Hiệp hội tham dự Hội nghị Hiệp hội công nghiệp gốm sứ Asean tại Philippines

1/25/2016 3:11:20 PM

Ngày 30/10/2014, đoàn Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam đã tham dự Hội nghị thường niên Hiệp hội công nghiệp gốm sứ Asean (CICA) lần thứ 21 tại thủ đô Manila, Philippines. Đây là điểm gặp gỡ hàng năm của đại diện các Hiệp hội công nghiệp gốm sứ Đông Nam Á là Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Philippines.

Tham dự sự kiện lần này, về phía Việt Nam có sự góp mặt của các doanh nghiệp hội viên tích cực như Hoàng Hà, Hoàng Gia, Toko, Mikado, CMC, Frit Huế, Đồng Nai, Đại Thanh, …trong đó có 7 đại diện hiện là phó chủ tịch đương nhiệm Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam nhiệm kỳ 2013 – 2018.

Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Emilie B. Maramag – Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ Philippines (CTMA) liệt nhiệt chào đón đại diện thành viên các nước CICA đến Manila và tham dự hội nghị lần này. Đây là lần đầu tiên chủ tịch mới của Philippines tham gia hội nghị CICA, bà được bầu làm chủ tịch thay thế người tiền nhiệm là ông Benjamin C. Laurel mới qua đời vì bệnh ung thư gan. Đại diện các thành viên CICA đều bày tỏ tiếc thương đối với sự ra đi quá đột ngột của ông – một người bạn Philippines luôn thân thiện, nhiệt tình và có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của ngành công nghiệp gốm sứ Philippines nói riêng và ngành gốm sứ khu vực Asean nói chung.

Tiếp theo, đại diện các nước thành viên CICA lần lượt báo cáo tình hình kinh tế xã hội và ngành công nghiệp gốm sứ của nước mình.

(Xem chi tiết báo cáo của Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam) trong phần Kinh tế - Văn hóa - Xã hội)

Trong bản báo cáo, ông Elisa Sinaga, chủ tịch Hiệp hội công nghiệp gốm sứ Indonesia (ASAKI) đã cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ về công suất, sản xuất, tiêu thụ gạch ốp lát của nước này. Nếu như năm 2013, công suất chỉ trên 420 triệu m2 thì đến nay đã vượt trên 500 triệu m2, sản lượng thực tế đạt trên 450 triệu m2, vững vàng vị trí top các nước sản xuất, tiêu thụ lớn nhất thế giới.

Tiếp đến là báo cáo của Malaysia do ông YM Raja Dato - chủ tịch Hiệp hội gốm sứ Malaysia (FMM MCIG) thực hiện. Năm 2013, sản lượng gạch ốp lát của Malaysia giảm -5% so với năm 2012, chỉ đạt 89 triệu m2. Xuất khẩu giảm đột biến (-50%). Vấn đề lớn của ngành công nghiệp gốm sứ nước này là chi phí sản xuất tăng cao, đặc biệt là chi phí năng lượng. Ngoài ra sự chi phối của thị trường không phải là chất lượng sản phẩm mà nghiêng về giá cả, điều này thực sự là một thách thức cho các nhà sản xuất của Malaysia khi phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với hàng thấp cấp giá rẻ từ Trung Quốc.

Năm 2013 tình hình kinh tế Thái Lan bị ảnh hưởng mạnh bởi sự bất ổn về chính trị kéo theo những tác động tiêu cực tới các ngành công nghiệp khác như du lịch, sản xuất, xây dựng, gốm sứ… Năm 2014 nhu cầu tiêu thụ gạch ốp lát của nước này đã giảm -6% tính theo năm, thị trường trong nước bị chi phối mạnh bởi gạch nhập khẩu. Hiện nay các nhà sản xuất gốm sứ nước này đều đang trông chờ vào tiềm năng mở cửa thị trường AEC trong năm 2015.

Năm 2013 – 2014 Việt Nam có sự phát triển ổn định về các mặt kinh tế - xã hội. Giá trị xuất khẩu và nhập khẩu nói chung đều tăng trên 15%. Sản xuất gạch ốp lát năm 2014 ước đạt 80% công suất lắp đặt. Đối với ngành gạch ốp lát, cũng giống như các nước Asean khác, Việt Nam cũng phải đối mặt với mối đe dọa từ hàng nhập khẩu Trung Quốc. Số liệu nhập khẩu cho thấy hàng Trung Quốc chiếm tới 76,5% trong tổng giá trị nhập khẩu gạch ốp lát của Việt Nam. Đây chỉ là con số được kiểm soát bởi hải quan, chưa kể lượng gian lận, buôn lậu trên thị trường.

Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện các nước đều có những ý kiến đóng góp, thảo luận về những biện pháp nhằm đối phó lâu dài với hàng nhập lậu, gian lận thương mại của Trung Quốc chất lượng thấp đang đe dọa nghiêm trọng tới thị phần tiêu thụ của mỗi nước. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm trong nước đạt những tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng thì mỗi Hiệp hội thành viên CICA cần có những biện pháp, hành động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các hiệp hội thành viên CICA để có kết quả hữu hiệu hơn.

Tại hội nghị lần này, Indonesia có đại diện nhà tổ chức hội chợ triển lãm Keramika 2015 đã giới thiệu tổng quát về hội chợ lần này sẽ được tổ chức từ ngày 19 – 22/3/2015 tại Trung tâm hội chợ triển lãm Jakarta, Indonesia. Các thành viên CICA đều nhất trí ủng hộ Indonesia bằng việc kêu gọi các doanh nghiệp/công ty hội viên tham gia sự kiện nổi bật này.

Trong chuyến công tác Philippines lần này, đoàn Hiệp hội đã làm việc với bà Vũ Việt Nga, Tham tán thương mại – Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines để tìm hiểu hơn nữa về thị trường Philippines, những thuận lợi và khó khăn khi xuất hàng sang thị trường này, đồng thời kiến nghị Đại sứ quán Việt Nam là cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Philippines, có những hoạt động xúc tiến hơn nữa như gặp gỡ các nhà nhập khẩu gạch ốp lát của Philippines, tạo cơ hội cho hàng Việt Nam được giới thiệu tại các hội chợ triển lãm của nước này.

Đoàn Hiệp hội cũng đi khảo sát, thăm những trung tâm thương mại lớn chuyên về gạch ốp lát, vật liệu xây dựng lớn ở thủ đô Manila như Home Deport, Wilcon Center, Federal, …Hiện nay ngành sản xuất gốm sứ xây dựng của Philippines không lớn, hàng tiêu thụ nội địa đa phần là nhập khẩu. Tập đoàn SCG của Thái Lan cũng có 1 nhà máy sản xuất gạch ốp lát tại đây, theo thông tin từ tập đoàn thì nhà máy này đều chạy 100% công suất, tiêu thụ tại thị trường nội địa. Ngoài ra, các nhà máy khác của tập đoàn tại Việt Nam, Indonesia, Thái Lan cũng đồng thời xuất hàng vào Philippines.

Theo khảo sát của đoàn Hiệp hội, có rất nhiều sản phẩm gạch ốp lát Trung Quốc giá rẻ được bày bán tràn lan ở các trung tâm vật liệu nội thất. Bên cạnh đó, đã có nhiều sản phẩm gạch ốp lát của Việt Nam như Mikado, Taicera, Toko, … góp mặt cùng nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới về gạch ốp lát, sứ vệ sinh từ Italia, Tây Ban Nha. Thị trường tiêu thụ của Philippines rất rộng mở, tuy nhiên, để có thể tiến vào thị trường này thì các công ty gạch ốp lát của Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.


Trong thời gian từ ngày 29/10 – 2/11/2014, đoàn Hiệp hội đã tham gia Hội nghị CICA, khảo sát thị trường vật liệu xây dựng và kết hợp thăm một số địa điểm du lịch nổi tiếng của Manila như Makati Center, Mall of Asia Complex, Green Hill, Intramuros square, San Agustin Church và khu du lịch sinh thái Pagsanjan, kết thúc chuyến công tác tốt đẹp.

Các bài viết khác