Hiệp hội thăm và làm việc với các doanh nghiệp hội viên

1/4/2017 3:36:57 PM

Trung tuần tháng 9 và tháng 11/2016, Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam đã tổ chức đoàn đi thăm và làm việc với các doanh nghiệp hội viên khu vực Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh và khu vực miền Trung – đây là hai trong 4 vùng sản xuất tập trung gạch ốp lát và sứ vệ sinh của Việt Nam.

Hiệp hội thăm và làm việc với các công ty sản xuất gạch ốp lát, các công ty sứ vệ sinh và công ty sản xuất gạch ngói đất sét nung (cụ thể như Nice Ceramic, Tập đoàn Hoàng Hà, Viglacera Thái Bình, Granite Nam Định, Granite Trung Đô, Mikado, Hacera, Vicenza, Trúc Thôn, Vĩnh Thắng, Cosveco Đà Nẵng; Sứ vệ sinh Ceravi Thái Bình, men sứ Long Hầu, Sứ Đông Lâm; Gốm Đất Việt, Gốm Mỹ, Nhà máy gạch Đông Triều 1, Công ty Gạch Clinker Hạ Long, Nhà máy gạch Hoành Bồ, Nhà máy gạch cotto Đông Triều). Hiệp hội còn đến thăm và làm việc với các công ty sản xuất Frit.

Nice Ceramic – Nhân tố khổng lồ mới trong ngành gạch ốp lát Việt Nam

Vào thời điểm đoàn Hiệp hội đến thăm, công ty đang trong giai đoạn lắp đặt máy móc thiết bị đồng bộ. Tổng diện tích toàn bộ khu đất rộng 53 ha chia thành 3 cụm nhà xưởng lớn. Hiện công ty đã lắp đặt xong 32 máy ép 3590 của Sacmi, 6 lò nung mỗi lò có chiều dài 300m, rộng 3,1m, sử dụng máy in kỹ thuật số Durst, công nghệ rải liệu đôi chuyên sản xuất dòng sản phẩm xương sứ cao cấp.Dây chuyền hiện đại, thiết bị công nghệ tiên tiến, đầu tư có lựa chọn nên độ tự động hóa cao, lượng nhân công theo dự tính sẽ rất thấp, toàn bộ nhà máy rộng lớn chỉ khoảng trên dưới 300 người, đạt năng suất không quá 10 lao động/1 triệu m2/năm.

Theo ông Nguyễn Hùng Anh – Tổng giám đốc công ty cho biết, khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ sản xuất đa dạng các dòng sản phẩm từ kích thước phổ thông tới những kích thước lớn đáp ứng mọi nhu cầu của thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu. Với hệ thống máy và thiết bị, nhà xưởng khổng lồ – đây có lẽ là nhà máy có công suất lớn nhất không chỉ ở Việt Nam mà còn ở trong khu vực và trên thế giới xét về khía cạnh sản xuất tập trung. Trước mắt công ty sẽ hướng tới dòng sản phẩm chất lượng cao mà theo như ông Hùng Anh là để chiếm lĩnh thị trường, góp phần ngăn chặn hàng nhập khẩu của Trung Quốc, thậm chí còn có thể xuất ngược trở lại Trung Quốc. Dự kiến nhà máy sẽ ra sản phẩm vào đầu năm 2017.

Ngoài đầu tư nhà máy gạch ốp lát khổng lồ này, ông Hùng Anh còn chia sẻ thông tin về dự án sản xuất sứ vệ sinh với công suất đạt 1,5 triệu sản phẩm/năm tại Hưng Yên. Nhà máy sứ vệ sinh mới này đầu tưcông nghệ đúc rót cao áp hiện đại, thiết bị công nghệ của châu Âu, robot tráng men, dây chuyền sản xuất tự động cao, hiệu quả vượt trội xét về năng suất lao động, chất lượng sản phẩm cũng như sử dụng nhân công. Ông Hùng Anh cho biết mục tiêu hướng tới dòng sản phẩm cao cấp nhưng giá bán lại rất bình dân phục vụ đông đảo đối tượng người tiêu dùng phổ thông. Dự kiến nhà máy sứ vệ sinh sẽ ra sản phẩm đầu tiên trong năm 2017.

Tập đoàn Hoàng Hà với những dự án trọng điểm

Vào những ngày cuối tháng 11, đoàn công tác của Hiệp hội đến thăm và làm việc với Tập đoàn Hoàng Hà. Là một tập đoàn đa ngành đa nghề lớn của tỉnh Quảng Ninh, Hoàng Hà đầu tư rất nhiều lĩnh vực từ sản xuất đến thương mại (xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, thương mại, bê tông thương phẩm, đầu tư dự án, bất động sản, kết cấu thép, bao bì, …). Ước tính doanh thu toàn tập đoàn trong năm 2016 đạt khoảng 2.000 tỷ, trong đó 600 tỷ từ sản xuất VLXD.

Ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ tập đoàn hồ hởi giới thiệu về dự án Nhà máy sản xuất gạch từ nguyên liệu phế thải, xỉ thải, xít thải đặt tại Kim Sơn, Đông Triều, Quảng Ninh. Dự án khởi nguồn từ Hội thảo “Thiết bị và công nghệ mới sản xuất gạch ngói nung”, trong đó đặc biệt giới thiệu công nghệ lò tròn/lò đĩa sản xuất gạch xây tận dụng phế thải công nghiệp (xỉ thải, xít thải). Đây là công nghệ còn rất mới tại Việt Nam và Hoàng Hà là nhà tiên phong xây dựng lò đầu tiên tại Việt Nam. Hiện công ty đang trong quá trình xây dựng lò với công suất 100 triệu viên/năm, sử dụng xít thải tới 41 – 42% trong thành phần nguyên liệu, do đó chi phí nguyên liệu rất thấp, vừa giải quyết được phế thải cho tỉnh Quảng Ninh (phế thải từ các nhà máy nhiệt điện, phế thải từ khai thác than, …) đồng thời đảm bảo vấn đề môi trường. Dự kiến nhà máy sẽ hoàn thành và cho ra sản phẩm vào cuối quý I/2017.

Ngoài sản xuất VLXD, một thế mạnh của tập đoàn chính là các dự án xây dựng tại Quảng Ninh. Hiện một trong những dự án lớn tập đoàn đang thực hiện đó là dự án cổng chào tỉnh cùng quần thể khu nghỉ dưỡng và khu dừng chân dành cho khách du lịch. Với tổng diện tích gần 15 ha, quần thể khu nghỉ dưỡng sẽ là điểm giới thiệu những đặc sản, các nét đặc trưng văn hóa dân tộc tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh kết hợp khu vui chơi, giải trí (bể bơi tạo sóng, khu dịch vụ nhà hàng, …). Dự án có tổng kinh phí đầu tư tới trên 500 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2018.

( Nội dung chi tiết xin xem trên Tạp chí Gốm sứ số 92, quý IV/2016)

Các bài viết khác