Hội nghị bàn giải pháp đối phó với gạch ốp lát nhập khẩu từ Ấn Độ

8/21/2023 4:10:50 PM

Trước tình hình gạch ốp lát Ấn Độ nhập khẩu vào thị trường Việt Nam tăng đột biến trong năm 2022 và dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2023 với giá bán thấp ảnh hưởng lớn đến sản xuất cũng như thị trường gạch ốp lát trong nước, ngày 07/04/2023 Hiệp hội gốm sứ xây dựng Việt Nam đã triệu tập Hội nghị với các doanh nghiệp sản xuất gạch ốp lát lớn trong ngành để bàn biện pháp bảo vệ sản xuất và thị trường nội địa.

Tại Hội nghị, ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội đã nêu thực trạng sản xuất và thị trường gạch ốp lát hiện nay Các doanh nghiệp cùng thảo luận về giá gạch ốp lát Ấn Độ đang chào bán về Việt Nam. Hiện nay các công ty của Ấn Độ đã sang chào hàng tận các đại lý vật liệu xây dựng với đa dạng chủng loại và kích thước sản phẩm có giá bán rất thấp, thậm chí chỉ bằng một nửa so với giá bán của gạch ốp lát Việt Nam cùng loại trên thị trường nội địa. Lượng nhập khẩu sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Các doanh nghiệp đều nhận định rằng ngành sản xuất gạch ốp lát của Việt Nam sẽ bị đe dọa nghiêm trọng, không thể phát triển được nếu chúng ta không khẩn trương tìm ra giải pháp đối phó ngăn chặn gạch nhập khẩu từ Ấn Độ.

Hiệp hội và các doanh nghiệp đã cùng thảo luận và cùng nhất trí đưa ra Nghị quyết như sau:

Tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với hàng gạch ốp lát nhập khẩu từ Ấn Độ, chủ yếu tập trung vào các mã sản phẩm 6907.21; 6907.22; 6907.23 hiện đang nhập nhiều về Việt Nam.

Rào cản thuế quan: đề nghị Chính phủ Việt Nam xem xét đưa ngành hàng gạch ốp lát vào danh mục ngành hàng/mặt hàng nhạy cảm để tăng mức thuế nhập khẩu vì hiện nay thuế nhập khẩu từ Ấn Độ thấp (5%) và theo lộ trình sẽ còn tiếp tục giảm.

Lập hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn chặn hàng nhập khẩu kém chất lượng, bảo vệ thị trường trong nước và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tiến hành công tác truyền thông về chất lượng gạch ốp lát Ấn Độ để người tiêu dùng được biết khi lựa chọn.

Tất cả đại diện các doanh nghiệp tham gia Hội nghị đều nhất trí chủ trương thực hiện 4 biện pháp nêu trên, trong đó quan trọng và thiết yếu nhất là tiến hành điều tra chống bán phá giá – Việc này là sự đồng lòng quyết tâm của tất cả các công ty sản xuất gạch ốp lát Việt Nam cùng đứng đơn khởi kiện, cùng đóng góp chi phí để thực hiện mục tiêu bảo vệ để ngành gạch ốp lát Việt Nam phát triển ổn định.

Để thực hiện việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá hàng gạch ốp lát nhập khẩu từ Ấn Độ vào thị trường Việt Nam, Hiệp hội xin tóm lược những đầu mục cần triển khai như sau:

Thuê công ty điều tra thị trường:

Báo cáo tình hình nhập khẩu Ấn Độ về Việt Nam

Báo cáo năng lực sản xuất của Ấn Độ

Báo cáo ngành sản xuất gạch ốp lát Việt Nam

Báo cáo điều tra chống bán phá giá đối với hàng gạch của Ấn Độ của các quốc gia khác ví dụ báo cáo của Ủy ban Châu Âu…

Báo cáo về giá thành và giá bán gạch ốp lát tại thị trường Ấn độ

Quá trình triển khai:

Họp trù bị khung chương trình

Gặp gỡ, tư vấn, dự trù tiến độ, ngân sách

Thuê công ty tư vấn, dịch vụ pháp lý trong nước

Thuê công ty tư vấn, dịch vụ pháp lý quốc tế

Thuê dịch vụ truyền thông đẩy vấn đề có tính thời sự cao

Để triển khai các công việc nêu trên, Hội nghị thống nhất:

1.  Thành lập Ban điều hành (và lập nhóm zalo làm việc) gồm các ông bà sau:

Ông Trần Tuấn Đại – Trưởng ban (Phó tổng giám đốc Cty CP Công nghiệp Á Mỹ)

Ông Nguyễn Minh Tuấn – Phó ban (Phó chủ tịch Hiệp hội GSXD Việt Nam)

Bà Trịnh Thị Phương Anh – Thư ký

Bà Vũ Thị Kim Dung – Thư ký

Các thành viên Hiệp hội GSXD Việt Nam tham gia cùng ban điều hành.

Các thành viên từ công ty sản xuất (Các công ty cử đại diện tham gia)

2. Thống nhất mức đóng góp kinh phí theo đầu mục công việc triển khai

Đợt 1: Các doanh nghiệp sẽ đóng góp theo công suất thiết kế với mức đóng góp là 10 triệu VNĐ/1 triệu m2.

Các bài viết khác