FiCO phát triển thị trường xuất khẩu

1/30/2016 9:46:44 AM

Năm 2012 là năm cực kỳ khó khăn đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh VLXD, trong đó có FiCO. Khi đầu tư công bị cắt giảm, các dự án BĐS tạm dừng hoặc giãn tiến độ, nhiều công trình xây dựng không có vốn để triển khai cộng thêm giá cả nhiên liệu, điện, nguyên liệu đầu vào liên tục tăng, lãi suất ngân hàng cao, tỷ giá ngoại tệ tăng, chi phí tài chính lên đến 20 - 30%, vốn lưu động thiếu… khiến các DN sản xuất VLXD phải giảm sản lượng hoặc dừng sản xuất, sản phẩm tồn kho khối lượng lớn, kinh doanh thua lỗ

Mặc dù gặp nhiều khó khăn kể trên, 6 tháng đầu năm TCty VLXD số 1 (FiCO) vẫn đạt giá trị sản xuất kinh doanh 1.921,8 tỷ đồng, doanh thu đạt 2.219,36 tỷ đồng, đạt 45% kế hoạch năm. Đặc biệt, trong bối cảnh thắt chặt tín dụng, nguồn vốn eo hẹp nhưng FiCO vẫn tiếp tục triển khai để hoàn thành các dự án như dự án Horizon, khu đô thị Vườn phố, nhà văn phòng Valta, dây chuyền 1 nhà máy xi măng Tây Ninh, hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải… với tổng giá trị đầu tư xây dựng cơ bản đạt 125,4 tỷ đồng.

Thị trường trong nước khó khăn, để tiêu thụ được sản phẩm FiCO đã đẩy mạnh công tác xuất khẩu. Đến nay, giá trị kim ngạch xuất khẩu của FiCO đạt 6.456.552USD, tăng 9% so với cùng kỳ. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là gạch ceramic, xi măng, thép các loại. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Campuchia, Yemen, Singapore…

Tuy nhiên, do chi phí đầu vào tăng cao và việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn nên lợi nhuận của FiCO trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 11,1 tỷ đồng, bằng 11% kế hoạch năm. Với kết quả trên, khả năng năm 2012 FiCO sẽ không đạt được kế hoạch đã đề ra.

Ông Nguyễn Đức Dũng - TGĐ FiCO cho biết, mặc dù Chính phủ đã có những giải pháp quyết liệt nhưng theo dự báo, những tháng còn lại của năm 2012 kinh tế đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, tình hình lạm phát, lãi suất vẫn chưa ổn định, thị trường BĐS vẫn chưa hồi phục nên ngành VLXD vẫn sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, sản lượng tiêu thụ sẽ còn tiếp tục giảm mạnh. Trước thực tế đó, lãnh đạo TCty đã chỉ đạo các đơn vị phụ thuộc phải chủ động trong sản xuất kinh doanh, cân đối giữa sản xuất và tiêu thụ, tránh sản xuất ra không tiêu thụ hết làm lượng hàng tồn kho tăng cao, gây ứ đọng vốn. Cụ thể, ngoài việc duy trì, ổn định sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm cho CBCNV, FiCO sẽ tiếp tục thực hiện việc tiết giảm các chi phí, nhất là chi phí quản lý. Song song với đó, sẽ tập trung phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu để giải quyết đầu ra cho sản phẩm.

Các bài viết khác