – 70% công suất lắp đặt. Với những đơn vị tiêu thụ tốt và có hiệu quả trong sản xuất kinh doanh thì vẫn có thể đẩy mạnh sản xuất phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Các doanh nghiệp tham gia Hội nghị đã cùng ký tên vào Danh sách cam kết tăng giá và đồng thuận với Nghị quyết nêu trên. Hiệp hội tin rằng với lợi ích sát sườn và với uy tín doanh nghiệp cũng như cá nhân lãnh đạo, các doanh nghiệp ngành gốm sứ xây dựng sẽ cùng nhau thực hiện nghiêm túc, đúng trách nhiệm, góp phần đưa doanh nghiệp nói chung và ngành gốm sứ xây dựng Việt Nam nói riêng vượt qua giai đoạn khó khăn và hướng tới phát triển bền vững.
Xem chi tiết Nghị Quyết trong phần dưới.
Cuối cùng, các doanh nghiệp lắng nghe phần thuyết trình của ông Nguyễn Thế Cường – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thạch Bàn về Dự án xây dựng bảo tàng gạch ngói và vườn cây quý hiếm, kêu gọi các công ty trong ngành tài trợ sản phẩm – hiện vật (cây cảnh, sản phẩm gốm sứ, …) cho Bảo tàng. Dự án được các doanh nghiệp quan tâm và đánh giá cao.
Ông Quách Hữu Thuận – Viglacera Tiên Sơn
Ông Nguyễn Quang Mâu – Gốm Đất Việt
NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ GỐM SỨ XÂY DỰNG TOÀN QUỐC NĂM 2022
Hội nghị gốm sứ xây dựng toàn quốc đã họp tại Hà Nội chiều ngày 13/05/2022. Hội nghị đã nghe Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh GSXD năm 2021 và những khó khăn của ngành trong năm 2022. Hội nghị đã thảo luận và nhất trí cơ bản với những đánh giá, nhận định của Hiệp hội và thống nhất nghị quyết các nội dung sau đây:
1. Cuối năm 2021 và từ ngày 1 – 15/04/2022, các doanh nghiệp toàn ngành đã đồng loạt tăng giá từ 3% - 15% với tất cả các sản phẩm đang sản xuất và tiêu thụ ở các công ty theo Nghị quyết của Hiệp hội từ hội nghị trước để góp phần bù đắp thua lỗ.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, tất cả các loại giá cả nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất lại tiếp tục tăng giá, có loại tăng tới 20 – 30%, nên việc thua lỗ đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng.
Vì vậy, Hội nghị thống nhất:
- Gạch ceramic: tăng ít nhất 15% tính từ ngày 01/01/2022;
- Gạch granite: tăng ít nhất 10% tính từ ngày 01/01/2022;
- Sứ vệ sinh: tăng ít nhất 10% tính từ ngày 01/01/2022;
- Các loại sản phẩm khác: tăng ít nhất 5% so với giá hiện tại.
- Các loại sản phẩm xuất khẩu: tăng ít nhất 10% so với giá hiện tại.
Thời gian áp dụng: tính từ ngày 20/05/2022.
2. Hiện nay, trên 30% doanh nghiệp Trung Quốc đang ngừng sản xuất hoặc buộc phải di chuyển vì vấn đề môi trường, công nghệ cũng như chi phí sản xuất tăng; Nhiều doanh nghiệp châu Âu cũng giảm sản lượng hoặc ngừng sản xuất vì vấn đề năng lượng do ảnh hưởng của chiến tranh Nga – Ukraine, do đó năm 2022 tiếp tục là một năm có lợi thế về xuất khẩu nên các doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn, để xuất khẩu gạch ốp lát tăng tối thiểu 15%, đạt 230 triệu USD, sứ vệ sinh tăng 20%, đạt 250 triệu USD để xuất khẩu toàn ngành đạt trên 650 triệu USD. Cần chú trọng vào các thị trường đã được nêu và thảo luận trong hội nghị.
Các đơn vị xuất khẩu cần liên kết để hợp tác tránh tình trạng tranh bán làm giảm mặt bằng giá gây thiệt hại chung, cũng như ảnh hưởng tới thương hiệu và xuất xứ đối với gốm sứ xây dựng Việt Nam.
3. Với những khó khăn của năm 2022, các doanh nghiệp cân nhắc để khai thác công suất thực tế không quá 65 – 70% công suất lắp đặt. Tuy nhiên, tùy những đơn vị có uy tín về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tiêu thụ tốt và có hiệu quả trong sản xuất kinh doanh thì vẫn có thể đẩy mạnh sản xuất phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nghị quyết được đọc trước Hội nghị, tất cả mọi doanh nghiệp đều nhất trí thông qua.
- Tập đoàn VTHM tự hào lọt Top 10 DN vào vòng chung kết sáng kiến ESG Việt Nam 2024
- Các công ty lọt Top 10 DN đổi mới sáng tạo và kinh doanh hiệu quả năm 2024 ngành VLXD
- Hiệp hội và các doanh nghiệp tham dự triển lãm Uniceramics Expo Phật Sơn 2024
- Hiệp hội GSXD Việt Nam tổ chức Hội nghị CICA lần thứ 28 Hiệp hội công nghiệp gốm sứ Asean
- Hiệp hội thăm và làm việc với Công ty cổ phần Takao Granite
- Giao lưu doanh nghiệp gốm sứ Trung Quốc và Việt Nam
- Asean Ceramics 2023 Hội chợ triển lãm gốm sứ hàng đầu Đông Nam Á
- VIBCA tham dự triển lãm Ceramics China 2023 và Lễ Kỷ niệm 20 năm thành lập Công ty cung cấp thiết bị Modena Trung Quốc
- 8 Hội và Hiệp hội VLXD bàn tìm kiếm giải pháp tháo gỡ nghẽn tiêu thụ vật liệu xây dựng
- Hiệp hội thăm và làm việc tại triển lãm Uniceramics Expo Phật Sơn
- Hiệp hội tham dự Hội chợ quốc tế Uniceramics Expo Trung Quốc
- Hiệp hội tổ chức thành công hội thảo CN và thiết bị SX gốm sứ Henglitai
- Đoàn Hiệp hội tham dự Hội chợ triển lãm và khảo sát thị trường gốm sứ Ấn Độ
- VIBCA tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2022 và đề phương hướng hoạt động năm 2023
- VIBCA tham dự Hội nghị công nghiệp gốm sứ Đông Nam Á (CICA) lần thứ 27 tại Indonesia
- VIBCA thăm và làm việc với các DN Nam Định, Thái Bình và khu vực miền Trung
- VIBCA thăm và làm việc với các DN khu vực Hải Dương, Quảng Ninh
- VIBCA thăm và làm việc với các DN khu vực Vĩnh Phúc Phú Thọ Bắc Ninh
- Viglacera mua lại Bạch Mã, đổi tên thành Nhà máy Viglacera Mỹ Đức 2
- Catalan đánh dấu 15 năm hình thành và phát triển với BST Centurion 100
tin nổi bật
- Tập đoàn VTHM tự hào lần thứ 2 liên tiếp đón nhận Thương hiệu quốc gia cho sản phẩm gạch men Vitto
- Họp báo Triển lãm Triển lãm ASEAN Ceramics and Stone 2024
- Hiệp hội cùng các doanh nghiệp hội viên tham quan và làm việc tại Tecna và Cersaie 2024 Ý
- Viglacera kỷ niệm 50 năm thành lập
- Viglacera lọt Top 10 Thương hiệu xanh 2024
- SCG công bố kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024
- Tưng bừng khai trương Showroom Apodio tại Thanh Hóa
- Mỹ nộp đơn khởi kiện chống trợ cấp và chống bán phá giá đối với gạch ốp lát Ấn Độ