Gạch nhập lậu TQ - Cuộc chiến cam go

1/22/2016 10:24:51 AM
Hiện nay trên thị trường Việt Nam, hàng Trung Quốc nhập lậu nhiều nên giá quá rẻ khiến gạch trong nước và các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Lấn sân từ giá bèo đến cao cấp

Tại các cửa hàng VLXD trên địa bàn TP HCM và Hà Nội hiện nay, hàng TQ rất nhiều, trong đó nhiều nhất là gạch lát nền, ốp tường (chủ yếu là gạch granite), đèn trang trí, các thiết bị vệ sinh như bồn cầu, bồn tắm, vòi nước và hàng loạt phụ kiện khác...

Do tiêu thụ mạnh nên không ít cửa hàng VLXD và trang trí nội thất chuyển hẳn sang kinh doanh hàng TQ. Những cửa hàng này bài trí khá ấn tượng, từng chủng loại hàng được sắp xếp theo khu vực riêng, có nhân viên hướng dẫn tỉ mỉ và có cả thiết kế mẫu cho khách hàng dễ lựa chọn...

Theo giới kinh doanh VLXD, điểm mạnh của hàng TQ hiện nay là đa dạng về chủng loại, nhãn hiệu và giá cả. Chỉ riêng mặt hàng gạch lát nền, ốp tường, hàng TQ có gần cả trăm loại, có loại giá rẻ 60.000 đồng - 70.000 đồng/m2, phổ biến là loại có mức giá trên dưới 200.000 đồng/m2, đặc biệt cũng có loại giá 400.000 đồng- 500.000 đồng/m2.

Trà trộn hàng tốt – xấu, giá cả bất thường

Hàng gạch granite tốt chính hãng nhập từ TQ do các nhà phân phối chính thức cung ứng thường có xuất xứ, hoá đơn thanh toán hẳn hoi và giá cao. Hàng bậc khá giá từ 250.000 – 350.000đ/m2 thường đi theo đường tiểu ngạch. Hai bậc hàng này không nhiều trên thị trường và cũng không là mối lo lắm cho các công ty trong nước. “Tuy nhiên hàng cấp trung, cấp thấp, giá nào bán cũng được mới đáng sợ”, theo một chủ cửa hàng có tâm huyết với ngành VLXD trong nước nói, “họ đưa mẫu thì đẹp như tranh vẽ nhưng xếp 10 viên lại thì lệch màu sắc, kích cỡ, độ thẩm thấu cao, độ cứng bề mặt kém, dễ bị xước…” Mặt hàng cấp thấp này nhập ồ ạt vào Việt Nam, chủ yếu bằng đường tiểu ngạch, giá chỉ 120.000 – 200.000đ/m2 và bán linh động, mức giá nào cũng được và hầu như không có hoá đơn chứng từ.

Ông Phạm Quốc Thăng, phó giám đốc công ty Đăng Hà chuyên phân phối gạch ốp lát cao cấp của TQ cho biết, khởi đầu vào những năm 2003 công ty cũng phân phối hàng dạng trung bình mang tính đại trà, lúc đó gạch TQ kém chất lượng. Qua quá trình tìm hiểu và lựa chọn đến năm 2004 – 2005 công ty chuyển sang phân phối độc quyền nhãn hiệu gạch nổi tiếng TQ Sand-Debo của tập đoàn Tân Trung Nguyên – một trong năm tập đoàn lớn nhất TQ và vài nhãn hiệu cao cấp khác có chất lượng cũng của TQ. “Phân phối sản phẩm của TQ cũng gặp những khó khăn vì người tiêu dùng lúc đó quan niệm, hàng TQ thường rẻ tiền và không tốt; hàng TQ lại có rất nhiều loại từ thấp đến cao và giá nào cũng có”. Và “công khai với khách hàng mình bán sản phẩm của TQ nên phải giải thích, đưa ra các thông số chất lượng theo tiêu chuẩn châu Âu”. Tuy nhiên, trên thị trường cũng có các mặt hàng mẫu mã gần giống với sản phẩm của công ty nhưng giá rẻ hơn từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng/m2. “Việc này gây khó khăn nhưng mình phải chứng minh cho khách hàng có sự khác biệt về nguồn gốc”, ông Thăng nói.

 

 
Ông Thanh Lai, một nhà phân phối gạch lâu năm cho rằng: Hiện thị trường rất nhiều gạch TQ nhưng người bán nói sai xuất xứ để thu lợi nhuận. Các hàng này không được đảm bảo về chất lượng và giá cả bất thường. Hiện cũng có một số nhà phân phối nhập hàng TQ có thương hiệu, có kiểm tra chất lượng và công khai thông tin cho khách hàng nhưng dạng đó không nhiều. Việc sản phẩm gạch Việt Nam còn thua trên thị trường đó chính là do mẫu mã. Hàng TQ liên tục đưa ra mẫu mới vì họ sản xuất số lượng nhiều nên đủ để thay đổi mẫu. Có nhà sản xuất ViệtNam đã từng làm những mẫu cao cấp giống như của TQ nhưng do số lượng ít nên giá thành sản phẩm cao và vấn đề về kỹ thuật như màu sắc, đường nét vẫn chưa đạt độ tinh xảo.

Theo một chủ cửa hàng cho biết hàng TQ không chỉ chiếm lĩnh thị trường gạch lát nền, gạch trang trí mà còn áp đảo về thị trường thiết bị vệ sinh như bồn tắm, bồn massage, vòi nước, chậu rửa... với đủ chủng loại từ bình dân đến cao cấp (chiếm khoảng 60% - 70% thị trường). Về mặt hàng đèn trang trí, hàng TQ chiếm khoảng 90% thị trường.

Siêu lợi nhuận

Giải thích về hiện tượng hàng TQ ngày càng chiếm lĩnh thị trường VLXD và trang trí nội thất, nhiều chuyên gia VLXD cho rằng không phải chất lượng hàng TQ cao hơn hàng trong nước mà cái chính là do sản phẩm của họ đa dạng và bắt mắt, cũng như tính tiện lợi cao...

Tuy nhiên, về chất lượng thì hàng TQ chưa khiến người tiêu dùng yên tâm, chưa kể hiện tượng hàng TQ nhái giả các loại hàng cao cấp khác.

Chẳng hạn về mặt hàng đèn trang trí, hàng TQ chiếm đến 90% thị trường VN nhưng người bán giới thiệu đó là hàng Đài Loan, Hồng Kông hoặc Hàn Quốc để bán giá cao. Hoặc loại bồn cầu Inax nổi tiếng đang bị hàng TQ nhái nhãn hiệu Inmax...

Do kinh doanh hàng TQ có lãi cao nên hiện nay đang có hiện tượng nhiều nhà buôn sang tận TQ đặt hàng cũng như làm nhãn hiệu riêng dưới dạng “độc quyền” phân phối. Loại bồn cầu một khối có chất lượng trung bình giá 300.000 đồng-400.000 đồng/bộ nhưng khi về VN giá được đẩy lên 2 triệu-3 triệu đồng/bộ.

Vòi nước sử dụng cho lavabo, vòi sen, vòi rửa chén (loại cao cấp) giá gốc cũng chỉ vài trăm ngàn đồng nhưng về VN giá bán từ 1 triệu đồng trở lên... Mặt hàng dễ “ăn” nhất là bồn tắm, bồn massage. Chẳng hạn loại bồn tắm bằng nhựa giá bán trên thị trường hiện nay từ 5 triệu-10 triệu đồng/cái (trong khi giá vốn chỉ vài triệu đồng), bồn tắm có massage thì vô tư hét giá từ 10 triệu cho đến 30 triệu đồng/bộ, tùy loại “ấn tượng” cỡ nào, trong khi giá vốn không đến 5 triệu đồng.

Cạnh tranh có sòng phẳng?

Giới trong ngành cho biết, hiện có nhiều thương hiệu gạch ốp lát trong nước hay các công ty thương mại sang TQ đặt hàng, đóng chìm trên sản phẩm thương hiệu của mình hẳn hoi, nhập về công bố “hàng trong nước sản xuất”. Đó là chiêu lách thuế, nhập thô viên gạch như một dạng nhập nguyên liệu hay bán thành phẩm về gia công sản xuất để giảm thuế. Bởi thực chất, viên gạch thô đó đã hình thành, chỉ việc về đánh bóng bề mặt, mài cạnh là có viên gạch hoàn thiện. Và, những công ty đó chẳng sản xuất gì cả, dù thương hiệu của họ có ở Việt Nam từ cả chục năm nay! Vì thuế nhập khẩu gạch mà trong nước đã sản xuất được thì bị đánh thuế tới 50%.

 

Hiện, hàng TQ đang đưa vào Việt Nam có phân khúc thị trường giá cao hơn, chất lượng khá để cạnh tranh với hàng sản xuất trong nước. “Người Tây Ban Nha cũng đến TQ đặt hàng và tất nhiên, theo tiêu chuẩn chất lượng của họ và đóng nhãn mác Tây Ban Nha đàng hoàng”, ông Nguyễn Công Định, giám đốc chi nhánh công ty Thạch Bàn tại TP.HCM nói. Ông Định khẳng định thêm, “giá như sản xuất kinh doanh sòng phẳng, hàng rào thuế quan chặt chẽ thì những doanh nghiệp trong nước không phải lo lắm về việc cạnh tranh với hàng TQ”.

Hàng lập lờ chất lượng còn lách thuế bằng việc ghi giá thấp, giá không đúng thực tế trên hoá đơn gốc. Bà Phạm Bích Thuỷ, giám đốc tiếp thị tập đoàn Prime sản xuất gạch ốp lát nói, trong bối cảnh hàng TQ tràn ngập thì việc giữ khách hàng bằng mẫu mã, giá cả và chất lượng là điều then chốt. Tuy nhiên, “nếu hàng TQ được nhập khẩu chính thức với thuế công bằng thì công ty cũng không sợ phải cạnh tranh; nhưng hàng nhập tiểu ngạch trốn thuế, giá cả lung tung là một vấn đề khó khăn”.

Bà Trần Thị Ngọc Diễm – Công ty gạch Mỹ Đức cho biết: Mỹ Đức chủ yếu sản xuất gạch men ốp lát, với thế mạnh là mẫu mã có tính riêng lấy từ hoạ tiết trong thiên nhiên. “Chúng tôi không sợ hàng TQ bởi chúng tôi có dịch vụ trước và sau khi mua sản phẩm, điều này các loại hàng trôi nổi của TQ không làm được”, bà Diễm khẳng định.

Lệ thuộc máy Trung Quốc

Những đơn vị có thương hiệu gạch nhưng không sản xuất thường chỉ “gia công” mài, đánh bóng...  Hoặc công ty sản xuất gạch ceramic với công nghệ, máy móc của châu Âu, TQ đã cũ; làm từ đất sét, phủ men rồi nung, tạo hoa văn bề mặt bằng vỉ lưới. Do đó khó có thể cạnh tranh với hàng TQ hay các nước khác đã tiến tới làm phần xương gạch thành chất bán sứ (porcelain) và tạo bề mặt bằng máy 4 – 8 trục lăn (rotor couler).

Một người trong ngành sản xuất gạch cho biết: Có rất nhiều nhà sản xuất nhập dây chuyền máy móc của TQ giá thành rẻ, cả máy mới và cũ; ngay một số nhà sản xuất lớn cũng vậy. Tuy nhiên, cũng có đơn vị nhập máy móc thương hiệu của châu Âu nhưng đa số đều sản xuất tại TQ.

Công nghệ, máy móc để sản xuất hàng bậc trung, khá của các công ty có tên tuổi ở Việt Nam khá hiện đại không thua kém TQ. Nhưng họ có nhiều lợi thế, chẳng hạn ở Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông TQ là vùng nguyên liệu mênh mông và là nguyên liệu tốt cho sản xuất gạch ốp lát các loại. Ở đó, chỉ quy hoạch mỗi việc sản xuất gạch, quy tụ đông đảo các công ty, nhà máy, mỗi nhà máy chỉ làm một công đoạn trong dây chuyền sản xuất thành phẩm; không phải vận chuyển nguyên liệu đi xa, nên họ sản xuất được số lượng hàng lớn, tinh xảo và giá thành thấp. Không riêng giá rẻ, mẫu mã còn đa dạng, chất lượng thì cấp nào cũng có.

Nhà nước TQ hỗ trợ nhiều mặt cho các doanh nghiệp sản xuất gạch như giá thuê đất, thuế... Và, họ khuyên người bản xứ rằng, “hàng dành xuất khẩu không nên dùng”; vào cửa hàng bán gạch của TQ thì giá lại cao hơn ở Việt Nam với sản phẩm cùng loại.

Theo nhận định của các chuyên gia VLXD, hàng VLXD, trang trí nội thất từ TQ tràn ngập thị trường trong nước là do khâu kiểm soát còn nhiều lỏng lẻo.

Hàng nhập lậu từ TQ rất nhiều do đường bộ không kiểm soát được. Thế mạnh của hàng nhập lậu là giá quá rẻ, không có thuế nên hàng trong nước không thể nào cạnh tranh lại, doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn.

Đây là một vấn đề rất bức xúc đối với ngành vật liệu xây dựng Việt Namnói chung và ngành gốm sứ xây dựng nói riêng. Hiệp hội Gốm sứ xây dựng VN và các doanh nghiệp đầu ngành rất quan tâm tới vấn đề này và trong thời gian sớm nhất sẽ có những hành động cụ thể cũng như những kiến nghị với Chính phủ nhằm hạn chế tình trạng này.

(VIBCA tổng hợp thông tin các báo và số liệu thị trường)

Các bài viết khác