Tình hình sản xuất, tiêu thụ, xuất nhập khẩu gạch ốp lát thế giới

11/22/2021 11:43:08 AM

Cuộc khảo sát lần thứ 9 "Sản xuất và tiêu thụ gạch ốp lát thế giới" do Trung tâm nghiên cứu MECS/Acimac xuất bản vào tháng mười, bao gồm gần 300 trang biểu đồ, bảng và bình luận, nghiên cứu cung cấp những phân tích chi tiết về các xu hướng diễn ra trong giai đoạn mười năm đến năm 2020 về mặt công nghiệp, thị trường, tiêu thụ bình quân đầu người và dòng xuất nhập khẩu xét theo khu vực địa lý của 76 nước sản xuất gạch ốp lát lớn nhất, nước tiêu dùng, xuất khẩu và các nước nhập khẩu. Nghiên cứu cũng bao gồm các dự báo phát triển trong năm 2021 và xu hướng 5 năm tiếp theo đến năm 2025.

Đặc điểm mới của nghiên cứu năm nay là phiên bản chuyên sâu về chuỗi lịch sử 10 năm sản xuất và tiêu thụ gạch ốp lát tại Trung Quốc dựa trên phân tích thị trường mở rộng được thực hiện bởi MECS và liên quan đến hơn một nghìn công ty hoạt động tại 27 khu vực của Trung Quốc. Điểm nhấn của nghiên cứu với 800 trang là phần "Trung Quốc: Gạch tấm lớn và gạch đá tấm", bao gồm dữ liệu về năng lực sản xuất, số lượng dây chuyền, loại sản phẩm và các dự án đầu tư đang được tiến hành hoặc lên kế hoạch trong giai đoạn ba năm hiện tại của mỗi công ty.

1) Trong khi giai đoạn 2018 - 2019 được đánh dấu bằng sự suy thoái về sản xuất và tiêu thụ gạch ốp lát toàn thế giới thì năm 2020 chứng kiến ​​sự đảo ngược của xu hướng này, mang lại sự phục hồi một phần ban đầu bất chấp đại dịch. Ngược lại, dòng xuất nhập khẩu giảm -2,4% xét về tổng thể, một sự sụt giảm mà chúng ta có thể thấy không hoàn toàn là do cuộc khủng hoảng từ Covid-19.

2) Trong năm 2020, sản xuất gạch ốp lát thế giới đã tăng lên 16.093 triệu m2, tăng +1,7% so với 15.827 triệu m2 năm 2019. Sản xuất tại châu Á tăng +2,8% lên 11,9 tỷ m2, tương đương 74% tổng sản lượng toàn cầu; Kết quả tích cực này chủ yếu là do sự gia tăng sản lượng tại Trung Quốc, Ấn Độ và Iran, bù đắp lượng sụt giảm ở Việt Nam và Indonesia. Lục địa châu Âu sản xuất tổng cộng 1.856 triệu m2 (chiếm 11,6% tổng sản lượng của thế giới): Sản xuất tại Liên minh châu Âu EU giảm -6,6% (từ 1.304 xuống 1.218 triệu m2), trong khi sản xuất tại các nước châu Âu không thuộc EU lại phục hồi (638 triệu m2; +11,9%), nhờ vào sản lượng tăng mạnh ở Thổ Nhĩ Kỳ. Sản xuất trên lục địa châu Mỹ giảm xuống còn 1.409 triệu m2: ở Bắc Mỹ chỉ giảm nhẹ -2,7% (đạt 321 triệu m2), trong khi ở khu vực Trung và Nam Mỹ, nơi bị tấn công tồi tệ nhất bởi tình trạng đóng cửa kéo dài do đại dịch Covid năm 2020, sản xuất đã giảm xuống còn 1.088 triệu m2 (-7,6%).

Tăng trưởng tiếp tục ở châu Phi, nơi sản lượng ước tính đạt khoảng 918 triệu m2 năm 2020 (+6,1%). Ngoài Ai Cập, nước luôn duy trì vị thế hàng đầu ở lục địa bất chấp sụt giảm sản lượng chỉ còn 285 triệu m2 và Algeria đứng ở mức 185 triệu m2, các nước châu Phi cận Sahara (Ghana, Tanzania, Ethiopia, Kenya, Uganda, Senegal, Zambia, Zimbabwe và Angola) tiếp tục tăng trưởng với mức sản lượng từ ​​10 đến 50 triệu m2 (chủ yếu là do đầu tư của Trung Quốc), trong khi sản lượng của Nigeria lên tới 114 triệu m2.

3) Năm 2020, tiêu thụ gạch ốp lát thế giới đã nối lại xu hướng tăng trưởng từ 15.650 lên 16.035 triệu m2 (+2,5%), mặc dù đây vẫn ở mức thấp nhất trong 7 năm qua. Hầu hết tất cả các khu vực đều chứng kiến ​​sự phục hồi. Ở châu Á, nhu cầu đã tăng lên 11,4 tỷ m2 (+2,8%), tương đương 71,5% tổng lượng tiêu thụ toàn cầu. Ở châu Âu, tiêu thụ tăng ở cả các quốc gia thuộc EU (1.035 triệu m2; +1,4%) và các nước châu Âu không thuộc EU (563 triệu m2; +11,3%). Mức tiêu thụ của châu Mỹ vẫn gần như ổn định với 1.249 triệu m2 tại thị trường Trung và Nam Mỹ (-1%) và 541 triệu m2 ở Bắc Mỹ (-0,6%). Nhu cầu gạch ốp lát ở châu Phi cũng tăng lên, đạt 1.124 triệu m2 (+1,4%).

4) Năm 2020, xuất khẩu gạch ốp lát toàn cầu đã giảm -2,4% xuống 2.769 triệu m2, giảm 67 triệu m2 so với năm 2019. Ngoài một số biến động nhỏ giữa các nước xuất khẩu đơn lẻ, kết quả trên là sự kết hợp giữa sự sụt giảm mạnh trong xuất khẩu của Trung Quốc (giảm 157 triệu m2; -20%) và sự gia tăng mạnh mẽ ở Ấn Độ (tăng 77 triệu m2, +21,4%). Xét về khu vực vĩ ​​mô, xuất khẩu từ châu Á giảm xuống còn 1.385 triệu m2 (-4,5%), tương đương 50% lượng xuất khẩu trên thế giới. Xuất khẩu của Liên minh châu Âu vẫn ổn định ở mức 922 triệu m2 (+0,2%), tương ứng với một phần ba tổng xuất khẩu thế giới, trong khi xuất khẩu từ các nước châu Âu không thuộc EU cũng đạt kết quả khả quan (207 triệu m2; +11,9%), phần lớn là do tăng trưởng đáng kể từ xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này trái ngược với sự sụt giảm lượng xuất khẩu từ khu vực Trung và Nam Mỹ (từ 148 xuống 133 triệu m2; -10%) và từ Bắc Mỹ (từ 45 xuống 41 triệu m2; -8,9%). Xuất khẩu của châu Phi cũng giảm -8% xuống còn 81 triệu m2.

5) Xét về xu hướng xuất khẩu của các châu lục hoặc khu vực địa lý khác nhau, EU vẫn là khu vực có trọng tâm mạnh nhất đối với thị trường quốc tế sau khi chứng kiến ​​sự gia tăng thị phần xuất khẩu  trong năm 2020 (từ 70,6% lên 75,7 % sản lượng). Tất cả các khu vực khác bị tụt lại phía sau: các nước châu Âu không thuộc EU đã xuất khẩu 32,4% sản lượng, Bắc Mỹ là 12,8%, Nam Mỹ là 12,2%, châu Á là 11,6% và châu Phi chỉ đạt 8,8%.

Lưu lượng xuất khẩu/nhập khẩu tăng mạnh ngày càng khẳng định xu hướng thị trường tiêu thụ gạch ốp lát sẽ gắn liền với khu vực sản xuất. Xuất khẩu thế giới chiếm 14,5% sản lượng và 17,2% lượng tiêu thụ toàn cầu, với 61,9% lượng xuất khẩu được lưu chuyển trong cùng một khu vực địa lý sản xuất (76,5% xuất khẩu của Nam Mỹ xuất trong các nước thuộc khu vực Nam Mỹ, 82,8% xuất khẩu của Bắc Mỹ được bán trong khu vực NAFTA, và 68,4% xuất khẩu châu Á được xuất sang các nước châu Á khác). Khu vực EU vẫn là một ngoại lệ với 45,3% lượng xuất khẩu được bán tại các thị trường ngoài EU.

Phân tích này được xác nhận bởi thực tế là thị phần sản xuất và tiêu thụ thế giới có xu hướng tương tự ở mỗi lục địa. Châu Á chiếm 74% sản lượng và 71,5% lượng tiêu thụ thế giới, châu Âu (EU + non-EU) lần lượt là 11,6% và 10%, châu Mỹ là 8,8% và 11,2% và châu Phi là 5,7% và 7%.

Xem chi tiết bảng biểu trong tạp chí số 112, quý IV/2021

Các bài viết khác