Khởi công xây dựng nhà máy Thạch Bàn xanh

1/26/2016 11:13:30 AM

Sáng ngày 1/7/2010, tại xã Tiền An, huyện Yên Hưng, Quảng Ninh Công ty cổ phần Thạch Bàn Xanh tổ chức khởi công xây dựng nhà máy sản xuất gạch công nghệ cao Thạch Bàn Xanh công suất 60  triệu viên/năm (giai đoạn I). Tới dự lế có đại diện của nhiều cơ quan địa phương, Bộ Xây dựng, các Hội trung ương, cơ quan truyền hình, báo chí, các đối tác, các nhà khoa học, các nhà sản xuất VLXD...   

Trước xu thế không dùng đất nông nghiệp để sản xuất gạch ngói, sau nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm Cty Thạch Bàn đã thành công làm chủ “công nghệ bán dẻo” sản xuất gạch nung chủ yếu từ đất đồi. Trong buổi lễ long trọng khởi công xây dựng nhà máy Thạch Bàn xanh ông Nguyễn Thế Cường – Tổng giám đốc Công ty Thạch Bàn đã tóm tắt một số ưu điểm của công nghệ này như sau:

-          Là công nghệ bán dẻo, sử dụng nguyên liệu “gầy” là đất đồi, xỉ lò than, phế thải, phù hợp với định hướng không sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất gạch ngói.
-          Nhiên liệu không phải cho thêm than cám mà có thể dùng than xít, trong khi VN đến năm 2013-2015 phải nhập than thì việc dùng than xít của công nghệ này hoàn toàn chủ động về nhiên liệu.
-          Không dùng nhà kính làm sân phơi nên không phụ thuộc vào thời tiết. Độ ẩm của gạch mộc W=13-16% nên gạch mộc đã đủ độ cứng xếp lên xe goòng.
-          Tiết kiệm nhân công, tính cơ giới và tự động cao, trong khi lò tuynel thông thường cần 6 người/ triệu viên thì công nghệ bán dẻo này chỉ cần 2 người/triệu viên.
-          Diện tích mặt bằng của nhà máy không cần lớn, thời gian xây dựng nhanh chỉ khoảng 7-9 tháng, trong khi công suất được nâng cao. Với diện tích cho nhà máy gạch tuynel 60 triệu viên/năm thông thường khoảng 9 ha thì với công nghệ này hàng năm có thế làm được 120 triệu viên và 3 triệu m2 ngói.
-          Đa dạng được các loại sản phẩm, có thể sản xuất các sản phẩm mỏng như ngói, gạch Côttô.
-          Công nghệ đáp ứng yêu cầu về bảo đảm môi trường do tận dụng được nhiều dạng phế thải làm nguyên liệu, nhà máy đầu tư vùng đồi núi xa khu dân cư.

Dự án nhà máy Thạch Bàn xanh có tổng vốn đầu tư 57 tỷ đồng, trong đó thiết bị tạo hình chính nhập khẩu, các thiết bị còn lại do Cty Thạch Bàn tự chế tạo và xây lắp, sử dụng 150 lao động.  

Thay mặt cho ngành VLXD Chủ tịch Hội VLXD VN – ông Trần Văn Huynh đánh giá cao thành công “công nghệ bán dẻo” của Thạch Bàn dùng nguyên liệu đất đồi và các vật liệu “gầy” để sản xuất ra loại gạch truyền thống được tin dùng ở Việt Nam, tuy nhiên cần hoàn chỉnh để công nghệ này thực sự là công nghệ “xanh”. Đồng thời ông Chủ tịch Hội cũng lưu ý các vấn đề bất cập của sản xuất gạch thủ công là tàn phá ruộng đồng, biến đất canh tác thành ao hồ lổn nhổn, ảnh hưởng đến an ninh lương thực, mức tiêu hao nhiên liệu than cao (gấp đôi lò tuynel) thải nhiều khí thải vào môi trường... do đó phải nhanh chóng chuyển đổi sang sản xuất bằng công nghệ phù hợp.     

Khởi công xây dựng Thạch Bàn xanh

Sản phẩm đã được sản xuất thử thành công

                                                       Quốc Hùng
Các bài viết khác