Hiệp hội thăm và làm việc với các doanh nghiệp khu vực Vĩnh Phúc, Phú Thọ

6/14/2021 11:30:57 AM

Hiệp hội thăm và làm việc với các doanh nghiệp khu vực Vĩnh Phúc, Phú Thọ

Cuối tháng 3 vừa qua, Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam đã có chuyến thăm và làm việc với các doanh nghiệp hội viên khu vực Vĩnh Phúc, Phú Thọ.

Tại Công ty Vitto Group, đoàn Hiệp hội đã trao đổi thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh trong ngành gốm sứ xây dựng với Ban lãnh đạo Vitto. Chia sẻ với đoàn Hiệp hội, ông Nguyễn Anh Tuấn – chủ tịch tập đoàn cho biết hiện nay công suất lắp đặt của các nhà máy thuộc tập đoàn đạt 54 triệu m2 với 18 dây chuyền, trong đó chủ yếu tập trung sản xuất các loại sản phẩm kích thước lớn, chất lượng cao, xử lý bề mặt tốt tạo giá trị gia tăng cao, đa dạng mẫu mã, kích thước đáp ứng mọi nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy năm 2020 thị trường gạch có nhiều khó khăn do đại dịch Covid -19 và đặc thù của công ty tập trung vào các dòng sản phẩm chủ lực cao cấp nên thị trường khó khăn hơn nhưng công ty vẫn đạt mức doanh thu bằng năm 2019, xuất khẩu đạt giá trị 200 tỷ. Các công ty trong tập đoàn hỗ trợ nhau rất tốt về chủng loại sản phẩm, thương hiệu tập đoàn. Hiện nay tập đoàn đi sâu vào những sản phẩm gạch mài có độ hút nước thấp, có thể tự chủ động gia công gạch mạ kim loại và những dòng sản phẩm duy nhất chỉ có ở Vitto – điều này giúp tập đoàn chủ động hơn về thị trường, tạo dấu ấn riêng và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị mặt hàng.

Bên cạnh những thế mạnh nêu trên, tập đoàn cũng có một số khó khăn vướng mắc. Theo ông Nguyễn Xuân Quang – Tổng giám đốc tập đoàn thì hiện nay vấn đề lao động là một trong những khó khăn tập đoàn đang phải đối mặt. Tại tỉnh Vĩnh Phúc đang có nhiều chương trình dự án phát triển ở khu công nghiệp, thu hút đầu tư lớn, do đó sẽ ảnh hưởng tới lao động tại các nhà máy. Đặc thù lao động trong ngành gạch ngói rất vất vả nên khó tuyển và khó giữ. Chính vì thế khi ổn định thị trường và chạy đủ công suất thì lại thiếu hụt nhân công. Do đó, tập đoàn cũng sẽ cần có những chính sách thu hút lao động, tuyển và giữ chân người lao động lâu dài cũng như có những chiến lược, tầm nhìn xa hơn về nguồn lao động.

Một vấn đề khác ông Quang nêu ra là chuyên môn hóa trong ngành sản xuất gạch ốp lát hiện nay cần được chú trọng hơn nữa để sản xuất và phát triển bền vững hơn. Hiện nay thị trường khó khăn vì nhiều công ty nhỏ lẻ đưa ra thị trường các sản phẩm chất lượng thấp giá rẻ ảnh hưởng đến sự phát triển chung cũng như tính bền vững của toàn ngành sản xuất trong nước. Cần có sự chuyên môn hóa về gia công nguyên liệu, xử lý hoàn thiện để đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt hơn.

Về vấn đề gạch nhập khẩu vào thị trường Việt Nam, theo tập đoàn thì hiện nay Việt Nam đang chiếm lĩnh phân khúc gạch kích thước 600x600, 800x800 thậm chí cả 900x900, các kích thước lớn hơn chưa sản xuất được nên lượng nhập khẩu những kích thước lớn cũng khá nhiều, chủ yếu từ Trung Quốc, Ấn Độ. Với những chính sách thuế đánh vào hàng Trung Quốc của Mỹ và các nước trên thế giới sẽ dẫn đến việc gạch Trung Quốc tìm cách xuất hàng vào Việt Nam và từ đây xuất đi nên sẽ có nguy cơ Mỹ và các nước sẽ đưa Việt Nam vào danh sách kiểm soát, điều này sẽ gây nhiều bất lợi, thậm chí ngành gạch ốp lát của Việt Nam sẽ bị điều tra, chịu các mức thuế rất cao. Tập đoàn đề xuất Hiệp hội đẩy mạnh luồng dư luận xã hội, tạo sức ép với Hải quan trong việc kiểm soát gạch Trung Quốc nhập lậu nhằm giảm thiểu nguy cơ nêu trên.

Cũng cùng quan điểm về gạch nhập khẩu từ Trung Quốc, ông Trần Tuấn Đại – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp Á Mỹ cũng cho Hiệp hội cần có những hành động mạnh hơn nữa đối với tình trạng nhập lậu hiện nay. Trên thị trường, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đang chiếm lĩnh phân khúc gạch tấm lớn vì hiện nay Việt Nam chưa làm được, còn gạch từ Ấn Độ có giá bán thấp, chất lượng không kiểm soát được do đó có thể xem xét phương án lập hàng rào kỹ thuật đối với gạch ốp lát, khởi kiện chống bán phá giá đối với gạch nhập khẩu từ Ấn Độ, … nhằm bảo vệ ngành sản xuất gạch ốp lát trong nước.

Được thành lập từ năm 2015, Á Mỹ có tốc độ phát triển nhanh và bứt phá. Hiện tại công suất của công ty đạt 17 triệu m2 và đang tiếp tục đầu tư lắp đặt hai dây chuyền mới có công suất 6 triệu m2 và sẽ xây dựng thêm nhà máy mới, dự kiến cuối năm 2021 sẽ đạt công suất 27 triệu m2, chủ yếu tập trung sản xuất dòng gạch porcelain chất lượng cao phục vụ phân khúc thị trường cao cấp và xuất khẩu sang các thị trường khó tính trên thế giới. Ngoài ra công ty còn đầu tư sản xuất dòng sản phẩm sàn gỗ composit có bề mặt vân gỗ tự nhiên, dễ dàng lắp đặt. Trong giai đoạn 2019 – 2020 cả thế giới đều chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid -19 và Việt Nam cũng không ngoại lệ khi nhiều doanh nghiệp lao đao nhưng công ty vẫn chạy hết công suất với đơn đặt hàng cho 6 tháng – có thể thấy điều này khi thời điểm đoàn Hiệp hội đến thăm và làm việc với Á Mỹ, dây chuyền sản xuất vẫn chạy đều và việc lắp đặt dây chuyền mới vẫn đang hối hả cho kịp tiến độ đưa vào sản xuất đáp ứng các đơn hàng trong và ngoài nước. Á Mỹ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu với kết quả năm 2020 đạt trên 10 triệu USD và dự kiến năm 2021 kế hoạch xuất khẩu của công ty sẽ đạt 50 triệu USD (cả gạch ốp lát và sàn gỗ composit).

Điểm dừng chân tiếp theo là Công ty Quartz Stone – Công ty sản xuất đá thạch anh nhân tạo mới được xây dựng và đi vào hoạt động đầu năm 2021. Nằm trên khu đất rộng 12 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến 1.000 tỷ công suất 4 triệu m2 chia làm 4 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu đạt công suất 800.000 m2 công nghệ thiết bị đồng bộ của Keda hướng tới dòng sản phẩm cao cấp chủ yếu phục vụ thị trường xuất khẩu (đứng đầu là thị trường Mỹ). Đây là những sản phẩm dùng trong nội thất nên độ hút nước gần như bằng 0, chịu nhiệt tới 300oC với độ dày 3cm dùng làm bàn ăn, đảo bàn ăn, lavabo, bàn phòng tắm, …. trong bệnh viện, khách sạn, nhà ở dân dụng, …

Theo ông Vũ Mạnh Âu – giám đốc công ty chia sẻ - đây là dòng sản phẩm hướng tới thị trường xuất khẩu nên đầu tư ban đầu tương đối bài bản, đảm bảo chất lượng, sản phẩm đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường trong nhà, green gas, đảm bảo không ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Vì nhà máy mới vận hành và gặp đúng thời điểm dịch bệnh Covid nên ảnh hưởng tới các hoạt động xuất khẩu sản phẩm, do đó đề nghị Hiệp hội kết nối hỗ trợ doanh nghiệp kết nối các thị trường xuất khẩu sản phẩm này.

Thăm Công ty cổ phần CMC đúng ngày Ban lãnh đạo công ty tổ chức đón tiếp đại diện lãnh đạo công ty mẹ là Công ty CP Nhựa Đồng Nai (DNP) đến làm việc. Trước đó, ngày 19/03/2021, Hội đồng quản trị CTCP Nhựa Đồng Nai (DNP) thông qua phương án mua 19 triệu cổ phiếu của công ty cổ phần CMC (mã CVT –  sàn HoSE) theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận với giá trị giao dịch không quá 1.100 tỷ đồng. Giao dịch thực hiện từ 25/3 đến 23/4/2021. Như vậy, CMC trở thành công ty thành viên  của DNP.

Việc đầu tư vào CMC là bước tiến quan trọng hiện thực hoá chiến lược của DNP trở thành nhà cung cấp số 1 Việt Nam về quy mô và sự đa dạng của bộ sản phẩm vật liệu cho khâu hoàn thiện các công trình xây dựng dân dụng và hạ tầng tại Việt Nam. Ngược lại, CMC cũng sẽ có được những tiềm lực về tài chính, về các thế mạnh của công ty mẹ để mở rộng sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường và tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới.

Để hiện thực hóa mục tiêu, trong vai trò mới, ban lãnh đạo DNP Corp sẽ tập trung xây dựng nhiều kế hoạch và tầm nhìn chiến lược mang tính dài hạn cho CMC. Với thế mạnh sẵn có về công nghệ, thời gian tới, công ty sẽ tập trung mở rộng công suất, hướng tới sản phẩm mũi nhọn như gạch granite thấm muối tan, vi tinh cao cấp phát triển tại thị trường trong nước và hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Bên cạnh đó, công nghệ thông tin cũng sẽ đưa vào áp dụng để tăng hiệu quả trong quản trị, đầu tư hoặc liên kết đầu tư các dự án cung cấp vật liệu đầu vào, giúp ổn định nguồn nguyên liệu, gia tăng biên lợi nhuận.

Trong quý 1 năm 2021, CMC dự kiến tăng sản lượng khoảng 50% so với cùng kỳ và bắt tay vào chuẩn bị nền tảng cần thiết để thực hiện tầm nhìn 5 năm, đưa công ty nhanh chóng trở thành đơn vị hàng đầu về gạch ốp lát và vật liệu xây dựng tại thị trường Việt Nam và doanh nghiệp có thương hiệu về xuất khẩu gạch ốp lát của Việt Nam.

Tại Công ty TNHH Thắng Cường, đoàn Hiệp hội làm việc với Ban lãnh đạo công ty về tình hình phát triển chung của toàn ngành cũng như kế hoạch sản xuất, kinh doanh của công ty. Ông Lê Trọng Thắng – giám đốc công ty chia sẻ hiện nay công suất nhà máy là 5 triệu m2 chuyên sản xuất các dòng sản phẩm cao cấp 600x600, 800x800 với doanh thu năm 2020 đạt 500 tỷ, lợi nhuận 25 tỷ. Với dây chuyền công nghệ hiện đại, lò nung dài 300m, chiều rộng 3,05m, máy ép Sacmi của Ý chuyên dòng gạch bán sứ xương trắng nên nguồn nguyên liệu tuyển chọn chất lượng cao từ đất sét, cao lanh, men màu, … tạo ra các sản phẩm cao cấp, mẫu mã đa dạng, độc đáo và có sự khác biệt trên thị trường. Đặc biệt hiện nay công ty đã xuất hàng sang Trung Quốc – trung tâm sản xuất gạch ốp lát của thế giới và khu vực châu Á với lượng 30.000 – 40.000 m2/tháng (qua công ty thương mại). Tuy lượng xuất chưa nhiều nhưng đó cũng là dấu hiệu tích cực cho thấy gạch ốp lát của Việt Nam nói chung và của công ty Thắng Cường nói riêng đã có thể cạnh tranh với các công ty sản xuất lớn của Trung Quốc và thế giới. Với mục tiêu tạo ra các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu và hướng tới các thị trường xuất khẩu khó tính, công ty Thắng Cường luôn chú trọng đầu tư chiều sâu công nghệ, luôn cập nhật những giải pháp kỹ thuật hiện đại, tạo ra sản phẩm chất lượng vượt trội, mẫu mã đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu của thị trường.

Với sự phát triển ổn định và bền vững, hiện nay công ty đang triển khai mở rộng sản xuất với dự án xây dựng nhà máy thứ 2 trên diện tích hơn 10ha với công suất 10 triệu m2 chia làm 2 giai đoạn – giai đoạn 1 công suất là 5 triệu m2, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành cuối năm 2021 chuyên sản xuất các dòng sản phẩm kích thước 600x600, 800x800 và các kích thước 600x1200, 800x1600, 1000x1000mm, …

Điểm dừng chân tiếp theo trong hành trình công tác là Công ty cổ phần Viglacera Việt Trì. Tiếp đoàn Hiệp hội là ông Lê Anh Tuấn – Tổng giám đốc và Ban lãnh đạo công ty. Ông Tuấn chia sẻ về tình hình sản xuất kinh doanh của công ty trong năm 2020 và kế hoạch đề ra cho năm 2021. Mặc dù năm 2020 có rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid – 19 diễn ra trên toàn thế giới và ở cả Việt Nam nhưng công ty vẫn đạt và vượt kế hoạch đặt ra. Công suất nhà máy hiện nay là 400.000 sản phẩm nhưng luôn chạy vượt công suất. Doanh thu cả năm đạt 244 tỷ với mức lợi nhuận đạt 26,8 tỷ - cao hơn so với kế hoạch đề ra 25 tỷ. Năm 2021, dù dự báo sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn do ảnh hưởng mọi mặt từ dịch bệnh Covid nhưng Ban lãnh đạo công ty vẫn hết sức tin tưởng vào triển vọng sản xuất kinh doanh của đơn vị, đặt mục tiêu lợi nhuận dự kiến đạt 27 tỷ và thúc đẩy xuất khẩu mạnh hơn nữa. Công ty có các đối tác xuất khẩu lâu dài như khách hàng tại Úc đã gắn bó từ năm 2015 đến nay và lượng hàng xuất đều tăng lên mỗi năm.

Hiện nay, với sự phát triển của thị trường, công ty không chạy số lượng mà tập trung sản xuất các dòng sản phẩm chủ lực, có giá trị cao và hiệu quả tốt, đầu tư chiều sâu vào phẩm cấp, chất lượng từng sản phẩm để đưa giá trị thương hiệu tốt hơn. Chiến lược này được thể hiện rõ trong những kế hoạch đầu tư cải tiến máy móc thiết bị như rô bốt phun men, vận chuyển khuôn, lò, lên xuống bằng rô bốt gắp, giảm thiểu vận hành thủ công, tự động hóa các quy trình sản xuất. Đặc biệt trong thời gian tới công ty sẽ sử dụng mẫu khuôn CNC – giải pháp này giúp giảm nhân công, dễ tạo mẫu theo đơn hàng và sản xuất nhanh hơn, chất lượng tốt hơn.

Bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu, Ban lãnh đạo công ty còn đặc biệt quan tâm đến đời sống cán bộ công nhân viên. Công ty có những chính sách, quy chế khen thưởng kịp thời, hợp lý động viên khích lệ tinh thần người lao động, giúp họ gắn bó và tạo được niềm tin cho toàn thể cán bộ công nhân viên, thúc đẩy tinh thần hăng say sản xuất, cống hiến cho sự phát triển của công ty.

Điểm đến cuối cùng là Công ty CP Gốm sứ CTH. Ông Nguyễn Đức Truyền – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty báo cáo với đoàn Hiệp hội về tình hình sản xuất kinh doanh của công ty trong năm vừa qua và kế hoạch hoạt động năm 2021.

Năm 2020, công ty đạt sản lượng 4,2 triệu m2 chủ yếu là những dòng sản phẩm cao cấp, đa dạng mẫu mã và được xử lý bề mặt theo xu hướng công nghiệp hiện đại với 100% màu bóng bề mặt, ứng dụng men mờ tinh thể cao cấp, sử dụng men bóng vi tinh trên tất cả các sản phẩm mài bóng, siêu bóng, bán mờ, mờ và siêu mờ. Từ tháng 7/2020 công ty đã chuyển sang sản xuất 100% gạch porcelain với xương cao cấp. Tất cả các sản phẩm đều đạt chúng chỉ CE được thẩm định bởi Bureau Veritas và được chứng nhận bởi TUV, đạt tiêu chuẩn quản lý chất lượng sản phẩm theo ISO 9001:2015 và ISO 13006:2018. Hiện công ty còn ký kết hợp tác với các chuyên gia nước ngoài để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm và hiệu ứng thẩm mỹ bề mặt gạch.

Hiện nay công ty hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu với những đối tác tại thị trường Úc, Mỹ, Đài Loan, New Zealand, … Sản phẩm xuất khẩu mang thương hiệu Apodio có chất lượng cao, mẫu mã đa dạng đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng, được thị trường đón nhận.

Mục tiêu định hướng năm 2021 công ty sẽ tiếp tục ổn định sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đối với khách hàng. Sản lượng sản xuất dự kiến đạt 6,5 triệu m2, phát triển thị trường theo 3 kênh chính là nhà phân phối/Tập đoàn xây dựng/Xuất khẩu. Lượng xuất khẩu dự kiến đạt khoảng 20% sản lượng. Bên cạnh đó, công ty đề ra mục tiêu sẽ đạt chứng nhận hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2015 trước tháng 10/2021.

Đối với các hoạt động của Hiệp hội, ông Truyền đề xuất Hiệp hội sẽ tiếp tục là cầu nối hiệu quả giữa các nhà sản xuất trong nước với Chính phủ, Bộ Công Thương trong cuộc chiến chống gạch ốp lát nhập lậu, gạch nhập khẩu giá trị thấp; là cầu nối hữu hiệu trong việc xúc tiến thương mại, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid – 19 như hiện nay; là cầu nối cân bằng thị trường để đảm bảo các nhà sản xuất trong nước hoạt động đạt hiệu quả cao nhất.

Các bài viết khác