Tạp chí Gốm sứ xây dựng số đặc biệt Quý IV nam 2013

2/1/2016 8:26:52 AM

Tạp chí Gốm sứ xây dựng số đặc biệt Quý IV/2013 bao gồm rất nhiều thông tin tổng hợp về tình hình sản xuất, tiêu thụ, xuất nhập khẩu của thế giới, tình hình ngành gốm sứ xây dựng trong khu vực, các nước sản xuất hàng đầu như Italia, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Brazil, ...., những thông tin về ngành gốm sứ các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, .... Các bài viết đánh giá tình hình và triển vọng phát triển những năm tiếp theo, .... Những bài viết về khoa học công nghệ rất hữu ích trong sản xuất thực tế, .... Bên cạnh đó còn rất nhiều thông tin hữu ích về các công ty, tập đoàn sản xuất thiết bị, máy móc phục vụ ngành gốm sứ, ....

Tất cả có trong Tạp chí Gốm sứ xây dựng số đặc biệt quý IV/2013.

Thế giới:

 Sản lượng gạch ốp lát thế giới năm 2012 vượt qua mốc 11 tỷ m2 đạt 11.166 triệu m2, tăng 5,4% so với con số 10.596 triệu m2 năm 2011. Hầu hết các khu vực trên thế giới cũng như các nước sản xuất lớn đều tăng sản lượng, ngoại trừ một số nước (Italia, Việt Nam, Syria và Bồ Đào Nha). Khu vực châu Á đạt 7.674 triệu m2 (tăng 6,4% tương đương 462 triệu m2 so với năm 2011), nâng thị phần sản lượng của cả khu vực này lên tới 68,7%. Sản lượng gạch của châu Âu tăng nhẹ từ 1.667 lên 1.700 triệu m2 (+2%), tương đương 15,3% thị phần sản lượng thế giới. Cụ thể, khu vực EU (27 nước thành viên) duy trì sản lượng ổn định 1.168 triệu m2 (-0,8% so với 2011), trong khi các nước châu Âu khác không thuộc EU cũng tăng từ 490 lên 532 triệu m2 (+8,6%). Ở khu vực châu Mỹ, tổng sản lượng đạt 1.438 triệu m2 (tương đương 12,9% thị phần sản lượng thế giới). Khu vực Trung và Nam Mỹ tăng từ 1.098  triệu lên 1.138 triệu m2 (+3,6%) trong khi sản xuất ở khu vực Bắc Mỹ đạt 300 triệu m2 (+4,2% so với 2011). Khu vực châu Phi đã phục hồi sau năm 2011 sụt giảm với sản lượng tăng từ 326 lên 349 triệu m2 (+7,1% so với 2011).

Italia:

Năm 2012, Italia chịu sự sụt giảm cả ở sản lượng (-8,3%, đạt 367,2 triệu m2) và giá trị (-7,5%, đạt 382,2 triệu €). Doanh số tại thị trường nội địa giảm mạnh (-18,8%, từ 115 xuống còn 93 triệu m2), kéo theo doanh thu giảm mạnh (-19,8%) đạt 919 triệu €.  Xuất khẩu giảm ít hơn (-3%, từ 298 xuống còn 289 triệu m2) và nhờ giá bán trung bình tăng cao 12,7 €/m2 (+5,9%) nên doanh thu xuất khẩu cũng tăng nhẹ (+2,6%) đạt 3,66 tỷ €. Tính chung tổng doanh thu toàn ngành gạch ốp lát của Italia năm 2012 đạt 4,58 tỷ € (-2,8%).

Xuất khẩu gạch ốp lát của Italia năm 2012 tăng ở tất cả các khu vực địa lý ngoại trừ EU (-7,3%) với doanh số 156,2 triệu m2 đạt giá trị 2.064 triệu € (-2,9%).

Trung Quốc: 

Rất khó xác định chính xác các con số thống kê của Trung Quốc vì có sự chênh lệch số liệu do nhiều nguồn tin cung cấp, do quy mô sản xuất của đất nước này rất rộng lớn, do đó ước tính công suất sản xuất gạch ốp lát của Trung Quốc đạt khoảng 9 tỷ m2 với tầm 1400 công ty sản xuất. 

Tuy nhiên, theo ước tính của tạp chí Ceramic World Review thì trong năm 2012, Trung Quốc sản xuất 5.200 triệu m2 (+8,3%, mức tăng trưởng chậm hơn so với 2 năm trước) tương đương 46,6% sản lượng toàn thế giới. Tiêu thụ nội địa tăng ít hơn (+6,3%) đạt mức 4.250 triệu m2, chiếm 38,9% tổng tiêu thụ toàn cầu. 

 Việt Nam:

Tiêu thụ nội địa có giảm chút ít so với 2012 (khoảng – 1,3%), chứng tỏ rằng sức mua của thị trường nội địa khá ổn định. Dù đầu tư xây dựng mới sút giảm nghiêm trọng, nhưng thị trường sửa chữa, nâng cấp và thị trường nông thôn vẫn có nhiều tiến triển, sức mua nội địa đạt tới 250 triệu m2 chưa kể lượng nhập khẩu tới 53,5 triệu USD, cùng với lượng buôn lậu còn lớn. Đây thực sự là tiềm năng tiêu thụ nội địa, nhìn trên phương diện khó khăn tổng thể của nền kinh tế.

Xuất khẩu năm 2013 tăng đột biến. Đối với gạch ốp lát tăng 17,3% và sứ vệ sinh tăng 15,7% so với 2012, đạt tới ngưỡng 300 triệu USD. Khó khăn đã thúc đẩy các doanh nghiệp năng động hơn trong việc tìm kiếm thị trường khu vực và thế giới. Cần nói rằng xuất khẩu ngoài cái lợi thực là có lãi, còn tạo được việc thúc đẩy sản xuất chất lượng hơn và tạo thêm sự ổn định sản xuất, tạo dòng lưu chuyển vốn, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Người tiêu dùng trên thế giới biết thêm đến thương hiệu Việt Nam qua gốm sứ xây dựng. Xuất khẩu sản phẩm gốm sứ có thể nói là 100% Việt Nam từ nguyên liệu trở đi, nên ý nghĩa rất lớn, khác hẳn với những ngành hàng nhập khẩu với giá trị tới 70 – 80% của giá trị xuất khẩu mang lại.

Các bài viết khác