Viện Vật liệu xây dựng: Đơn vị nghiên cứu đầu ngành vượt khó

4/16/2021 11:05:43 AM

Năm 2020 là một năm đầy thách thức và khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng đứng trước thực tế phát triển và yêu cầu của ngành, Viện Vật liệu xây dựng (VLXD) đã nỗ lực thực hiện thành công các mục tiêu chính về nghiên cứu chính sách phục vụ công tác quản lý Nhà nước, nghiên cứu khoa học và triển khai các dịch vụ khoa học công nghệ, đóng góp quan trọng vào phát triển chung của ngành Xây dựng.

Hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ

Nhiều nghiên cứu chính sách phục vụ công tác quản lý nhà nước được Viện VLXD hoàn thành xuất sắc trong năm qua, trong đó phải kể đến việc hoàn thiện nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển VLXD thời kỳ 2021 - 2030 và định hướng đến năm 2050. Chiến lược đầu tiên của quốc gia về phát triển VLXD đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020.

Mục tiêu tổng quát của chiến lược là phát triển ngành công nghiệp VLXD đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; Sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của trị trường trong nước; Loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất VLXD lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; Xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế. Hạn chế xuất khẩu những sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu là tài nguyên khoáng sản không tái tạo.

Theo PGS.TS Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện VLXD: Chiến lược phát triển VLXD lần này mang tính chất dẫn dắt thị trường. Định hướng xuyên suốt của chiến lược là tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm hiệu ứng nhà kính… Nếu các đơn vị thực hiện chiến lược, triển khai theo đúng lộ trình thì hàm lượng tài nguyên thiên nhiên sử dụng trong sản xuất VLXD sẽ giảm dần đều theo thời gian. Ngành VLXD sẽ đem lại lợi ích kép, vừa phát triển VLXD vừa xử lý môi trường cho các ngành khác.

Có thể đánh giá, Chiến lược phát triển VLXD có tầm nhìn, đầy đủ, sâu sắc, theo kịp sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới, cũng như tạo sự hài hòa lợi ích phát triển bền vững của xã hội, kinh tế, môi trường. Đây là điều khác biệt so với phát triển VLXD trước đây của chúng ta.

Ông Tống Văn Nga - Chủ tịch Hiệp hội VLXD cũng đánh giá rằng: Việt Nam có Chiến lược phát triển VLXD là đúng đắn, đây là chiến lược rất công phu được các đơn vị, trong đó có Viện VLXD hoàn thành bài bản. Chiến lược này cần được phổ biến rộng rãi cho tất cả các địa phương để nhanh chóng tổ chức thực hiện trên toàn quốc.

Trong năm 2020, Viện VLXD còn thể hiện đậm nét vai trò Trưởng ban kỹ thuật tiêu chuẩn, quy chuẩn về vật liệu và cơ khí xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng giao; tổ chức họp Ban kỹ thuật thường xuyên và tích cực tham gia nghiên cứu hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn lĩnh vực VLXD và cơ khí xây dựng, góp phần quan trọng triển khai hiệu quả Đề án Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng theo Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 09/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, Viện luôn đi đầu về việc thực hiện công tác kiểm định, chứng nhận chất lượng, hợp chuẩn, hợp quy các chủng loại VLXD để phục vụ công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng và sản xuất của các DN.

Mới đây, sự kiện cầu Thăng Long thông xe sau 150 ngày sửa chữa với công nghệ bê tông tính năng siêu cao (UHPC) hiện đại cũng ghi nhận dấu ấn đặc biệt của Viện VLXD. Trong quá trình sửa chữa cầu Thăng Long, Viện VLXD đã thành lập phòng thí nghiệm tại hiện trường để thực hiện công tác thí nghiệm, kiểm soát chất lượng vật liệu đầu vào, chất lượng bê tông UHPC trong suốt quá trình thi công dự án. Cầu Thăng Long được Bộ GTVT sửa chữa nhiều lần nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, vì vậy lần sửa chữa thành công này với công nghệ bê tông UHPC sẽ có ý nghĩa rất lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Bên cạnh đó, Viện VLXD còn thể hiện rõ vai trò là đơn vị nghiên cứu khoa học đầu ngành  có thế mạnh trong hợp tác quốc tế với các dự án nghiên cứu lớn cấp Nhà nước và cấp Bộ như: Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sử dụng tro bay thay thế đất sét trong sản xuất clinker xi măng; Nghiên cứu chế tạo và ứng dụng bê tông nhẹ cường độ cao trên cơ sở hạt vi cầu từ tro bay và phụ gia Nano cho công trình dân dụng và công nghiệp; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ in 3D trong chế tạo VLXD tính năng cao; Nghiên cứu tái chế, sử dụng bùn đỏ, bùn thải nạo vét lòng sông, tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện và nhà máy luyện gang thép, tro xỉ lò đốt chất thải rắn sinh hoạt làm VLXD; Nghiên cứu chế  tạo xi măng siêu ít clinker…

PGS.TS Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện VLXD giới thiệu về công nghệ bê tông UHPC sửa chữa cầu Thăng Long với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh.

Tháng 6/2020, trong buổi làm việc cùng Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và lãnh đạo các Bộ, ngành tại trụ sở Viện VLXD, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã đánh giá rất cao những đóng góp của VIBM trong việc luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phục vụ công tác quản lý nhà nước, định hướng quy hoạch, chiến lược phát triển, đổi mới hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật VLXD với nhiều công trình tiêu biểu và thành tựu ứng dụng khoa học công nghệ nổi bật… đặc biệt là nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển VLXD thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.

Lớn mạnh để đáp ứng tốc độ phát triển mạnh mẽ ngành VLXD

Theo nhận định của PGS.TS Lê Trung Thành: Trong 10 năm tới, VLXD nước ta chắc chắn vẫn là một lĩnh vực quan trọng, có đóng góp đáng kể đến sự nghiệp phát triển của đất nước nói chung cũng như đối với ngành Xây dựng nói riêng. Phát triển VLXD của Việt Nam sẽ thuộc tốp đầu trên thế giới.

Đến năm 2030, dự báo sản lượng một số chủng loại VLXD chủ yếu ước đạt như sau: Xi măng 125 - 145 triệu tấn (xuất khẩu 25 - 35 triệu tấn), gạch ốp lát 670 - 690 triệu m2 (xuất khẩu 130 -  140 triệu m2), sứ vệ sinh 37 - 43 triệu sản phẩm (xuất khẩu 7 - 8 triệu sản phẩm), kính xây dựng giữ ổn định 210 - 250 triệu m2 (xuất khẩu 10 - 20 triệu m2), gạch xây đất sét nung giảm xuống 22 - 25 tỷ viên quy tiêu chuẩn, vật liệu xây không nung tăng lên 16 - 20 tỷ viên quy tiêu chuẩn, bê tông 250 - 270 triệu m3 các loại.

Phát triển VLXD nước ta sẽ ngày càng hiệu quả, bền vững, các sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước, xuất khẩu có chọn lọc các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế; Tiếp cận và ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ, quản lý nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Sử dụng hiệu quả tài nguyên, triệt để tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu; Hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD và sản xuất VLXD; Loại bỏ công nghệ sản xuất VLXD lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường…

Để đáp ứng được tốc độ phát triển mạnh mẽ của ngành VLXD trong thời gian tới, PGS.TS Lê Trung Thành cho biết Viện VLXD sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả mô hình tự chủ tài chính của một đơn vị sự nghiệp khoa học công lập thuộc Bộ Xây dựng để thích ứng nhanh với nhiều nhiệm vụ phức tạp hơn. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để cho Viện phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và đồng bộ.

Viện VLXD sẽ đẩy mạnh công tác nghiên cứu KHCN cả về chất và lượng, tiếp tục đề xuất các nhiệm vụ KHCN mang tầm cỡ quốc gia, trong đó tập trung nghiên cứu chế tạo các sản phẩm mới, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, tái sử dụng chất thải, phế thải công nghiệp và dân sinh; phát triển VLXD cho các công trình biển và hải đảo... Đồng thời, không ngừng phát triển quy mô, mở rộng các lĩnh vực hoạt động dịch vụ ứng dụng KHCN để tiếp tục nâng cao thu nhập của CBVC, cũng như năng lực thích ứng thị trường, hoạt động thực tiễn của đội ngũ CBVC, đóng góp quan trọng vào khả năng tự chủ về tài chính của Viện.

Để thực hiện tốt các mục tiêu phát triển nêu trên, Viện VLXD sẽ tiếp tục tăng cường đào tạo cán bộ sau đại học, đào tạo chuyên gia; thu hút nguồn nhân lực nghiên cứu KHCN có chất lượng cao; Chủ động hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm quản lý, điều hành, dịch vụ tư vấn đầu tư, nghiên cứu phát triển sản phẩm VLXD mới; Tăng cường công tác đầu tư phát triển Viện đặc biệt là hệ thống phòng thí nghiệm với các thiết bị nghiên cứu đồng bộ, hiện đại.

Các bài viết khác