Cảnh báo hiện tượng lừa đảo thương mại từ các đối tượng ở Châu Phi

1/26/2016 11:07:09 AM

Trong thời gian gần đây, Bộ Công Thương nhận được nhiều thư điện tử, văn bản của các doanh nghiệp trong nước đề nghị tìm hiểu và xác minh các đối tác tại châu Phi trước khi ký kết các hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hoá. Theo kết quả thẩm tra của Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á và các Thương vụ Việt Nam tại châu Phi, phát hiện hầu hết các trường hợp này  là lừa đảo. Bộ Công Thương cảnh báo về các hình thức lừa đảo phổ biến thời gian qua để Hiệp hội cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp biết và có biện pháp đề phòng:

Các đối tượng thường tự nhận là doanh nghiệp tại các nước khu vực Tây Phi như Togo, Bê – Nanh, Camơrun, Nigeria, Niger, Ghana, Senegal, Burkina Faso, ..., một số giả mạo là tổ chức thuộc Chính phủ Niger Delta Development Commission (NDDC) hoặc phi Chính phủ như Tổ chức cứu trợ và phát triển kinh tế Tây Phi EDSROWA. Họ đưa ra đề nghị mua hàng hoặc ký hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hoá với các doanh nghiệp trong nước, hoặc thông báo doanh nghiệp ta được chọn trúng thầu hoặc được chỉ định thầu xuất khẩu hàng hoá sang các nước khu vực Tây Phi, giá trị các hợp đồng mua hàng thường rất lớn, giá mua hấp dẫn và điều kiện giao dịch đơn giản.

Trong quá trình giao dịch, các đối tác châu Phi thường yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu trả trước một số tiền lệ phí như phí nhập khẩu, phí giao dịch hoặc phí đăng ky cấp giấy phép nhập khẩu với giá trị chỉ khoảng một vài nghìn đô la Mỹ, chuyển vào tài khoản do đối tác cung cấp.

Các đối tác này thường đưa ra các loại giấy tờ và giấy phép xuất nhập khẩu giả mạo của nước sở tại nhằm tạo niềm tin cho các doanh nghiệp nước ngoài. Hầu hết các giao dịch của đối tác chỉ thông qua hình thức thư điện tử, một số đối tác cung cấp địa chỉ trang web giả giới thiệu về doanh nghiệp, tổ chức hoặc tự lập website.

Để tránh những rủi ro này khi giao dịch với các đối tác tại châu Phi, Bộ Công Thương lưu ý với các doanh nghiệp một số điểm sau:

- Nhiều nước ở Tây Phi là nước nói tiếng Pháp và tất cả các văn bản chính thức được soạn thảo bằng tiếng Pháp ngay cả tại các tổ chức nước ngoài hoặc quốc tế có trụ sở tại đây. Do vậy, nếu một văn bản hành chính (như giấy phép kinh doanh) viết bằng tiếng Anh thì đây là một hành vi lừa đảo.

- Đối với các doanh nghiệp châu Phi, việc giao dịch mua bán hàng hoá thường theo hình thức gặp gỡ trực tiếp, tận mắt nhìn thấy hàng hoá trước khi quyết định mua hàng. Hình thức giao dịch thông qua thương mại điện tử chưa phổ biến và cơ sở hạ tầng của các nước châu Phi chưa đáp ứng được cho hoạt động thương mại điện tử. Vì vậy doanh nghiệp cần hết sức cảnh giác đối với những đối tác chỉ giao dịch thông qua internet.

- Đối với những mặt hàng thông thường không thuộc danh mục hạn chế hoặc cấm nhập khẩu thì nhà xuất khẩu nước ngoài không phải chứng minh đã từng xuất khẩu hàng sang nước sở tại hoặc phải đăng ký tại Phòng Công nghiệp và Thương mại hay Bộ Thương mại của nước nhập khẩu. Ngoài ra, nhf xuất khẩu không phải xin giấy phép nhập khẩu hoặc thanh toán phí nhập khẩu theo yêu cầu của nhà nhập khẩu vì (nếu có) trách nhiệm này thuộc về người nhập khẩu hàng.

Để mở rộng thị trường sang khi vực châu Phi, doanh nghiệp nên tham gia các hội chợ thương mại tổ chức tại các nước, các đoàn xúc tiến thương mại do các hiệp hội, Bộ, ngành tổ chức hoặc trực tiếp đi khảo sát tìm hiểu thị trường. Doanh nghiệp cũng có thể đề nghị Bộ Công Thương và Thương vụ hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường và hỗ trợ trong quá trình thực hiện các hoạt động tại các nước. Khi nhận thấy có những bất thường trong quá trình giao dịch, doanh nghiệp cần xác minh rõ đối tác và các yêu cầu của họ. Để xác minh doanh nghiệp đối tác nước ngoài, doanh nghiệp nên đề nghị đối tác cung cấp địa chỉ đầy đủ bao gồm cả giấy phép đăng ký kinh doanh và địa chỉ ngân hàng nơi doanh nghiệp đó mở tài khoản và gửi cho Thương vụ Việt Nam tại nước sở tại hoặc gửi về Bộ Công Thương

Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á,
Địa chỉ 54 Hai Bà Trưng, Hà Nội; Điện thoại: 04322205409;
Email: VCPTANA@moit.gov.vn
để xác minh trước khi tiến hành giao dịch.

Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á - Bộ Công Thương xin thông báo cho các doanh nghiệp biết, tránh các rủi ro đáng tiếc cho các doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh tại thị trường châu Phi

Các bài viết khác