Tạp chí GSXD
Tổng hợp tình hình sản xuất, tiêu thụ, xuất nhập khẩu gạch ốp lát thế giới 2010 tới 2014
Trong số tạp chí này, Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam tiếp tục cung cấp các thông tin tổng hợp về tình hình sản xuất, tiêu thụ, xuất nhập khẩu gạch ốp lát trên thế giới từ năm 2010 – 2014. Những số liệu này được tạp chí Ceramic World Review thu tập, tổng hợp, phân tích đánh giá từ nhiều nguồn thông tin như Hiệp hội gốm sứ các nước, các nhà cung cấp máy và thiết bị, phòng thương mại và công nghiệp, tổng cục hải quan các nước, …
Trong năm 2014 sản xuất và tiêu thụ gạch ốp lát trên thế giới tiếp tục tăng lần lượt là +3,6% và +4,2% so với năm 2013, tuy nhiên mức tăng này có chậm hơn so với các năm trước. Sự giảm tốc trong tăng trưởng xuất nhập khẩu còn thấy rõ hơn, chỉ tăng +1% so với mức tăng +5,4% năm 2013 và +7,4% năm 2012.
Tổng sản lượng gạch ốp lát toàn cầu năm 2014 đạt 12.409 triệu m2, +3,6% so với 11.973 triệu m2 năm 2013. Tăng trưởng ở hầu hết các khu vực và ở 8 trong 10 nước sản xuất hàng đầu thế giới. Châu Á sản xuất 8.747 triệu m2 (+4,8% so với năm 2013, tương đương 400 triệu m2), tăng thị phần sản lượng của khu vực này đạt tới 70,5% tổng sản lượng toàn thế giới. Sản xuất ở khu vực Liên minh châu Âu (EU-28) tăng +0,6% đạt 1.192 triệu m2, trong khi khu vực châu Âu không thuộc EU lại sụt giảm -5.9% từ 606 xuống còn 570 triệu m2 do sụt giảm ở Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine. Tại lục địa châu Mỹ, tổng sản lượng đạt 1.499 triệu m2 (12% tổng sản lượng toàn thế giới). Trung và Nam Mỹ sản xuất tăng hơn 33 triệu m2, đạt tổng sản lượng 1.191 triệu m2 (+2,8%), trong khi sản xuất ở Bắc Mỹ duy trì ổn định ở mức 308 triệu m2. Sản lượng ở khu vực châu Phi tăng từ 368 lên 396 triệu m2 (+7,6% so với năm 2013).
Tổng tiêu thụ gạch ốp lát toàn thế giới năm 2014 đạt 12.095 triệu m2, (tăng +4,2% so với con số 11.604 triệu m2 năm 2013). Thị phần của châu Á chiếm tới 67,5% tổng nhu cầu tiêu thụ toàn cầu, tăng từ 7.696 lên tới 8.166 triệu m2 (tăng +6,1% so với năm 2013, cao hơn so với mức tăng trưởng sản xuất), chủ yếu tăng ở Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam. Nhu cầu tiêu thụ gạch ốp lát ở khu vực EU giảm nhẹ -0,8%, từ 855 xuống 848 triệu m2. Đức, Ba Lan và Anh báo cáo tiêu thụ tăng mạnh trong khi Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Italia lại tiếp tục đà sụt giảm.
Nhu cầu cũng giảm ở các thị trường châu Âu không thuộc EU, giảm từ 578 xuống 543 triệu m2 (-6,1%) do bất ổn kinh tế chính trị tiêu cực ở Ukraine, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Giống như năm 2012 và 2013, khu vực có tỷ lệ tăng trưởng tiêu thụ cao nhất là châu Phi (+6,4%, mặc dù vậy mức tăng này vẫn thấp hơn con số +13% của năm trước), tăng từ 701 lên 746 triệu m2. Các nước tiêu thụ mạnh của lục địa này (Ai Cập, Nigeria, Morocco, Algeria, Nam Phi, Tanzania, Angola và Kenya) đều cho thấy nhu cầu tăng cao, chỉ riêng Libya là sụt giảm (-33%).
Lượng tiêu thụ ở Trung và Nam Mỹ duy trì ổn định ở mức 1.282 triệu m2 như năm 2013, Brazil tăng mạnh bù cho sự sụt giảm ở Venezuela và Argentina. Tiêu thụ ở Bắc Mỹ cũng tăng +2,9% đạt 462 triệu m2.
Xuất khẩu gạch ốp lát thế giới năm 2014 chỉ tăng nhẹ +1,05% từ 2.655 triệu m2 lên 2.683 triệu m2, tốc độ tăng chậm hơn nhiều so với 4 năm vừa qua. Khu vực tăng cao nhất về tỷ lệ % trong tổng xuất khẩu toàn thế giới cũng như về % tăng trưởng so với năm 2013 là EU với 819 triệu m2 (+3,9% so với 788 triệu m2 năm 2013) nhờ phục hồi xuất khẩu ở Tây Ban Nha và Italia. Thị phần xuất khẩu của EU chiếm 30,5%. Châu Á lần đầu tiên ổn định xuất khẩu với 1.488 triệu m2 (+0,6%), chiếm 55,4% trong tổng xuất khẩu toàn thế giới. Các nước Trung và Nam Mỹ tăng nhẹ từ 116 lên 120 triệu m2 (+2,6%), trong khi đó các nước không thuộc EU lại giảm từ 155 xuống 150 triệu m2 (-3,2%), Bắc Mỹ từ 68 xuống 66 triệu m2 (-2,9%) và châu Phi từ 48 xuống 40 triệu m2 (-16,7%).
Các số liệu nhập khẩu/xuất khẩu trong những năm qua cho thấy một nhận định thực tế rằng gạch ốp lát là loại vật liệu xây dựng có chiều hướng nơi sản xuất tiệm cận với nơi tiêu thụ. Mặc dù xuất khẩu gạch ốp lát của thế giới chiếm 21,6% tổng sản lượng và 22,2% tổng tiêu thụ nhưng có thể thấy hơn một nửa lượng xuất khẩu này được xuất sang các nước trong cùng khu vực địa lý sản xuất (87% xuất khẩu của Nam Mỹ đều nằm ở Nam Mỹ, 75% xuất khẩu của Bắc Mỹ đều ở khu vực NAFTA, 60% xuất khẩu của châu Á đều được xuất tới các nước châu Á). Riêng khu vực EU là ngoại lệ với 50% xuất khẩu sang các thị trường không thuộc EU. Phân tích này xác nhận thực tế rằng sản xuất và tiêu thụ gạch ốp lát thế giới có xu hướng tương đồng ở mỗi khu vực. Nói cách khác, châu Á chiếm 70,5% trong tổng sản lượng và 67,4% trong tổng tiêu thụ toàn thế giới, trong khi khu vực châu Âu (EU + non-EU) lần lượt là 14,2% và 11,5%, đối với châu Mỹ là 12,11% và 14,4% còn đối với châu Phi là 3% và 6%.
Trung Quốc: Với vị thế là nước sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu gạch ốp lát lớn nhất thế giới trong suốt 15 năm qua, các động thái của ngành gạch ốp lát Trung Quốc đều có tác động mạnh tới tăng trưởng sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu của toàn thế giới. Mặc dù ngành công nghiệp sản xuất và thị trường Trung Quốc rất khó xác định số lượng do có sự trái ngược lớn trong các số liệu hiện có, tạp chí Ceramic World Review dựa trên việc tính toán công suất các dây chuyền sản xuất của Trung Quốc đưa ra con số tổng sản lượng của ngành gạch ốp lát nước này trong năm 2014 đạt khoảng 6 tỷ m2 (+5,3% so với năm 2013), tương đương 48,4% tổng sản lượng toàn thế giới. Ngược lại, theo các nguồn chính thức từ phía Trung Quốc thì nước này đã đạt sản lượng trên 10 tỷ m2 chia cho khoảng 1.400 công ty với 3.500 dây chuyền sản xuất.
Tiêu thụ nội địa ước tính đạt 4.894 triệu m2, chiếm tới 40,4% trong tổng tiêu thụ toàn thế giới.
Sau 2 năm 2012 và 2013 tăng trưởng xuất khẩu nhẹ, năm 2014 lần đầu tiên Trung Quốc bị sụt giảm từ 1.148 xuống 1.110 triệu m2 (-3,3% so với năm 2013), tương đương 41,4% tổng xuất khẩu toàn thế giới. Nigeria trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc (74 triệu m2, +3,9%), tiếp đến là Hàn Quốc (68 triệu m2, +25%), Ảrập Xeut (63 triệu m2, -22%), Philippines, Mỹ và Indonesia. Xét về giá trị, xuất khẩu gạch ốp lát năm 2014 của Trung Quốc cũng sụt giảm -2,2% từ 7,8 xuống còn 7,7 tỷ USD.
Brazil: Là nước sản xuất và tiêu thụ lớn thứ 2 thế giới, một lần nữa Brazil tiếp tục có sự tăng trưởng về sản xuất trong suốt 20 năm qua với tổng sản lượng năm 2014 đạt 903 triệu m2 (+3,7%), trong khi tiêu thụ nội địa tăng từ 837 lên 853 triệu m2 (+1,9%). Xuất khẩu cũng tăng +9,5% đạt 69 triệu m2, chủ yếu xuất sang thị trường các nước Mỹ La tinh và Mỹ. Lượng nhập khẩu giảm mạnh từ 50 xuống còn 38 triệu m2, trong đó có tới 29,5 triệu m2 được nhập từ Trung Quốc (giảm hơn nhiều so với 49 triệu m2 nhập khẩu năm 2013). Dự báo lượng gạch nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm do Brazil áp dụng chính sách thuế chống bán phá giá từ cuối năm 2014. Theo Hiệp hội công nghiệp gốm sứ Brazil (Anfacer) dự báo năm 2015 xuất khẩu gạch ốp lát của nước này sẽ tăng khoảng +9%, sản xuất và tiêu thụ tại thị trường nội địa vẫn tiếp tục tăng nhẹ (khoảng +1% đến +1,5%), công suất sản xuất dự kiến đạt 1.106 triệu triệu m2 tính đến cuối năm nay.
Ấn Độ một lần nữa đứng ở vị trí nước sản xuất và tiêu thụ gạch ốp lát lớn thứ 3 thế giới năm 2014. Sản xuất tăng từ 750 lên 825 triệu m2 (+10%) và tiêu thụ nội địa đạt 756 triệu m2 (+5,3%).
Xuất khẩu gạch ốp lát năm 2014 của Ấn Độ đạt kết quả cực kỳ ấn tượng, tăng mạnh từ 51 lên 92 triệu m2 (+80%), đưa nước này leo từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng các nước xuất khẩu gạch ốp lát hàng đầu thế giới.
Trong năm 2014, tính theo lượng xuất khẩu của Tây Ban Nha thì châu Âu chiếm 37% (46% tổng giá trị), châu Á 29% (24% tổng giá trị), châu Phi 25% (18% tổng giá trị) và châu Mỹ 9% (10,6% tổng giá trị). Tổng giá trị xuất khẩu đạt 2.328 triệu € (+4%) với giá bán trung bình ổn định ở mức 6,9 €/m2, giúp ngành công nghiệp gạch ốp lát Tây Ban Nha khép lại năm 2014 với tổng doanh thu đạt 2.900 triệu € (+3,7%).Tây Ban Nha: Với mức tăng xuất khẩu hơn 6,6% đạt 339 triệu m2, Tây Ban Nha củng cố vững chắc vị thế là nước xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới. Ngành công nghiệp gạch ốp lát nước này cũng ghi nhận sự phục hồi sản xuất với tổng sản lượng đạt 425 triệu m2 (+1,2%), leo lên vị trí thứ 4 trong top các nước sản xuất gạch ốp lát hàng đầu thế giới. Nhu cầu trong nước tiếp tục giảm từ 108 xuống 92 triệu m2 (-14,8%). Mặc dù giảm -15%, Ảrập Xeut vẫn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Tây Ban Nha xét về lượng (28,5 triệu m2), tiếp đến là Pháp (28 triệu m2, +14%), Algeria (24,8 triệu m2, +39,6%), Jordan (17,2 triệu m2, +30,7%) và Anh (15,3 triệu m2, +27,8%). Doanh số ở hai thị trường Israel và Libya đều giảm (lần lượt là 19,6% và 29%), nhưng lại giữ ổn định tại thị trường Nga với 13 triệu m2. Xét về giá trị, những thị trường nước ngoài hàng đầu của gạch ốp lát Tây Ban Nha phải kể đến Pháp (223,5 triệu €), Nga và Ảrập Xeut.
Italia: Năm 2014 lần đầu tiên Italia có sự phục hồi sản xuất mạnh mẽ đạt 381,7 triệu m2 (+5%), trong khi tổng doanh số tăng +1,4% đạt 394,6 triệu m2, tái cân bằng lượng gạch tồn kho trước đó. Doanh số nội địa tiếp tục giảm (từ 86,5 xuống còn 80,8 triệu m2, -6,6%) tạo doanh thu là 804 triệu € (-6%). Cùng với nhập khẩu, tổng tiêu thụ trong nước của Italia không vượt quá 96 triệu m2. Với vị thế là nước xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới, Italia tiếp tục tăng xuất khẩu cả về lượng (từ 302,7 lên 313,7 triệu m2, +3,6%) và thậm chí còn tăng trưởng đáng kể xét về giá trị (từ 3.870 lên 4.109 triệu €, +6,2%), nhờ giá bán trung bình tăng từ 12,6 lên 13,1€/m2. Doanh thu của ngành công nghiệp gạch ốp lát Italia đạt 4,91 tỷ € (+4%). Xuất khẩu sang các nước Tây Âu – thị trường lớn nhất của gạch ốp lát Italia (chiếm tới 49,7% trong tổng xuất khẩu của nước này) tăng tới 156 triệu m2 (+5,3%). Với mức tăng doanh số 10% đạt 48,2 triệu m2, Đức trở thành thị trường nước ngoài lớn nhất của gạch ốp lát Italia, tiếp đến là Pháp với 46,5 triệu m2 (-0,5%). Các thị trường tăng mạnh khác là Anh (+19,7%), Hy Lạp (+11%), Bỉ, Thụy Sỹ, Hà Lan, Croatia và Hungary. Doanh số cũng tăng ở khu vực NAFTA (+2,5% đạt 42 triệu m2, chiếm 13,4% tổng xuất khẩu của Italian), trong khi Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của nước này – đạt 34,3 triệu m2 (+2,2%). Khu vực Viễn Đông +8,5% đạt 16 triệu m2 và khu vực Balkans +4,9% đạt 15 triệu m2. Ngược lại, một số khu vực lại sụt giảm doanh số, cụ thể là Trung và Đông Âu (-2,2%), các nước vùng Vịnh, (-1,3%), châu Phi và Trung Đông (-4,2%), và khu vực Mỹ La tinh (-5,4%).
Năm 2014, ba nước xuất khẩu lớn nhất thế giới – Trung Quốc, Tây Ban Nha và Italia – chiếm tới 65,7% trong tổng xuất khẩu gạch ốp lát toàn cầu. Trong số các nước xuất khẩu hàng đầu, Italia và Tây Ban Nha vẫn duy trì thị phần lớn nhất xét về tỷ lệ % sản xuất, cả hai nước này đều có lượng xuất khẩu chiếm tới trên 82% tổng sản xuất của mỗi nước, trong khi UAE chỉ là 44% và Trung Quốc là 18,5%. Nhưng dấu hiệu cho thấy vị thế dẫn đầu của Italia chính là giá bán trung bình cao hơn hẳn so với các nước khác, cụ thể là 13€/m2 so với Tây Ban Nha 7€/m2, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Ba Lan đều chỉ ở mức 5€/m2.
Indonesia và Việt Nam: Trong số các nước sản xuất và tiêu thụ hàng đầu khi vực Đông Nam Á, Indonesia và Việt Nam là hai nước có tốc độ phát triển đặc biệt sôi động. Tại Indonesia, tiêu thụ tăng +13% đạt 407 triệu m2 và sản xuất tăng +7,7% đạt 420 triệu m2, bên cạnh đó xuất khẩu cũng được tăng cường đạt 46 triệu m2. Tăng trưởng của ngành công nghiệp gạch ốp lát ở Việt Nam thậm chí còn mạnh hơn với nhu cầu tiêu thụ đạt 310 triệu m2 (+23,5%) và sản xuất là 360 triệu m2 (+20%), xuất khẩu và nhập khẩu đều duy trì khoảng 30 triệu m2.
Iran là nước sản xuất duy nhất có sự thụt lùi đáng kể. So với công suất lắp đặt là 680 triệu m2, sản lượng thực tế của nước này giảm tới 18% (từ 500 xuống còn 410 triệu m2) do sự suy giảm mạnh trong lĩnh vực xây dựng nhà ở. Chỉ tính riêng quý I/2014, lượng nhà xây mới giảm tới 30% xét về mặt bằng chung cả nước và thậm chí tới 50% tại Tehran. Nhu cầu tiêu thụ gạch ốp lát trong nước ước tính giảm tới -20% đạt 280 triệu m2, mặc dù theo các nguồn tin chính thức từ nước này thì doanh số thậm chí còn ít hơn, lượng hàng tồn tương đối. Tương tự, xuất khẩu cũng giảm còn 109 triệu m2 (-4%), trong đó 77 triệu m2 được xuất sang thị trường Iraq (-15%) và số còn lại xuất sang các thị trường láng giềng, hầu hết đều tăng nhẹ.
Thổ Nhĩ Kỳ báo cáo sản xuất và tiêu thụ đều giảm nhẹ. Tiếp nối mức tăng trưởng hơn 20% trong năm 2013, năm 2014 sản xuất của nước này giảm từ 340 xuống 315 triệu m2 (-7,4%) và tiêu thụ từ 226 xuống 215 triệu m2 (-4,5%), sản xuất trong nước hầu như đáp ứng đủ. Xuất khẩu cũng giảm từ 88 xuống 85 triệu m2 (-3,4%), doanh thu của ngành đạt 600 triệu USD (450 triệu €). Các thị trường xuất khẩu hàng đầu của gạch ốp lát Thổ Nhĩ Kỳ xét về giá trị là Đức (66 triệu USD, +8,2%), Israel (61 triệu USD, +3,3%) và Anh (57 triệu USD, +21,3%). Còn xét về lượng, Israel là thị đầu bảng của Thổ Nhĩ Kỳ với 11 triệu m2, tiếp đến là Đức và Anh.
Trong năm 2014 10 nước nhập khẩu hàng đầu thế giới đã nhập tổng công 950 triệu m2 gạch ốp lát, tương đương 35,4% tổng nhập khẩu/xuất khẩu toàn cầu. Chỉ trừ Nga có lượng nhập khẩu chiếm 1/3 tổng tiêu thụ trong nước, tất cả các nước trong bảng Top 10 nước nhập khẩu hàng đầu đều có chung tình trạng nhập khẩu đáp ứng hơn một nửa nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt là Nigeria lên tới 89% và Iraq thậm chí còn tới 99%, trong khi Pháp là 86% và Đức là 79%.
Mỹ vẫn duy trì là nước nhập khẩu gạch ốp lát lớn nhất thế giới với lượng nhập khẩu đạt 159 triệu m2 (-0,6%). Con số này tương đương 69% tổng tiêu thụ của nước này là 231 triệu m2 (+0,4%). Sản xuất trong nước tiếp tục mở rộng đạt 76,3 triệu m2 (+3,4%) và một số đầu tư mới đang trong quá tình xây dựng ở Tennessee. Có sự sụt giảm lượng gạch nhập khẩu từ hai nước cung cấp lớn là Mexico và Trung Quốc, nhưng bù lại nhập khẩu từ Italia, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tăng. Italia - nước có các tập đoàn lớn cũng kiểm soát một phần ngành sản xuất gạch ốp lát của Mỹ - vẫn duy trì vị thế là nhà xuất khẩu hàng đầu xét về giá trị với doanh số CIF đạt 635 triệu USD (tăng +8,7% tiếp sau mức tăng 18% của năm 2013), tương đương 35% tổng giá trị nhập khẩu của Mỹ.
Ảrập Xeut, nước nhập khẩu gạch ốp lát lớn thứ hai thế giới tiếp tục tăng nhu cầu tiêu thụ trong nước (năm 2014 lượng nhập khẩu của nước này là 244 triệu m2, +3,8%), bên cạnh đó sản xuất cũng tăng từ 90 lên 100 triệu m2, trong đó 61 triệu m2 là của công ty Saudi Ceramics sản xuất, do đó lượng nhập khẩu giảm xuống còn 149 triệu m2 (-3,9%). Các phân tích nhập khẩu của Ả rập Xeut cho thấy lượng nhập từ Trung Quốc giảm (-18 triệu m2) tương đương với lượng tăng nhập khẩu từ Ấn Độ.
- Tạp chí Gốm sứ xây dựng số 124 quý III năm 2024
- Tạp chí Gốm sứ xây dựng số 123 quý II năm 2024
- Tạp chí Gốm sứ xây dựng số 122 quý I năm 2024
- Xuất nhập khẩu gốm sứ Trung Quốc năm 2023
- Tình hình xuất nhập khẩu sứ vệ sinh thế giới năm 2022 và 2023
- Top 30 công ty sản xuất sứ vệ sinh lớn nhất thế giới năm 2023
- Top 25 tập đoàn sản xuất gạch ốp lát lớn nhất thế giới năm 2023
- Tạp chí Gốm sứ xây dựng số 121 quý IV năm 2023
- Tạp chí Gốm sứ xây dựng số 120 quý III năm 2023
- Tạp chí Gốm sứ xây dựng số 119 quý II năm 2023
- Tạp chí Gốm sứ xây dựng số 118 quý I năm 2023
- Tình hình ngành gốm sứ xây dựng Việt Nam năm 2022 và những thách thức năm 2023
- Tình hình xuất nhập khẩu sứ vệ sinh thế giới
- Xuất khẩu gạch ốp lát Ấn Độ tăng mạnh
- Nhìn lại ngành gốm sứ Trung Quốc năm 2022
- Tình hình hoạt động kinh doanh của các nước sản xuất gốm sứ lớn trên thế giới
- Tạp chí Gốm sứ xây dựng số 117 quý IV năm 2022
- Tạp chí Gốm sứ xây dựng số 116 quý III năm 2022
- Tạp chí Gốm sứ xây dựng số 115 quý II năm 2022
- Tạp chí Gốm sứ xây dựng số 114 quý I năm 2022
tin nổi bật
- Tập đoàn VTHM tự hào lần thứ 2 liên tiếp đón nhận Thương hiệu quốc gia cho sản phẩm gạch men Vitto
- Họp báo Triển lãm Triển lãm ASEAN Ceramics and Stone 2024
- Hiệp hội cùng các doanh nghiệp hội viên tham quan và làm việc tại Tecna và Cersaie 2024 Ý
- Viglacera kỷ niệm 50 năm thành lập
- Viglacera lọt Top 10 Thương hiệu xanh 2024
- SCG công bố kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024
- Tưng bừng khai trương Showroom Apodio tại Thanh Hóa
- Mỹ nộp đơn khởi kiện chống trợ cấp và chống bán phá giá đối với gạch ốp lát Ấn Độ