Hiệp hội thăm và làm việc với một số doanh nghiệp hội viên tại tỉnh Phú Thọ

1/22/2016 3:35:42 PM

Ngày 28/3/2012 Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam đã đi thăm và làm việc với một số doanh nghiệp hội viên tại tỉnh Phú Thọ: Công ty gốm sứ Thanh Hà, Công ty cổ phần CMC, công ty cổ phần sứ Viglacera Việt Trì.

Tại công ty gốm sứ Thanh Hà,  ông Nguyễn Đức Truyền giám đốc công ty đã giới thiệu về dự án thay đổi nhiên liệu khí hóa than bằng nhiên liệu chiết xuất từ săm lốp phế thải trong sản xuất gạch ốp lát đang được xây dựng tại nhà máy gốm sứ CTH.

Theo ông Truyền, do nhu cầu sử dụng năng lượng (than, điện) trong sản xuất gạch rất lớn nên chi phí cao, kéo theo giá thành sản phẩm cao, không có sức cạnh tranh trên thị trường, do đó công ty đã có bước đi táo bạo là sử dụng phế thải cao su (săm lốp đã qua sử dụng) để chiết xuất thành dầu công nghiệp dùng nung gạch ốp lát. Đây là quá trình nhiệt phân lốp cao su trong lò kín không có oxy, không xúc tác ở nhiệt độ thấp từ 250 – 550oC. Sản phẩm cho ra là dầu, thép (trong lốp xe) và carbon đen (có thể sử dụng thay thế than cám vì có nhiệt trị cao).
 
Lò nhiệt phân tạo dầu từ cao su phế thải

Ông Truyền cho biết, đây là một quy trình xử lý khép kín, không gây ô nhiễm môi trường, sản phẩm đầu ra được sử dụng triệt để: Dầu dùng để nung sản phẩm gạch ốp lát, thép phế liệu thu được có thể bán cho các nhà máy làm nguyên liệu sản xuất thép, carbon đen dùng thay thế than cám hoặc làm nguyên liệu sản xuất VLXD vì có tính chất bền cơ lý, còn khí gas sinh ra trong quá trình nhiệt phân có thể đưa vào hệ thống tích áp và sử dụng để sấy gạch.

Hiện nay trên thế giới và ở Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu sử dụng phế thải (cao su, nilon, nhựa phế thải) để lấy sản phẩm hữu ích theo cách thân thiện với môi trường. Theo ông Truyền thì công ty cổ phần CTH là công ty đầu tiên ứng dụng công nghệ nhiệt phân phế liệu lấy nhiên liệu sử dụng trong sản xuất gạch ốp lát thay thế than đá.

Tại công ty cổ phần CMC, ông Nguyễn Quang Huy – Tổng giám đốc công ty đã báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm vừa qua. Với các dây chuyền hiện tại có tổng công suất 5 triệu m2/năm, công ty vận hành 100% công suất, hàng tiêu thụ tốt.
Công ty đang đầu tư xây dựng nhà máy mới với quy mô 18 ha tại KCN Thụy Vân – Việt Trì với công suất 5 triệu m2 giai đoạn I và có thể mở rộng nâng công suất lên gấp 3 lần. Nhà máy mới này được đầu tư xây dựng có quy mô, hiện đại với hai máy ép lớn từ Sacmi, dây chuyền in, tráng men của châu Âu, lò nung dài 268m, khổ lò rộng gần 3m được coi là lò nung dài nhất, có công suất lớn nhất và tiết kiệm năng lượng nhất  Việt Nam hiện nay. Dự kiến nhà máy mới sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong tháng 5 năm nay.
Lãnh đạo CMC và Hiệp hội chụp tại lò nung dài 268m
Dây chuyền nung, sấy đang trong quá trình lắp ráp
Khu gia công nguyên liệu
Như vậy, trong vài tháng tới khi nhà máy mới vận hành thì CMC sẽ đạt công suất 10 triệu m2/năm, trở thành một trong những công ty sản xuất gạch ốp lát lớn của Việt Nam.
Cùng ngày, Hiệp hội cũng đi thăm công ty cổ phần sứ Viglacera Việt Trì. Trong vài năm trở lại đây, cán bộ công nhân viên công ty sứ Viglacera Việt Trì đã nỗ lực không ngừng, cải tiến quy trình sản xuất và đã đạt được những thành công nhất định.
 
Tại buổi làm việc với lãnh đạo công ty Viglacera Việt Trì
Ông Nguyễn Thế Anh – Giám đốc công ty cho biết trong năm 2011 nhà máy đạt sản lượng đạt 345.000 sản phẩm, trong đó dòng sản phẩm bệt liền khối cao cấp là 45.000 sản phẩm, doanh thu năm 2011 đạt 140 tỷ. Theo kế hoạch năm 2012 công ty sẽ tiếp tục duy trì sản lượng như năm 2011 nhưng sẽ chú trọng tới dòng sản phẩm cao cấp hơn, theo đó bệt liền khối tăng lên 55.000 sản phẩm, doanh thu dự kiến đạt 160 tỷ.
Hiện nay, để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, cải tiến chất lượng và mẫu mã sản phẩm, công ty đưa vào ứng dụng nhiều công nghệ sản xuất hiện đại như công nghệ tráng men nano và sử dụng công nghệ DFI – công nghệ tráng men nano 2 lớp của Mỹ cho các dòng sản phẩm cao cấp. Với công nghệ này, men sẽ thấm sâu vào các lỗ xốp trên xương sứ, tạo cho sản phẩm độ bền cao, luôn sáng bóng theo thời gian, không bám nước trên bề mặt sứ (hiệu ứng lá sen).
Máy tráng men nano 2 lớp công nghệ DFI của Mỹ
Dòng sản phẩm phủ men sử dụng công nghệ DFI – công nghệ tráng men nano 2 lớp của Mỹ

Mặc dù còn  nhiều khó khăn trước mặt về nguồn vốn đầu tư cho sản xuất, cán bộ công nhân viên Viglacera Việt Trì luôn đoàn kết, phấn đấu vươn lên, hàng năm đều đưa ra thị trường những mẫu sản phẩm mới cải tiến, chất lượng tốt, tiết kiệm nước được người tiêu dùng đánh giá cao.

Các bài viết khác