Viglacera khởi công nhà máy sứ quy mô lớn tại Bà Rịa Vũng Tàu

10/6/2017 4:34:36 PM

Sáng 25/7/2017, Tổng Công ty Viglacera - CTCP đã tiến hành khởi công xây dựng Nhà máy sứ Viglacera Mỹ Xuân tại Bà Rịa Vũng Tàu.

Theo đó, nhà máy sứ Viglacera Mỹ Xuân được đầu tư xây dựng trên khu đất có diện tích 50.155 m2 tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án có tổng công suất 750.000 sản phẩm/năm với tổng mức đầu tư dự án là 481.583.677.000 đồng.

Dự kiến sau 9 tháng xây dựng, Viglacera sẽ chính thức cung cấp ra thị trường những dòng sản phẩm sứ vệ sinh cao cấp đạt chất lượng quốc tế, gia tăng sản phẩm tập trung phát triển tại thị trường phía Nam đầy tiềm năng mới.

Sự lựa chọn thiết bị và công nghệ trên cơ sở khảo sát tại các nhà máy hiện đại trong và ngoài nước kết hợp với nghiên cứu thị trường cũng như xu hướng phát triển của ngành sản xuất sứ vệ sinh, dự kiến công nghệ sản xuất của nhà máy sẽ ở trình độ cao với khả năng tự động hóa, cơ giới hóa giảm thiểu sức lao động, đảm bảo môi trường Xanh trong sản xuất.

Dự án Nhà máy sứ Viglacera Mỹ Xuân được Viglacera khởi công nhân dịp kỷ niệm 42 năm ngày truyền thống (25/7/1974 – 25/7/2016). Cùng với sự kiện khởi công Nhà máy sứ Viglacera Mỹ Xuân, Tổng công ty Viglacera tổ chức lễ khánh thành Nhà máy Kính tiết kiệm năng lượng Viglacera tại KXS Tân Đông Hiệp, Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Cùng thời điểm, Tổng công ty tổ chức Lễ động thổ xây dựng nhà máy sản xuất kính nổi siêu trắng Phú Mỹ công suất 600 tấn/ngày (giai đoạn 1) và có tổng mức đầu tư hơn 2.423 tỷ đồng tại KCN Phú Mỹ II mở rộng, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (liên doanh giữa TCT Viglacera - CTCP (Viglacera), Công ty Tập đoàn khoa học kỹ thuật Khải Thịnh (CTIEC, Trung Quốc) và Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO). Dự kiến sau 18 tháng, thành phẩm kính nổi siêu trắng của Cty TNHH kính nổi siêu trắng Phú Mỹ sẽ được đưa ra thị trường với các sản phẩm kính nổi siêu trắng, kính xây dựng chất lượng cao, độ dày từ 3-19mm, phù hợp yêu cầu thịtrường nội địa và xuất khẩu để sản xuất pin năng lượng mặt trời.

Hiện nay, tại Việt Nam chỉ có nhà máy kính Float VGI của công ty kính nổi Nippon - Nhật Bản sản xuất kính siêu trắng để xuất khẩu hoàn toàn.Việt Nam chưa có dây chuyền sản xuất kính nổi siêu trắng thứ hai nàođược xây dựng. Do đó có thể thấy, nhu cầu của Việt Nam đối với việc xây dựng dây chuyền sản xuất kính nổi siêu trắng chất lượng cao là thực sự là cần thiết và cấp thiết.

Bên cạnh đó, điện năng lượng mặt trời đang trở thành một ngành công nghiệp phát triển. Hiện nay, mặc dù pin năng lượng mặt trời ở Việt Nam mới đang ở giai đoạn bắt đầu phát triển. Nhưng khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, cùng những chính sách ưu đãi bảo vệ của Chính phủ đối với sản phẩm công nghệ cao và năng lượng tái tạo. Đang có nhiều nhà đầu tư phát triển lắp ráp modul pin năng lượng mặt trời tại Việt Nam. Đây là cơ hội để phát triển sản xuất các sản phẩm cấu thành nên modul pin năng lượng mặt trời trong đó có kính siêu trắng.

Đây là các dự án trọng điểm của Viglacera trong việc tăng năng lực sản xuất, khẳng định vai trò tiên phong trong công nghệ cao cung cấp các sản phẩm thân thiện môi trường và là bước tiến quan trọng trong việc phát triển, mở rộng và tạo chỗ đứng vững chắc trên mảnh đất phương Nam.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, lợi nhuận trước thuế từ hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn Tổng công ty Viglacera – CTCP ước đạt 129% so với kế hoạch 6 tháng đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua và tăng 53% so với cùng kỳ 2015, trong đó Công ty mẹ đạt lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt 143% kế hoạch, chiếm 55% tổng lợi nhuận của toàn TCT và tăng lãi 87 tỷ đồng so với cùng kỳ 2015.

Các bài viết khác