Việt Nam sau 3 năm gia nhập WTO: cái được lớn nhất là xuất khẩu và đầu tư

1/22/2016 10:17:29 AM

Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo "Vận hội và thách thức của Việt Nam sau 3 năm gia nhập WTO" được tổ chức ngày 12/1 tại Hà Nội.

Thống kê cho thấy, năm 2007, xuất khẩu tăng 21,3%, năm 2008 tăng 29%. Năm 2009, xuất khẩu giảm 9% nhưng nếu chưa hội nhập, rất có thể xuất khẩu sẽ ở mức âm. GS Nguyễn Mại, nguyên phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư cho rằng, thu hút đầu tư nước ngoài cũng là điểm sáng trong bức tranh hội nhập. "Năm 2008, vốn đăng ký lên tới 64 tỷ USD, vốn thực hiện là 11,6 tỷ USD. Số vốn đăng ký của năm 2009 đạt 21 tỷ USD, tuy giảm khá nhiều so với năm 2008 nhưng vẫn là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh FDI quốc tế sụt giảm nhiều. Những con số trên cho thấy sự tin cậy của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam. Cùng với việc gia nhập WTO, chúng ta đã thực hiện minh bạch hóa chính sách, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính... do đó đã tạo lập môi trường kinh doanh có sức hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư quốc tế, tạo nên những đột phá về thu hút đầu tư nước ngoài", GS Nguyễn Mại đánh giá.

Tuy nhiên, hội nhập kinh tế cũng làm lộ rõ hơn những điểm còn tồn tại của nền kinh tế đất nước. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhận diện những điểm yếu đó là về: Hạ tầng, nguồn nhân lực và cơ chế chính sách... Tính đồng bộ của các văn bản pháp lý vẫn còn yếu, có khi luật sau mâu thuẫn với luật trước, luật được ban hành không đủ chi tiết để thi hành nên vẫn phải phụ thuộc quá nhiều vào văn bản dưới luật như thông tư, nghị định nữa... Việc lôi kéo những tập đoàn lớn, công nghệ cao như Intel, Canon... vào nước ta là một thành công về thu hút đầu tư nhưng cũng đặt ra yêu cầu rất lớn về nguồn nhân lực. Như vừa qua, Intel cần 3.000 lao động nhưng nước ta không đáp ứng được. 

GS Nguyễn Mại còn đặc biệt lo ngại tư tưởng trì hoãn hội nhập, muốn kéo dài chủ trương bảo hộ mậu dịch đối với một số sản phẩm trong nước: "Dưới nhiều hình thức và bằng nhiều phương tiện, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch thường nhân danh bảo vệ lợi ích các nhà sản xuất, phân phối để đặt ra những rào cản về thể chế kỹ thuật... để đưa ra những điều kiện làm chậm quá trình mở cửa thị trường. Tôi thấy buồn khi vừa rồi nghe một Thứ trưởng của Bộ Công Thương phát biểu trên truyền hình rằng cần có chính sách bảo hộ cao để công nghiệp sản xuất ôtô trong nước phát triển. Chúng ta không thể đương đầu với thế giới bằng đóng cửa lại mà phải chấp nhận cạnh tranh là xu hướng tất yếu. Thị trường viễn thông là một ví dụ, nếu không mở cửa và cạnh tranh không thể phát triển như hiện nay. Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam cũng vậy, không thể phát triển nếu dựa vào bảo hộ mậu dịch như hiện nay".

Thực tế của 20 năm đổi mới đã cho thấy, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt cần cẩn trọng trong việc mở cửa thị trường, nhìn chung chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch là nguyên nhân quan trọng của tình trạng độc quyền, không cạnh tranh do vậy dẫn tới công nghệ chậm đổi mới, phương thức sản xuất kém hiệu quả, chất lượng và mẫu mã hàng hóa không đủ sức cạnh tranh. Cạnh tranh sẽ làm cho hàng hóa Việt Nam ngày càng có chất lượng, mẫu mã, kiểu dáng đẹp hơn từ đó mới có thể đứng vững ở thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản... Do đó, cần xem việc thực hiện các cam kết quốc tế không phải là nghĩa vụ mà đó còn là nhu cầu nội tại của đất nước.

Từ những phân tích ở trên các chuyên gia nhận định việc chọn mô hình, định hướng cho phát triển kinh tế nước ta trong những năm tiếp theo là rất quan trọng. Trong năm 2010, kinh tế thế giới được dự báo sẽ phục hồi nhưng sẽ vẫn còn rất nhiều khó khăn, kéo theo đó kinh tế nước ta cũng bắt đầu vượt khỏi suy giảm. Tuy nhiên, cần lưu ý là sau mỗi lần khủng hoảng thì kinh tế thế giới lại có sự tái cấu trúc rất mạnh mẽ, nếu không bắt kịp tiến trình này thì nước ta sẽ rất khó để tận dụng cơ hội phát triển. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan lưu ý: Nhà nước và DN sẽ phải đối mặt với những mối quan hệ tưởng như mâu thuẫn: Tốc độ tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng, giữa tăng trưởng và ổn định vĩ mô, cân bằng giữa thị trường ngoài nước và trong nước, giữa can thiệp của Nhà nước và tính thị trường. Chính vì vậy, lựa chọn mô hình phát triển như thế nào là hết sức quan trọng.

Theo GS Nguyễn Mại, đã đến lúc người Việt Nam vượt qua rào cản tư duy của một nước lạc hậu, phụ thuộc vào viện trợ tài chính và công nghệ nước ngoài để có tư duy của một nước có vị thế quan trọng ở Đông Nam Á và có vị thế đang tăng lên ở châu Á và thế giới. Với tư cách là thành viên WTO, Nhà nước lên lập nhóm chuyên gia của các ngành để tham gia vào các vòng đàm phán DOHAnhằm kết thúc vòng đàm phán này có lợi cho các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Chúng ta cũng phải làm nhiều việc hơn nữa để các quốc gia và thể chế kinh tế sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, vì điều này có lợi cho việc các doanh nghiệp Việt Nam đương đầu với các vụ kiện bán phá giá.

                                                                 Vân Anh

Các bài viết khác