Khai thác và chế biến khoáng sản làm VLXD Thực trạng và giải pháp

1/29/2016 3:55:45 PM

Ngày 23/2/2012 vừa qua tại Hà Nội, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đã tổ chức thành công hội thảo quốc tế về "Khai thác và chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Hội thảo do Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng bảo trợ.

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Thứ trưởng BXD Nguyễn Trần Nam cho biết, trong thời gian qua, Việt Nam có những bước phát triển trong các mặt, đặc biệt về kinh tế. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của nước ta chủ yếu dựa vào việc đầu tư vốn, xuất khẩu tài nguyên ở dạng thô chưa được chế biến và nguồn lao động rẻ tiền. Mô hình tăng trưởng như vậy rõ ràng là chưa bền vững. Với mục tiêu đến năm 2020 đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại nên mô hình tăng trưởng được xác định sẽ có sự thay đổi từ đầu tư theo chiều rộng sang chiều sâu, tăng hàm lượng công nghệ trong các sản phẩm hàng hóa và sử dụng hợp lý hơn các nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Theo kết quả địa chất và thăm dò khoáng sản cho thấy Việt Nam là quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản làm VLXD. Dựa vào nguồn tài nguyên khoáng sản làm VLXD đa dạng, phong phú, trong những năm qua ngành công nghiệp VLXD nước ta đã được đầu tư, phát triển mạnh mẽ, không những đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, việc sử dụng tài nguyên còn nhiều vấn đề tồn đọng.

Cụ thể, có thể kể đến ba loại khoáng sản là cao lanh, đất sét trắng, tràng thạch dùng để sản xuất gốm sứ là loại khoáng sản quý hiếm với trữ lượng không lớn. Tuy nhiên, loại nguyên liệu quý hiếm này hầu hết lại được khai thác, chế biến theo công nghệ cũ, chất lượng sản phẩm thấp, hệ số thu hồi thấp, lãng phí tài nguyên lớn.

Do đó, theo phát biểu của ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam thì giải pháp đồng bộ đưa ra là đổi mới công nghệ, đổi mới thiết bị, nâng cao trình độ kỹ thuật khai thác, chế biến, bảo đảm sản xuất đạt hiệu quả kinh tế kỹ thuật cao. Chỉ có vậy mới mong tiết kiệm được tài nguyên khoáng sản,bảo vệ được môi trường sinh thái, hài hòa 3 lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu toàn cầu.