Viện Vật liệu xây dựng thích ứng bình thường mới

7/7/2022 5:04:35 PM

Trong bối cảnh đất nước đang phải đối mặt với những khó khăn và thách thức của đại dịch Covid-19, Viện Vật liệu xây dựng (VIBM) đã thích ứng trong trạng thái “bình thường mới”, qua đó, tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển VLXD.

Đại dịch Covid-19 đã gây tác động và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội trên cả nước, trong đó có ngành Xây dựng. Theo báo cáo tổng kết của Bộ Xây dựng, nhìn chung giá trị tăng thêm ngành Xây dựng năm 2021 ước thực hiện vẫn tương đương so với năm 2020, đây là một kết quả khá tích cực. VIBM là một trong những đơn vị giữ vững được sự ổn định trong hoạt động nghiên cứu và phát triển trong năm 2021.

Năm 2021 là một năm đặc biệt do nhiều dự án phải dừng, giãn, hoãn tiến độ thi công xây dựng nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, cung ứng, tiêu thụ VLXD. Ước tính sản lượng tiêu thụ một số VLXD chủ yếu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020 đều giảm như: Đá ốp lát khoảng 17 triệu m2, giảm khoảng 10%; Gạch ốp lát khoảng 440 triệu m2, giảm khoảng 13%; Vôi công nghiệp khoảng 2,3 triệu tấn, giảm khoảng 8%; Tấm lợp amimăng khoảng 36 triệu m2, giảm khoảng 20%; Gạch nung 18,4 tỷ viên, giảm khoảng 26%; Gạch không nung 3,35 tỷ viên, giảm khoảng 33%. Chỉ có một số ít mặt hàng tăng tiêu thụ như xi măng tiêu thụ ước đạt khoảng 105,6 triệu tấn, tăng khoảng 2%; Kính xây dựng khoảng 186 triệu m2, tăng khoảng 24%; Sứ vệ sinh khoảng 16 triệu sản phẩm, tăng khoảng 7%.

Trong bối cảnh thực tế khó khăn của năm 2021, với sự điều hành quyết liệt của ban lãnh đạo và nỗ lực cao của toàn thể viên chức và người lao động, VIBM đã hoàn thành các nhiệm vụ được Bộ Xây dựng giao và thể hiện rõ vai trò là đơn vị nghiên cứu khoa học đầu ngành về lĩnh vực VLXD. VIBM đã thực hiện tốt vai trò Trưởng ban kỹ thuật tiêu chuẩn, quy chuẩn về vật liệu và cơ khí xây dựng, đã tổ chức họp ban kỹ thuật thường xuyên để rà soát, tham mưu hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn lĩnh vực VLXD và cơ khí xây dựng. VIBM đã thực hiện tích cực vai trò đầu mối của Bộ Xây dựng về việc tham gia Ủy ban Tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng ASEAN (ACCSQ). Năm 2021, VIBM đã ra mắt Tạp chí Vật liệu và Xây dựng số đầu tiên (phiên bản mới) đánh dấu bước chuyển mình trong công tác xuất bản các bài báo khoa học của Viện để đáp ứng các tiêu chí ngày càng khắt khe của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, tiến tới hội nhập vào hệ thống dữ liệu trích dẫn ASEAN (ACI).

Hàng loạt công việc phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng đã được VIBM triển khai hiệu quả trong năm, bao gồm: Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn lĩnh vực VLXD và cơ khí xây dựng (thực hiện Đề án Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng theo Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 09/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ); Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu, đánh giá, giám sát mức độ tiêu thụ năng lượng và đề xuất giải pháp tiết kiệm năng lượng của các cơ sở sản xuất VLXD; Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp quản lý, kiểm tra chuyên ngành sản phẩm hàng hóa VLXD nhập khẩu sau khi thông quan theo nguyên tắc quản lý rủi ro; Nghiên cứu xây dựng hướng dẫn kỹ thuật bảo vệ môi trường, giảm thiểu bụi và tiếng ồn trong thi công xây dựng công trình; Nghiên cứu, tổ chức thực hiện thử nghiệm thành thạo hỗ trợ quản lý phòng thí nghiệm LAS XD, lĩnh vực: xi măng, vữa xây và gạch gốm ốp lát; Điều tra, khảo sát, xây dựng báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành Xây dựng; Khảo sát, đánh giá, xây dựng CSDL, đề xuất các giải pháp quản lý, sử dụng tro xỉ nhà máy nhiệt điện và xỉ thép nhà máy luyện gang thép làm VLXD, vật liệu san lấp và quy trình kiểm soát ô nhiễm môi trường; Điều tra, khảo sát đánh giá tác động môi trường và xây dựng hướng dẫn kỹ thuật ứng dụng các sản phẩm VLXD từ nhựa tái chế; Khảo sát, đánh giá hiện trạng xử lý nước thải từ quá trình khí hóa than trong sản xuất gạch gốm ốp lát, lựa chọn giải pháp xử lý phù hợp đảm bảo môi trường; Điều tra, khảo sát đánh giá tình hình sử dụng các nguồn cát biển, cát nhiễm mặn, trong xây dựng; Điều tra, đánh giá về việc áp dụng sự tiến bộ KHCN trong ngành sản xuất VLXD giai đoạn 2015 - 2020 và đề xuất các sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích áp dụng tiến bộ KHCN; Điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp quản lý, định hướng phát triển ngành công nghiệp sản xuất bê tông cấu kiện và bê tông thương phẩm.

Hội thảo quốc tế trực tuyến kết hợp trực tiếp về Công nghệ in bê tông 3D.

Đồng thời, VIBM đã thực hiện tốt, đảm bảo tiến độ các đề tài nghiên cứu KHCN cấp Nhà nước và nhiệm vụ KHCN trọng điểm của Bộ Xây dựng như: Nghiên cứu công nghệ tái chế polyurethane phế thải làm vật liệu cách nhiệt (Nghị định thư với Hàn Quốc); Nghiên cứu chế tạo và ứng dụng bê tông nhẹ cường độ cao trên cơ sở hạt vi cầu từ tro bay và phụ gia nano cho công trình dân dụng và công nghiệp (Nghị định thư với Nga); Nghiên cứu sử dụng tro xỉ nhiệt điện thay thế cốt liệu tự nhiên để chế tạo tấm tường rỗng bê tông nhẹ đúc sẵn; Hoàn thiện công nghệ sản xuất xi măng alumin sử dụng chất thải công nghiệp làm nguyên liệu; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ in 3D trong chế tạo VLXD tính năng cao; nghiên cứu tái chế, sử dụng bùn đỏ, bùn thải nạo vét lòng sông, tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện và nhà máy luyện gang thép, tro xỉ lò đốt chất thải rắn sinh hoạt làm VLXD, chất thải rắn sinh hoạt chứa năng lượng trong sản xuất clinker xi măng; nghiên cứu chế tạo xi măng siêu ít clinker; nghiên cứu làm chủ công nghệ sản xuất gạch nung bằng lò tròn; nghiên cứu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính,…

Viện luôn sẵn sàng phối hợp thực hiện công tác thí nghiệm, kiểm định, chứng nhận chất lượng hợp chuẩn, hợp quy các chủng loại VLXD để phục vụ công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng và sản xuất của các doanh nghiệp. Trong thực tiễn, những kết quả nghiên cứu và thí nghiệm do VIBM thực hiện được các doanh nghiệp, đơn vị ứng dụng đánh giá cao về chất lượng, tính hiệu quả. Đơn cử như việc sửa chữa cầu Thăng Long với công nghệ bê tông UHPC, trong quá trình sửa chữa cầu Thăng Long, VIBM đã thành lập phòng thí nghiệm tại hiện trường để thực hiện công tác thí nghiệm, kiểm soát chất lượng vật liệu đầu vào, chất lượng bê tông UHPC trong suốt quá trình thi công dự án. Sau hơn một năm đưa vào sử dụng, mặt cầu Thăng Long hoạt động rất ổn định mà không xuất hiện tình trạng xuống cấp như nhiều lần sửa chữa trước đây, điều này được các chuyên gia đánh giá rất cao, đặc biệt là người dân sử dụng phương tiện ô tô thường xuyên di chuyển qua đây.

VIBM đã không ngừng phát triển quy mô, mở rộng các lĩnh vực hoạt động dịch vụ để tiếp tục nâng cao thu nhập cho viên chức và người lao động, cũng như năng lực thích ứng thị trường, hoạt động thực tiễn của đội ngũ viên chức và người lao động, đóng góp quan trọng vào khả năng tự chủ về tài chính của Viện. Năm 2021, VIBM đã phê duyệt đề án và quyết định thành lập Trung tâm Vật liệu xây dựng công trình giao thông để đáp ứng được nhu cầu phát triển mạnh mẽ của ngành VLXD của đất nước.

Trước tình hình “bình thường mới”, VIBM đã tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và quá trình số hóa trong mọi hoạt động của Viện. Để đảm bảo quy định 5K, VIBM đã nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin đáp ứng chất lượng và an ninh thông tin. Trong năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng VIBM đã tổ chức thành công nhiều cuộc họp và hội thảo trong và ngoài nước trên nền tảng trực tuyến kết nối các nhà nghiên cứu khoa học và các tập đoàn, doanh nghiệp để đưa kết quả nghiên cứu khoa học đến với thực tiễn sản xuất.

PGS.TS Lê Trung Thành - Viện trưởng VIBM cho biết: Bước sang năm 2022, VIBM sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả mô hình tự chủ tài chính của một đơn vị sự nghiệp khoa học công lập thuộc Bộ Xây dựng để thích ứng nhanh với nhiều nhiệm vụ phát triển VLXD ngày càng phức tạp hơn, đáp ứng các nội dung trong Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050. Nhằm thực hiện được mục tiêu trên, VIBM sẽ tăng cường đào tạo cán bộ sau đại học, đào tạo chuyên gia, thu hút nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học công nghệ có chất lượng cao, chủ động hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm quản lý điều hành, dịch vụ tư vấn đầu tư, nghiên cứu phát triển sản phẩm VLXD mới; tăng cường công tác đầu tư phát triển Viện đặc biệt là hệ thống phòng thí nghiệm với các thiết bị nghiên cứu đồng bộ, hiện đại.

VIBM tiếp tục thể hiện rõ vai trò là đơn vị nghiên cứu khoa học đầu ngành

Các bài viết khác