Hiệp hội thăm và làm việc với các DN tại Thái Bình, Nam Định và khu vực miền Trung

2/6/2020 5:23:15 PM

Trong những ngày đầu tháng 10/2019, Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam đã có chuyến thăm và làm việc với các doanh nghiệp hội viên khu vực Thái Bình, Nam định và các tỉnh miền Trung.

Tại KCN Tiền Hải Thái Bình – cụm sản xuất gốm sứ tập trung nhiều nhà máy sản xuất gạch ốp lát, sứ vệ sinh với quy mô vừa và nhỏ, đoàn Hiệp hội đã làm việc với Công ty Sứ Long Hầu, công ty gạch ốp lát Vietdecor (Mikado) và công ty sứ vệ sinh Ceravi.

Đón tiếp đoàn Hiệp hội, ông Bùi Văn Sơn – Giám đốc công ty Sứ Long Hầu chia sẻ về tình hình hoạt động của công ty cũng như tình hình chung của khu sản xuất gốm sứ Tiền Hải.

Ông Bùi Văn Sơn – Giám đốc Sứ Long Hầu trong buổi tiếp đoàn Hiệp hội

Hiện nay Long Hầu đang chạy ổn định 1 dây chuyền sản xuất sứ vệ sinh với công suất 600.000 sản phẩm/năm, trong đó một nửa là sản phẩm bệt. Sản phẩm sứ của công ty đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng bởi chất lượng tốt, giá bán phải chăng, tuổi thọ men sứ bền. Hiện nay công ty có kế hoạch mở rộng sản xuất, dự kiến xây dựng 1 dây chuyền sản xuất sứ hiện đại và đang nghiên cứu hệ thống ép cao áp sứ vệ sinh – công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực sứ vệ sinh.

Ngoài sứ vệ sinh, Long Hầu còn có thế mạnh ở mảng sản xuất sứ gia dụng với 2 dây chuyền chuyên sản xuất bát ăn và chén đĩa – chiếm tới 45% doanh thu (trong tổng doanh thu trên 150 tỷ của công ty). Dây chuyền sản xuất bát ăn với công suất đạt 50.000 bát/ngày, lò nung dài 72m, chu kỳ nung 4,5 tiếng. Công ty sử dụng men tự chế, tráng men bằng dây chuyền tráng men tự động được chế tạo trong nước với 20 đầu hút chân không, sản phẩm chất lượng ổn định, men bóng đẹp. Hiện công ty tiêu thụ khá tốt, có một số doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp từ Ý sang tìm hiểu hợp tác và dự kiến sẽ ký kết đặt hàng trong tháng 1/2020.

Tại lò nung - công ty Sứ Long Hầu

Hiện nay ở khu vực Thái Bình, sản lượng sứ vệ sinh đạt khoảng 5 – 6 triệu sản phẩm/năm, đa phần là các dòng sản phẩm ở phân khúc trung và thấp cấp, do đó giá bán thấp, giá trị hàng hóa không cao so với các thương hiệu như Toto, Inax, Viglacera. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất sứ ở Thái Bình còn dùng khí đốt để nung sản phẩm và kết hợp khí than trong khâu sấy phun nên chi phí nhiên liệu cao, không ổn định (giá khí gas thả nổi), dẫn đến giảm khả năng cạnh tranh so với các đơn vị sản xuất khác.

Một vấn đề khó khăn mà các doanh nghiệp sản xuất sứ vệ sinh ở Thái Bình nói chung và công ty Sứ Long Hầu nói riêng đang phải đối mặt chính là sự tràn lan của các mặt hàng sứ vệ sinh không nhãn mác, giá bán rất rẻ đang xuất hiện ngày càng nhiều tại thị trường Việt Nam và ngay tại khu vực Thái Bình, từ đó rất nhiều doanh nghiệp để tồn tại trước mắt đã chấp nhận bán phá giá thị trường, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất khác.

Tại Công ty sứ Ceravi

Thực trạng này cũng là điều trăn trở của Công ty Sứ Ceravi. Tiếp đoàn Hiệp hội, Bà Điệp – Giám đốc công ty cho biết trong năm 2019 xuất hiện tình trạng nhiều cơ sở nhập hàng sứ trắng về bắn nhãn (bất kể nhãn hiệu nào) theo yêu cầu của khách hàng, giá nhập rất thấp nên giá bán ra cũng thấp từ 1 – 1,5 triệu đồng/bộ sứ vệ sinh. Người nước ngoài (Trung Quốc) sang tận Thái Bình mở kho hàng, đi xe tải nhỏ đến từng cửa hàng vật liệu xây dựng và thiết bị vệ sinh để chào hàng, có chính sách cho nợ tiền hàng, … Tình trạng này không chỉ diễn ra tại khu vực này mà theo nguồn tin khảo sát của Ceravi, làn sóng hàng sứ vệ sinh Trung Quốc đã tràn ngập thị trường cả nước, đặc biệt trong miền Nam với một đại lý (giấu tên) nhập tới 24.000 sản phẩm bệt/tháng có tới 30 nhãn hàng khác nhau và chỉ bán tại thị trường miền trong. Như vậy có thể thấy áp lực cạnh tranh từ hàng giá cực rẻ của Trung Quốc, và khó có thể kiểm soát được lượng nhập khẩu/nhập lậu mặt hàng sứ vệ sinh vì những thủ đoạn tinh vi của thương lái (khai giá thấp, bán thấp hơn giá thị trường, nhập sứ không nhãn mác, chất lượng trôi nổi, …).

Hiện nay Ceravi với sản lượng 500.000 sản phẩm/năm chạy hết công suất. Công ty có những đối tác xuất khẩu, trong đó xuất đáng kể sang thị trường Thái Lan. Với những khó khăn chung hiện nay như tình trạng Trung Quốc tuồn hàng nên trên cùng với thị trường bất động sản trong nước chững lại, bà Điệp đề xuất Hiệp hội tập hợp thông tin và có tiếng nói hỗ trợ doanh nghiệp ngành sứ vệ sinh trình lên các cơ quan ban ngành có liên quan nhằm kiểm soát giá kê khai hàng sứ nhập khẩu, đề nghị quản lý thị trường thắt chặt kiểm tra, kiểm soát để phát hiện những lô hàng không có C/O, không có giấy tờ chứng nhận chất lượng sản phẩm, không có nhãn mác, … Đó là một số giải pháp có thể giúp các doanh nghiệp sứ vệ sinh trong nước duy trì sản xuất, ổn định thị trường và cạnh tranh công bằng với hàng nhập khẩu.

Tại Công ty Vietdecor (Mikado), ông Phạm Bách Tùng – Tổng giám đốc công ty đã đưa đoàn thăm nhà máy mới với 2 dây chuyền sản xuất porcelain cao cấp công suất 6 triệu m2/năm. Đây là nhà máy chuyên sản xuất các dòng sản phẩm kích thước 600x600 mm và 800x800 mm xử lý mài mặt, thiết bị công nghệ châu Âu, chất lượng sản phẩm cao cấp. Cùng với các dây chuyền sản xuất trước đây và tính cả 2 dây chuyền sản xuất cotto ở Bắc Giang, hiện nay Mikado đã đạt 27 triệu m2/năm và trở thành một trong những công ty sản xuất gạch ốp lát lớn của Việt Nam.

Tại công ty Vietdecor

Trong buổi làm việc với Hiệp hội, ông Tùng chia sẻ về hướng đầu tư mới của công ty với các nhà máy sản xuất tấm trần thạch cao (công suất 15 triệu m2/năm) sử dụng nhiệt thải điện, đây là công nghệ Đức kết hợp máy móc thiết bị Trung Quốc; nhà máy sản xuất gạch gỗ nhựa, đá nhựa tấm ép dùng làm bàn bếp, sàn bếp, … sử dụng nguyên liệu 60% bột đá kết hợp nhựa và phụ gia, sản phẩm dày 4 mm, có tính năng chịu nước, chịu nhiệt, có thể lắp ghép với nhau mà không cần thi công. Những nhà máy mới này sẽ đặt tại Hà Nam và dự kiến đầu quý I/2020 sẽ ra sản phẩm. Đây là những vật liệu có thị trường tiêu thụ tiềm năng, và hướng đầu tư mới này cho thấy sự nhanh nhạy của Mikado nắm bắt tốt xu hướng thị trường để đưa ra những dòng sản phẩm phù hợp, đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong nước và hướng tới các thị trưởng xuất khẩu lớn trên thế giới như Mỹ, Úc, Canada, …

Ông Phạm Bách Tùng giới thiệu các dòng sản phẩm mới

Chiều cùng ngày, Hiệp hội có buổi làm việc với Công ty VID Nam Định. Ông Nguyễn Kim Túc – giám đốc công ty hồ hởi chia sẻ về dây chuyền sản xuất mới đang trong quá trình lắp đặt hoàn chỉnh. Công suất dây chuyền mới này đạt 4 triệu m2 chuyên sản xuất gạch granite mài cao cấp. Công ty lựa chọn công nghệ Ý với thiết bị chủ đạo từ Siti B&T, máy ép 3608, hầm sấy 5 tầng, máy in kỹ thuật số dòng mới nhất, lò nung dài 167m, rộng 2,95m. Dây chuyền mới cho ra sản phẩm trong quý IV/2019.

Ông Đỗ Đức Ty – Chủ tịch HĐQT Công ty Vicenza làm việc với đoàn Hiệp hội

Tiếp tục hành trình, đoàn Hiệp hội đã đến thăm Công ty CP gạch men Vicenza Thanh Hóa. Trong vài năm vừa qua, Vicenza đã có bước chuyển mình ấn tượng. Từ một dây chuyền sản xuất trước đây với công suất 4 triệu m2 gạch, công ty đã mạnh dạn đầu tư mở rộng thêm 2 dây chuyền mới, mỗi dây 8 triệu m2/năm, sử dụng thiết bị và công nghệ chủ chốt của Ý kết hợp với Trung Quốc, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu sang các thị trường quốc tế.

Hiện nay với tổng công suất đạt khoảng 20 triệu m2, Vicenza trở thành một trong những công ty sản xuất gạch ốp lát lớn tại Việt Nam và ngày càng khẳng định thương hiệu với nhiều dòng sản phẩm cao cấp.

Trong buổi làm việc với đoàn Hiệp hội, ông Đỗ Đức Ty – Chủ tịch HĐQT công ty gạch men Vicenza chia sẻ về vấn đề chung mà ngành sản xuất gạch ốp lát Việt Nam đang phải đối mặt.

Tại nhà máy sản xuất của Công ty gạch men Vicenza

Thực tế hiện nay công suất của toàn ngành trên 750 triệu m2/năm, đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng các nước sản xuất lớn nhất thế giới. Với công suất này, tiêu thụ tại thị trường trong nước sẽ ngày càng khó khăn do cung vượt cầu. Điều này buộc các doanh nghiệp Việt Nam tìm hướng xuất khẩu. Tuy nhiên, khi xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài, trong đó đặc biệt là các thị trường Asean như Thái Lan, Malaysia và Indonesia chúng ta đều gặp phải rào cản về các thủ tục xuất nhập khẩu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Mặt khác hàng nhập khẩu từ các nước Trung Quốc và Ấn Độ tràn lan càng gây sức ép cho sản xuất trong nước. Chính vì thế cần có rào cản kỹ thuật (áp dụng theo các tiêu chuẩn ISO) như các nước Asean khác nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ sản xuất trong nước và trên hết là để có thể phần nào ngăn lượng nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng Hiệp hội sẽ tập hợp thông tin và kiến nghị Chính phủ cũng như các cơ quan ban ngành nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo ổn định thị trường, xúc tiến xuất khẩu và phát triển bền vững ngành sản xuất gạch ốp lát trong nước.

Đến thăm và làm việc tại Nhà máy gạch granite Trung Đô - Công ty CP Trung Đô ở TP Vinh, Nghệ An, đại diện lãnh đạo nhà máy chia sẻ về tình hình sản xuất hiện nay và phương hướng phát triển của nhà máy nói riêng và toàn công ty Trung Đô nói chung. Hiện nay nhà máy Trung Đô với công suất 3,5 triệu m2/năm, sản xuất ổn định và chạy hết công suất. Với công nghệ và thiết bị Ý, máy ép, máy in, hầm sấy và lò nung từ Sacmi và Siti B&T, sản phẩm granite của Trung Đô luôn được thị trường đánh giá cao về chất lượng ổn định, tuổi thọ bền. Bên cạnh đó, Trung Đô còn có dòng sản phẩm ngói màu với thương hiệu Ngói Phượng Hoàng tiêu thụ rất tốt. Cũng như nhiều công ty gạch ốp lát của Việt Nam, Trung Đô rất quan tâm tới công nghệ sản xuất gạch tấm lớn – xu hướng mới của ngành sản xuất gạch ốp lát thế giới hiện nay – và khả năng trong tương lai không xa sẽ nghiên cứu đầu tư.

Ngoài lĩnh vực sản xuất gạch ốp lát, Công ty CP Trung Đô còn có thế mạnh ở mảng sản xuất gạch ngói đất nung với nhiều nhà máy gạch tuynel tại các huyện thị ở Nghệ An, Hà Tĩnh, đặc biệt công ty đã đầu tư và đưa vào sản xuất 2 lò vòng công nghệ từ Trung Quốc. Bên cạnh đó công ty còn hoạt động mạnh trong lĩnh vực xây dựng chung cư, bất động sản, bê tông tươi.

Tương tự Trung Đô, Công ty CP Cosevco Quảng Bình ngoài lĩnh vực sản xuất gạch ốp lát cũng bắt đầu chuyển sang đầu tư mảng gạch tuynel đất nung và đến cuối năm 2019 cho ra sản phẩm. Dây chuyền sản xuất gạch ốp lát của công ty tương đối lâu đời nên công suất thấp, sản phẩm chưa đa dạng, khó nâng cấp hoặc bổ sung thiết bị hiện đại do đó hạn chế trong việc đáp ứng thị hiếu hiện nay của người tiêu dùng.

Tại nhà máy sản xuất của Công ty Cosevco Đà Nẵng

Trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn, Công ty CP Cosevco Đà Nẵng lại có hướng đi riêng là khai thác dòng sản phẩm kích thước nhỏ với những sản phẩm gạch ốp, gạch lát trang trí, gạch sân vườn kích thước 30x30, 25x50, 50x50, … tránh các dòng sản phẩm kích thước trung và lớn đang là thế mạnh của các công ty lớn ở miền Bắc và miền Nam.

Hiện nay Cosevco Đà Nẵng vẫn duy trì sản xuất ổn định, có thuận lợi là nguồn nguyên liệu thô tại chỗ, chỉ một số nguyên liệu cần nhập khẩu. Trong thời gian tới, công ty sẽ vẫn tiếp tục hướng sản xuất các dòng sản phẩm nhỏ như hiện nay và với kết quả hoạt động kinh doanh ổn định trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành một vài năm vừa qua thì có thể khẳng định đó là một hướng đi phù hợp đối với một công ty có dây chuyền sản xuất đầu tư từ năm 1996.

Trong chuyến công tác lần này, đoàn Hiệp hội có thăm và làm việc với các công ty sản xuất nguyên liệu frit tại Huế.

Tại Công ty CP Frit Huế, ông Dương Bá Khánh giám đốc công ty chia sẻ về tình hình hoạt động kinh doanh của công ty và tình hình chung của ngành sản xuất frit ở Việt Nam. Hiện nay tổng sản lượng frit của nước ta đạt khoảng 300.000 tấn trong đó chủ yếu sản xuất ở Huế, đáp ứng khoảng 75 – 80% nhu cầu sử dụng trong nước, phần còn lại đa phần nhập khẩu từ Trung Quốc, riêng các dòng frit đặc biệt tạo hiệu ứng là nhập từ châu Âu. Năm nay Frit Huế dự kiến đạt doanh thu trên 1200 tỷ trong đó 40% là từ doanh thu xuất khẩu, các thị trường trọng điểm của công ty là Thái Lan, Malaysia, Đài Loan, Bangladesh, …

Hiện nay với nhu cầu thị trường trong nước vẫn còn nhiều tiềm năng, Frit Huế có kế hoạch tăng công suất, mở rộng sản xuất để đáp ứng yêu cầu của khách hàng nội địa và thúc đẩy mảng xuất khẩu. Thế mạnh của công ty là sản phẩm đa dạng, giá bán phải chăng nên duy trì lượng khách hàng ổn định, gắn bó lâu dài.

Tại Công ty CP Công nghệ Frit Phú Sơn, ông Lê Đình Quý Sơn giám đốc công ty tiếp đón đoàn Hiệp hội và đưa thăm quan nhà máy sản xuất. Bắt đầu san lấp mặt bằng từ tháng 12/2018, chỉ sau 5 tháng xây dựng công ty đã cho ra đời sản phẩm frit trên thị trường với công suất 30.000 tấn/năm, diện tích sử dụng mới chỉ 5ha, và với kế hoạch sẽ mở rộng lên 10ha trong tương lai, quy hoạch công suất của Phú Sơn sẽ đạt 100.000 tấn/năm trong tương lai tới.

Đánh giá về thị trường phát triển của Frit, ông Sơn cho rằng lĩnh vực này vẫn còn nhiều tiềm năng bởi dự báo mức độ đô thị hóa của Việt Nam sẽ đạt 70%, nông thôn là 30% do đó nhu cầu xây dựng sẽ vẫn còn phát triển, nhu cầu sử dụng gạch ốp lát còn tăng và kéo theo nhu cầu sử dụng frit cho sản xuất gạch. Hiện nay Phú Sơn sản xuất sử dụng lò lớn có công suất 33 tấn/ngày công nghệ hoàn toàn tự động nên nhân công rất ít (tổng lao động 100 người), nhà xưởng sạch sẽ, môi trường làm việc rất ổn định. Do đầu tư mới hoàn toàn nên có lợi thế về mặt thiết bị công nghệ đồng bộ, chủng loại đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu của các khách hàng. Bên cạnh đó, công ty có chính sách bán hàng rất tốt, đội ngũ kỹ thuật hỗ trợ khách hàng trong quá trình sử dụng cho đến khi ra sản phẩm. Dù mới đi vào sản xuất trong năm 2019, công ty đã có trên 20 khách hàng lớn tin tưởng lựa chọn, sản phẩm frit chủ yếu tập trung vào hàng cao cấp, đang được ưa chuộng trên thị trường như tạo hiệu ứng sugar, vi tinh, Metalic kim loại, …

Với những ưu thế về công nghệ mới, thiết bị mới và những chính sách sản xuất kinh doanh linh hoạt, trong thời gian tới đây Frit Phú Sơn chắc chắn sẽ ngày càng mở rộng và phát triển hơn nữa.

Tại Nhà máy sản xuất của Công ty Frit Phú Sơn

Các bài viết khác